Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Có chính sách để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

  • Hoàng Yên (T/h)
(DS&PL) -

Hiện Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Theo báo Tiền Phong, tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 ngày 16/12, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, hiện nay, cả nước đang tập trung cao độ để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị năm 2024, thực hiện "cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy".

“Đây cũng là cuộc cách mạng giải phóng về tư tưởng để tất cả chúng ta cùng thay đổi cho tương lai tốt đẹp của đất nước. Nhất là thay đổi về tư duy, tầm nhìn, nhận thức và đặc biệt cải cách, đổi mới phát triển, phát huy tốt nhất nhân tố con người, nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư đã nói”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, Chính phủ đang tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan tổng kết Nghị quyết 18; đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy trong khối Chính phủ; ban hành các văn bản pháp luật liên quan đảm bảo triển khai kịp thời khi tổ chức, sắp xếp bộ máy trong hệ thống Chính phủ.

Về cơ cấu, dự kiến Chính phủ còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ và 5 cơ quan trực thuộc; giảm 12/13 tổng cục và tương đương; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ.

Bộ Nội vụ hiện đang hoàn tất toàn báo cáo đề án liên quan để tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị vào ngày 25/12; triển khai các văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương về việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy trong thẩm quyền. Sắp tới, Bộ sẽ hướng dẫn liên quan sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện để địa phương có sự chủ động hơn.

Liên quan đến chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đã hoàn thành dự thảo nghị định, báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian gần nhất, trong đó đưa các quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Lao động

Theo Bộ trưởng Nội vụ, dự thảo nghị định này đưa ra quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng. Tinh thần của chính sách là "làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng".

Vì vậy, chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tổng tương quan chung hợp lý giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Điểm nhấn nữa là chính sách đưa ra tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích đối tượng nghỉ ngay, nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

"Đặc biệt, trong đó nhấn mạnh việc quan tâm duy trì, giữ chân cán bộ tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ để không chảy máu chất xám", Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh.

Cùng với chính sách trên, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ cũng đang hoàn thiện chính sách về thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công. Chính sách này dự kiến sẽ ban hành vào cuối tháng 12/2024 để tổ chức thực hiện.

"Bộ Nội vụ đang thực hiện khối lượng công việc lớn chưa từng có, vừa hướng dẫn, đôn đốc, tổng hợp, phối hợp rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan, vừa định hướng sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức trong thẩm quyền của Bộ", Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã quyết định lựa chọn thời điểm để tiến hành cuộc cách mạng này rất đặc biệt, là thời điểm có ý nghĩa lịch sử, trước thềm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ 14 của Đảng, với quyết sách lớn để đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, chuẩn bị chào mừng 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 80 năm thành lập nước…

Đây còn là thời điểm cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết để đất nước phát triển phù hợp với sự thay đổi của thời đại và xu thế cách mạng 4.0, chuyển đổi số đang diễn biến rất mạnh mẽ.

“Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy có sức nóng mạnh mẽ, lan tỏa trong cả hệ thống chính trị với khí thế toàn Đảng, toàn dân, toàn diện, đồng bộ, khoa học, thận trọng, bài bản và thần tốc. Kết quả đến nay đã nhìn nhận rõ nét bước đầu”, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, theo thông tin trên báo Vietnamnet.

Tin nổi bật