Khi hầu hết phụ nữ đang cùng chồng con dọn nhà, xúng xính trong những bộ quần áo mới để đón Tết, thì các bà, các cô - những bà mẹ đơn thân ở “dốc không chồng” vẫn lầm lũi, ngược xuôi bươn chải mưu sinh. Tết dường như vẫn đang quanh quẩn đâu đó, chưa về tới xóm lao động nghèo của những nữ công nhân đơn độc này.
Những ngày cận Tết, gác lại bao bộn bề công việc, người người, nhà nhà đưa nhau xuống phố sắm sửa. Trái ngược cảnh tượng huyên náo ấy, không khí Tết tại “dốc không chồng” (đồi C5 của công ty 705, xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vẫn ảm đạm, vắng vẻ.
"Dốc không chồng"- cái tên đầy cay đắng mà người dân địa phương vẫn dùng để gọi một xóm nhỏ gồm 6 nóc nhà lụp xụp nằm cheo leo trên sườn đồi C5 bên cạnh một con dốc cao và sâu thuộc huyện Ia Grai. Mỗi hộ một hoàn cảnh, một cuộc đời với những éo le, trắc trở khác nhau. Thế nhưng, suốt hơn 30 năm qua, 6 người phụ nữ, chủ của 6 ngôi nhà này đã nương tựa vào nhau để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. Các chị, các bà tựa như 6 nóc nhà ọp ẹp dựa vào nhau để chống đỡ lại luồng gió thổi thông thốc từ bên kia sườn đồi.
Bao năm qua, những ngày cận Tết, khi những hộ dân làng bên đang tíu tít gói bánh chưng, bàn chuyện mổ lợn, đua nhau đi sắm mai, mua đào,... thì tại “dốc không chồng” không khí vẫn vắng lặng, như ngày thường. Qua giờ Ngọ, đa số các chị em vẫn bận làm thuê, làm mướn ngoài rẫy chưa về. Theo chia sẻ của Chủ tịch hội Phụ nữ xã Ia Krái, phải sâm sẩm tối thì mọi người mới đi làm về hết.
Dù cuộc sống vất vả nhưng các chị, các mẹ xóm không chồng vẫn luôn nở nụ cười. Ảnh: CAND |
Đang chơi đầu ngõ, thấy có người đến, bé gái ngượng ngùng chạy về gọi: "Mẹ ơi có khách". Nghe tiếng con gái nhỏ, bà Nguyễn Thị Thảnh bỏ dở công việc ra đón khách với nụ cười gượng gạo. Dẫn khách vào nhà, bà Thảnh khoe về căn nhà tình thương vừa được hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hỗ trợ.
Rót ly nước mời khách, bà Thảnh bắt đầu kể về những ngày xưa. Năm 1986, giống như hàng trăm thanh niên khác từ vùng đất Hải Dương xa xôi bà xung phong đi làm công nhân quốc phòng cho sư đoàn 359 (bây giờ là công ty 705, Gia Lai). Tuổi xuân của họ bỏ lại ở nông trường khi đi khai hoang vỡ đất trồng cà phê, cao su, nhọc nhằn hằn lên khuôn mặt từng người. Bà Thảnh kể: “Ngày mới vào đây, ai cũng háo hức. Nhưng rồi, sống giữa rừng thiêng, nước độc, muỗi vắt dày đặc chúng tôi mới thấm thía... Có đợt, tôi bị sốt rét rừng nên vàng da, rụng tóc. Nhờ có các chị em động viên, tôi đã vượt qua tất cả. Nhờ đoàn kết, đồng lòng chúng tôi đã có thành tích cho riêng mình”.
Bà Thảnh kể tiếp, năm 1993, do làm ăn thua lỗ nên nông trường bị buộc phải giải thể, các chị em dần dần phải nghỉ việc. Do quá lứa lỡ thì nên nhiều công nhân không dám về quê, họ buộc phải tính kế sinh nhai. “Lúc đó, chúng tôi ai cũng nhớ cha mẹ, người thân nhưng mỗi người một lý do nên không về. Mấy chị em ôm nhau khóc hoài, lúc đó, tôi cảm thấy cuộc đời bế tắc vô cùng”, bà Thảnh buồn rầu nhớ lại.
Không “mảnh đất cắm dùi”, họ đành ngậm ngùi rủ nhau lên khoảnh đất trống trên đồi C5 dựng chòi tạm mấy chục mét vuông để che mưa che nắng, đi làm thuê kiếm cơm qua ngày. Thế rồi trong đám “xuân xanh ấy” có nhiều người đã tìm được hạnh phúc, chỉ còn lại 6 người vì đã quá tuổi xuân chẳng thể có được người thương. Đó là bà Thảnh, bà Dựng, bà Bóng, bà Ngoan, bà Hương, bà Hồng. Ao ước trở thành mẹ quá lớn lao, khiến họ bỏ qua mọi lời đàm tiếu để có được mụn con. Mọi tổn thương rồi cũng chai sạn đi, những nữ công nhân khuyên nhủ nhau mạnh mẽ kiên cường sống cho chính mình và con cái. Không hiểu vô tình hay hữu ý, những người phụ nữ ấy tập trung tại một chỗ như bây giờ. Họ lặng lẽ tần tảo lao động, nuôi con khôn lớn, nên người.
Thấy khách đến chơi, bà Trần Thị Bóng nhà ở giữa xóm kể lại: “Thời đó, khổ lắm các cô chú ạ. Những người như tôi nuôi con mà không có hôn thú là cả một nỗi cơ cực. Hồi ấy tiêu chuẩn của công nhân mỗi tháng được mấy lạng thịt, nhường cả cho con ăn, mình chỉ ăn rau với nước mắm, cơm thì độn ngô “răng ngựa”, sắn lát. Nhưng khổ nhất là chuyện phải viết kiểm điểm, khai báo quan hệ với ai mà có con. Hồi đó tôi cắn răng mà chịu chứ không khai ra ông ấy, vì bố của các con tôi cũng có vợ con rồi. Ông ấy chỉ làm phúc chứ chúng tôi không phải quan hệ dan díu bồ bịch gì...”.
Lãnh đạo xã đến thăm bà con xóm không chồng những ngày gần Tết. |
Kể về những tháng năm vất vả, bà Dựng không khỏi ngậm ngùi: "Tết năm đầu tiên ở đây, khi đó, mái dột tôi đánh liều trèo lên định dui lại cho đỡ nước mưa thì bị ngã xuống đất, đau điếng. Khi đó, tôi chỉ biết ngồi ôm mặt khóc, nhưng rồi... thời gian qua đi, tôi dần chai sạn. Mỗi lần bóng đèn hỏng, tôi tự thay, nhà dột, tôi tự mình sửa lại, làm nhiều thành quen”. Vừa lớn tuổi vừa phải một mình tảo tần nuôi con, rất nhiều năm 6 người phụ nữ nơi “dốc không chồng” chưa từng biết đến ngày Tết. Bà Dựng kể thêm: "Nhớ lại hồi chửa con Hạnh đến tháng thứ 7, người yếu không thể đi làm thuê được nữa, mấy tháng liền tôi với thằng Tân (con lớn của bà Dựng - PV) mỗi ngày chỉ có mấy củ khoai lang ăn cầm hơi. Cực khổ, tủi nhục, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng cứ nghĩ đến thằng Tân và đứa con trong bụng, tôi lại cố sống. Gian khổ như vậy, chúng tôi nào biết mừng Tết đến là gì...".
Cuộc sống bây giờ của bà Dựng đỡ vất vả hơn trước vì người con trai lớn tên Tân đã cưới vợ. Hiện, bà ở nhà trông cháu để vợ chồng con trai đi làm, kiếm tiền lo cho cả gia đình. Nay, hầu hết những phụ nữ trong xóm như bà Dựng, bà Bóng đều đã xấp xỉ sáu mươi. Khổ tận cam lai, đã đến lúc các bà có thể cậy nhờ con cái. Như một thứ tình cảm tự nhiên, họ hay tụ tập “buôn” với nhau đủ thứ chuyện trên đời, nhưng cuối cùng thì vẫn là chuyện con, chuyện cháu.
Giờ đây, dù cuộc sống còn nghèo khó nhưng họ đã có niềm vui từ con cái. Quanh năm vất vả tất bật, Tết đến, mọi người mới có dịp quây quần bên nhau, dành tình thương chăm sóc con cái. Tối đến là khoảng thời gian đầm ấm nhất của các bà mẹ lẫn lũ trẻ ở đây. Họ góp bánh trái, mứt tết, ai có gì góp đấy, tập trung ở những nhà có tivi cùng ăn, cùng xem, rồi tranh thủ tâm sự hoặc "buôn" những chuyện họ "nhặt" được trong khi đi làm thuê, làm mướn.
Tia nắng ban mai đầu tiên của những ngày Tết đã lung linh nhảy nhót trên mái nhà, làm rạng lên một chút màu xám xịt của mái ngói xi măng "xóm không chồng". Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong ánh mắt của những người phụ nữ nơi đây cũng ánh lên niềm tin vào tương lai tươi sáng về những đứa con thân yêu của họ.
Tết ấm áp tình thương Ông Lý Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Krái, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: "Sáu hộ gia đình ở “dốc không chồng” đều là hộ nghèo. Mỗi dịp Tết đến xuân về, để động viên các mẹ, các chị cũng như các cháu, lãnh đạo xã đến động viên thăm hỏi phần quà đơn giản là cái bắt tay, lời chúc rồi ngồi quây quần uống trà, ăn cái kẹo nhưng thấm đượm tình nghĩa". |