Tôi mang xác các thai nhi về tắm rửa, khâm liệm và chôn cất cẩn thận ở nghĩa trang có lẽ là điều đơn giản nhất mà tôi có thể làm cho những số phận đáng thương này.
[presscloud]370[/presscloud]
Trong đoạn clip phóng sự ngắn của PV báo Kênh 14.vn về những túi rác bí ẩn bị vứt ra từ phòng khám thai ở Hà Nội, tình nguyện viên trẻ tuổi trường Y đã chia sẻ câu chuyện cậu thường đi thu nhặt những thai nhi bị bỏ rơi rồi mang về khâm liệm và chôn cất.
Cậu sinh viên đã dành thời gian kể lại hành trình gian nan gần 1 năm qua của cậu:
"Ngày hôm đó tại một phòng khám tư nhân ở tỉnh Nam Định, tôi đã chứng kiến cảnh tượng mà có lẽ đến tận sau này vẫn chẳng thể nào nguôi ám ảnh. Một thứ gì đó không rõ hình thù vừa bị vứt bỏ hết sức tàn nhẫn vào nhà vệ sinh, không phải rác thải y tế cũng chẳng phải những túi đồ cũ. Bạn có tưởng tượng được không, đó là... một thai nhi còn đỏ hỏn bị nạo hút!"
Tôi luôn trăn trở về số phận đáng thương của các thai nhi. "Tôi sững sờ trước sinh linh bé nhỏ đó! Nó thật đáng thương, bởi nếu đã không được sống thì ít nhất cũng nên có một chỗ an nghỉ đàng hoàng. Từ tận tâm can, tôi chưa từng nghĩ một ngày nào đó lại trải qua cảnh tượng này. Lần đầu tiên trong đời, tôi cầm trên tay một hài nhi, sự thương cảm lấn át chút xúc cảm ám ảnh ban đầu. Ngày hôm sau, tôi cùng một vài bác lớn tuổi trong xóm quyết định xin đưa thai nhi về nhà chôn cất, cho em một chỗ của riêng mình thay vì bị cuốn theo dòng nước xả nơi nhà vệ sinh đó." Thực đáng buồn vì tại chính mảnh đất quê hương nơi tôi sinh ra và lớn lên, lại tồn tại những phòng khám tư nhân vẫn luôn ngày ngày ném đi những thai nhi tội nghiệp như thế. Có chút gì đó vừa ám ảnh vừa trăn trở trước việc nhiều người nhẫn tâm chối bỏ những bé con chưa thành hình thay vì cố gắng cho các em một cơ hội được sống. Chính vì điều đó, tôi đã quyết định làm một điều quái gở mà chưa một ai từng nghĩ đến: Nhặt và chôn xác thai nhi bị vứt ra từ các phòng khám! Cũng từ đây, nhiều người cho tôi là kẻ ngớ ngẩn, kẻ tâm thần chỉ biết "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng"!
Đầu năm 2016 tôi bắt đầu đi dọc khắp các phòng khám ở Nam Định rồi lên tận Hà Nội để tìm kiếm những thai nhi xấu số. Có kẻ từng hỏi một số câu đại loại như: "Mày có bị làm sao không? Hay là tâm thần?", "Mày được người ta trả lương bao nhiêu?",... Tôi im lặng không đáp. Tôi không cho đây là công việc để chờ người khác phải trả lương cho mình bởi chả ai lại dại dột đi trả tiền cho kẻ chuyên đi đào bới lại "rác thải" cả!
Tại một phòng khám thai trên đường Đê La Thành (quận Ba Đình, Hà Nội), trong tháng 8 và 9/2017, những túi rác "bí ẩn" hàng ngày vẫn được nhân viên vứt ra xe rác gần đó. Tôi chờ người này lui vào để tiến lại gần, mở tấm nilon ra, vẫn là những thi thể vô tội, không lành lặn chờ được thu dọn như... rác thải sinh hoạt.
Sau khi nhặt những thai nhi này, tôi mang về phòng trọ tắm rửa và có thể phải khâu lại các bộ phận bị tách rời. Ngoài những bé sinh non cơ thể may mắn còn nguyên thì hầu hết là những hài nhi vô cùng đáng thương khi các bộ phận bị chặt rời. Có nhiều phòng khám còn đổ thẳng xác vào xô rác, không hề bọc vải hay chí ít là dùng túi nilon, nhìn xót xa lắm!
Hồi đầu vì chưa đủ điều kiện kinh tế, hàng ngày tôi vẫn mua đá về bảo quản các bé trong thùng xốp, một thời gian thu gom được nhiều thì mang đi chôn cất một lần. Về sau được nhóm tình nguyện tài trợ chiếc tủ lạnh, công tác bảo quản xác thai nhi thuận lợi hơn. Cứ chờ đủ số lượng tôi lại thuê xe khách đưa các em về nghĩa trang bên Sóc Sơn tiến hành chôn cất.
Mỗi bé nằm xuống lại một dòng trong cuốn sổ nhỏ bị lấp đầy, tôi vẫn thường ghi chi tiết trong ngày nhặt được bao nhiêu thai nhi. Trung bình mỗi tháng là 300 em, có tháng nhiều gấp đôi. Tính đến bây giờ không thể nhớ chính xác bao nhiêu bé con đã bị các phòng khám vứt bỏ một cách tàn nhẫn như thế, có lẽ là khoảng 2000 em. Đó là hàng nghìn những túi rác - hàng nghìn những thi thể - hàng nghìn những số phận. Con số biết nói đáng báo động và suy ngẫm!
Khoảng 1 tháng trở lại đây do căn phòng trọ mới chuyển tới không đủ lớn để đặt tủ lạnh, tôi không còn cách nào khác phải chôn cất các thai nhi ngay sau khi nhặt được. 10h đêm từ phòng khám tới nghĩa trang rồi từ nghĩa trang về nhà nên khi về tới nơi cũng đã gần 5h sáng. Tôi nghĩ mình may mắn hơn, dẫu sao cũng đã có 19 năm sống trên đời nên giờ bớt chút thời gian lo cho các em có nơi yên nghỉ cẩn thận cũng chả sao.
Có những ngày hè thời tiết nóng nực, vì sợ hàng xóm phàn nàn nên tôi buộc phải chờ đến lúc trời tối mới dám đưa các thai nhi lên sân thượng gói ghém. Mùi xác bốc lên nồng nặc cực khó thở, những lần ngất lịm đi là chuyện thường tình. Chỉ đến sáng tỉnh dậy tôi mới biết trước đó mình đã rơi vào trạng thái mê man như nào. Ban đầu việc tiếp xúc với xác thai nhi khiến tôi dễ lả đi, nhưng sau quen dần, mọi thứ cứ như một quy luật: ngất, tỉnh, làm việc rồi lại ngất!
Có những hôm vừa cầm túi nilon từ xe rác ra, tôi phát hiện tay mình có máu chảy từng giọt. Không phải thứ chất dịch màu đỏ chảy ra từ xác thai nhi, đó là máu của tôi, bởi kim tiêm bị vứt chung đã cắm phập vào ngón tay. Tôi không rõ, gần 1 năm qua những mầm bệnh nào đang âm ỉ trong cơ thể mình...
Ở Hà Nội hay Nam Định, không phải phòng khám nào cũng đồng ý cho người lạ tới bới nhặt xác thai nhi. Có nơi không những không cho phép mà nhân viên ở đấy còn "vui lòng" nói thêm một số câu nặng lời. Nhưng không phải vì những lời nói vô thưởng vô phạt mà tôi bỏ cuộc, tôi vẫn đi nhặt, và đến bây giờ con số 2000 vẫn đang tăng dần lên theo ngày. Cuốn sổ nhật ký cũng vơi bớt trang đồng nghĩa với việc càng nhiều hoàn cảnh thai nhi xấu số được phát hiện.
Về phần bố mẹ tôi, họ không hoàn toàn đồng ý dù biết đây là công việc thiện nguyện. Ở tuổi 19 khi mới chập chững bước ra Đại học, việc học lúc này đáng lẽ phải là mối bận tâm hàng đầu nhưng tôi lại tự đi theo con đường khác. Tôi chưa từng tính chuyện lâu dài, rằng 1, 2 tháng nữa sẽ phải làm gì, được kết quả như nào, cứ để mọi chuyện như nó vẫn thế, cố được bao nhiêu tôi vẫn sẽ cứu các bé.
Trên hành trình nhiều tháng trời qua, có những lần tôi mừng thầm khi nhặt được một số bé vẫn còn cơ hội sống sót. "Còn nước còn tát", tôi cùng mấy người bạn gấp rút đưa các em vào bệnh viện cấp cứu. Có bé sống được 1 ngày, có bé nhiều nhất cũng được 1 tuần... Dù chẳng thể cho các em những điều tuyệt vời hơn, tôi vẫn vui vì cuối cùng cũng có những bé mạnh mẽ thưởng thức hương vị "sống" là như nào trước khi rời đi.
Hình ảnh những sinh linh bé nhỏ vẫn luôn ám ảnh tôi. Dù đã gần 1 năm theo chân những hài nhi đáng thương, tôi vẫn chưa nguôi sững sờ và bủn rủn mỗi khi tiến gần tới các xe rác. Dẫu sao nếu không có cơ hội được sinh ra thì ít nhất cũng nên cho các em một chỗ yên nghỉ an toàn.
Ngoài 2000 thai nhi được tìm kiếm và đưa về chôn cất, liệu ngoài kia với rất nhiều phòng khám tư nhân, còn bao nhiêu em bé tội nghiệp bị xem như "rác thải" sinh hoạt như thế?
Tôi dám cá, vẫn còn rất nhiều!"
Hằng Thanh
(Tổng hợp)