Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện về vũng hút xác người trên sông Lam

(DS&PL) -

“Khúc sông này như một cái vũng hút khổng lồ vậy. Nó hút tất cả những gì trôi qua đây, đặc biệt là xác người chết trôi, tự tử...”, đó là lời của lão ngư Nguyễn Tiến Phương.

Khúc sông này như một cái vũng hút khổng lồ vậy. Nó hút tất cả những gì trôi qua đây, đặc biệt là xác người chết trôi, tự tử...”, đó là lời chia sẻ của lão ngư Nguyễn Tiến Phương trong một chiều chúng tôi lang thang bến đò Hưng Trung, TP Vinh (Nghệ An), nơi sông Lam hiền hòa đổ về biển.

Vũng hút xác sinh nghề… vớt xác

Vốn là dân vạn chài, ông Phương gắn trọn cuộc đời với sông nước xứ Nghệ. Đứng bên này sông Lam (địa phận xã Hưng Trung, Nghệ An), ông chỉ tay sang bên kia bờ (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) nói: “Vũng hút đấy, nhiều xác người dạt vào đó lắm. Nhẩm tính ra phải lên đến hàng trăm xác người được vớt lên từ đó chứ không phải ít. Cứ lâu lâu lại thấy người ta nháo nhào chạy xuống bến sông hớt hơ hớt hải tìm xác người. Rất nhiều số phận, nào là thất tình, rồi sa cơ lỡ bước trong làm ăn, thậm chí uất hận vì oan ức… đều kết liễu cuộc đời mình dưới lòng sông”.

Ông Phương nói: “Hàng trăm xác người đã được vớt lên từ đây”

Ông Phương kể cho chúng tôi nghe số phận bi thảm của một đôi trai gái chết cách đây chưa lâu, xác được vớt lên từ vũng hút xác đó. Họ yêu nhau nhưng bị gia đình cấm đoán bởi người con trai quê ở huyện Nghi Lộc (Nghệ An) làm nghề xe ôm, còn cô gái quê ở Ninh Bình, làm trong một cơ quan nhà nước tại TP Vinh. Trong quá trình ngăn cản, gia đình đã nặng lời răn đe đối với cả hai người. Thế rồi một buổi tối, họ đã rủ nhau lên cầu Bến Thủy, dựa lưng vào nhau và buộc chặt người lại bằng dây thừng rồi lao xuống dòng nước như để “trả lời” với gia đình rằng không ai chia lìa được họ.

Chúng tôi qua cầu Bến Thủy, tìm đến cái vũng hút xác đáng sợ như lời kể của ông Phương. Phía cuối cây cầu có một lối nhỏ, được rải bê tông nhưng vắng vẻ, cộng với việc nghe kể, đây là nơi chôn nhiều người chết trôi sông nên giữa buổi chiều nắng nóng mà qua đây vẫn thấy gai gai, lành lạnh.

Cũng có lẽ vì xác người chết trôi về đây quá nhiều nên quãng sông được gọi là vũng hút xác này xuất hiện một thứ dịch vụ rất lạ đời là: Dịch vụ mò… xác người! Ông Phương bảo: “Xác chết đuối ở thượng nguồn cũng thường trôi về đây, từ đó mà sinh ra dịch vụ vớt xác. Vì “cạnh tranh” nhau trong “hành nghề” nên vài năm trở lại đây hết hội này nói xấu hội kia, dọa dẫm, thậm chí đánh nhau”.

Đáng nói hơn là có nhiều người đến “hành nghề” nơi đây không phải người dân bản địa. Nói về giá dịch vụ, một người đàn ông tự xưng tên Liên ở đây cho biết: “Tùy trường hợp, tùy chết mới hay lâu, tùy tình huống mà lấy tiền, nhưng thường là 10 triệu đồng/xác”.

Người phụ nữ 30 năm làm phúc

Bên cạnh cái “thị trường” nho nhỏ của những người vớt xác lấy tiền cũng có những con người vớt xác chỉ là để làm phúc, không màng đến chuyện tiền nong. Đó là xóm nhà ngói tường sò nối nhau chênh vênh ở mom sông lộ ra sau những rặng cây tốt um, thuộc địa phận thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Cái mom sông nhìn ra vũng hút xác ấy chỉ có khoảng chục ngôi nhà, lọt thỏm giữa hai mố cầu, một bên là Bến Thủy, một bên là cầu mới đang thi công. Nhà nào cũng nghề chài lưới, thúng mủng giăng khắp sân.

Chị Nguyệt đã có hơn 30 năm vớt xác người. Ảnh: H.P

Chúng tôi đem câu chuyện đôi trai gái dùng cái chết để được ở mãi bên nhau mà ông Phương kể để hỏi một người đàn ông trạc ngoài 40 tuổi, nước da đen ngăm đang xếp lưới chuẩn bị cho chuyến đánh bắt mới. Rất kiệm lời, anh nói: “Nhà tui vớt đôi đó”. Nhà anh có tới 9 anh chị em đều sống bằng nghề chài lưới và vớt xác trôi sông. Với gia đình anh, đó là làm phúc. “Nhà tui vớt phải đến trăm thi thể”, nói đoạn anh chỉ tay về phía cuối xóm: “Chị Nguyệt, chị cả tui đó. Chị có khối chuyện về vớt xác”.

Nhà chị Nguyệt nằm phía trong cùng của xóm. Cửa không khóa. Chúng tôi đẩy cửa, một người đàn ông tật nguyền cất tiếng chào khách lạ. Đó là người em út của chị Nguyệt. Hôm đó, chị Nguyệt phải đi viện. Căn bệnh thoái hóa sống lưng đã hành hạ chị bao nhiêu năm, nay đau quá không chịu nổi buộc chị phải đi khám.

Hôm sau quay trở lại, chúng tôi mới được gặp chị Nguyệt, người hàng chục năm vớt xác giúp người. Chị bảo: “Hơn 30 năm tui làm cái việc mò xác, vớt không dưới 500 xác người”. Chị Nguyệt kể, để tìm được xác đôi tình nhân nọ, chị phải mất đến 2 ngày trời lặn xuống sông.

“Tui mò thấy họ vào giữa lúc đêm tối, chẳng có ai giúp. Do ngâm lâu dưới nước, chiếc dây thừng trói hai người đã cứa sâu vào thịt. Tui lại phải dùng dao cắt dây, rồi ôm từng người một lên bờ. Chẳng có ai, mình tự tắm rửa, thay quần áo mới cho họ”, chị Nguyệt nói.

Không biết có phải thường tiếp xúc với xác chết rồi nhiễm lạnh vào người hay không mà mới qua ngưỡng 50 tuổi, chị Nguyệt đã bị bệnh thoái hoá sống cổ hành hạ khiến cho việc đi lại rất khó khăn. Có nhiều ngày chị nằm bệt ở nhà. Chị bảo trong người bây giờ không chỉ có thoái hoá mà còn đủ thứ bệnh, nào là nhức đầu, huyết áp cao, đau nhức toàn cơ thể.

“Bị nhiều bệnh như thế này chắc là do mình tiếp xúc nhiều với những xác chết lâu ngày. Độc hại lắm. Có mệnh hệ nào, chỉ thương thằng em út, tật nguyền cuộc sống sẽ khó khăn”, chị Nguyệt nói giọng buồn buồn.

Dòng sông Lam vẫn đêm ngày cuộn chảy. Những cái chết nổi trôi đầy thương tâm vẫn thường xuyên diễn ra trên con sông này và rất nhiều xác người lại trôi về cái nơi được gọi là “vũng hút xác” này. Những người dân chài như chị em chị Nguyệt dẫu yếu đau, bệnh tật vẫn ngày đêm tìm vớt những xác người, chôn cất họ một cách âm thầm, tử tế khi không có người nhà đến nhận. Nghĩa tử là nghĩa tận, với họ, đó cũng là một cách làm phúc, làm thiện!

Tui không chỉ vớt xác ở khúc sông này mà có những vụ người ta nhờ ngược dòng lên tận vùng Yên Thành, Anh Sơn mò giúp. Những lúc đó lại phải huy động các em tui phụ giúp. Các em chỉ giúp mò xác thôi, còn việc khâm lượm thì chỉ có tôi mới dám làm. Cũng có những cái xác vớt được trong lúc mình đi đánh cá, không biết người nhà ở đâu, đành phải thuê xích lô chở xác về rồi làm lễ chôn cất đàng hoàng. Họ chẳng có tên tuổi gì nên mộ phần để trống vô danh”, chị Nguyệt, người phụ nữ 30 năm vớt xác trên sông Lam cho hay.

Tin nổi bật