Chuyến đi bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tới Iraq trong vòng 3 giờ đồng hồ dường như đã vi phạm cả luật pháp Mỹ và Iraq.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đệ nhất phu nhân Melania đến thăm căn cứ Mỹ ở Iraq. Ảnh: Getty |
Theo The New York Times, động thái của ông Trump có thể đã làm dịu đi những lời chỉ trích tại Mỹ rằng ông vẫn chưa đến thăm quân đội đang được triển khai tại các khu vực xung đột ở nước ngoài. Tuy nhiên, chuyến thăm của ông chủ Nhà Trắng lại khiến các chính trị gia Iraq tức giận, yêu cầu Mỹ rút quân khỏi đất nước của họ.
"Kiêu ngạo" và "vi phạm chủ quyền quốc gia" là một trong những lời chỉ trích nghiêm trọng của các quan chức Baghdad sau khi ông Trump đến thăm căn cứ không quân al-Asad.
Trên thực tế, những chuyến đi của các Tổng thống Mỹ đến khu vực xung đột thường được giữ bí mật và duy trì biện pháp an ninh nghiêm ngặt nên trường hợp của ông Trump cũng không ngoại lệ. Rất ít người Iraq hoặc những nơi khác biết Tổng thống Mỹ đến Iraq, cho đến vài phút trước khi ông rời đi. Mặc dù vậy, chuyến đi đã trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng ở Baghdad, và việc ông Trump không gặp Thủ tướng Iraq là không phù hợp với nghi thức ngoại giao của bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào.
Trong chuyến thăm chỉ kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ, ông Trump nói với lực lượng quân đội Mỹ rằng khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị tiêu diệt, và ông sẽ kiên quyết bảo vệ quyết định rút quân khỏi Syria.
Sự đột ngột của chuyến thăm đã khiến các nhà lập pháp ở Baghdad nổi giận. "Ông Trump cần phải biết giới hạn của mình. Sự chiếm đóng của Mỹ ở Iraq đã kết thúc", Sabah al-Saidi, quan chức cấp cao của quốc hội Iraq nói. Theo ông al-Saidi, ông Trump đã coi Iraq "như thể là một tiểu bang của Mỹ”.
Chuyến thăm của Tổng thống Trump không chỉ khiến một số nghị sĩ Iraq không hài lòng mà đồng thời cũng vấp phải sự phản đối của nghị sĩ Mỹ . Trong một đoạn video được công bố, ông Trump được cho là đã kí chữ "Make America Great Again" (tạm dịch: "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại" lên chiếc mũ lưỡi trai có hàng chữ "Trump 2020". Theo CNN, hành động này có thể đã vi phạm quy định về hoạt động chính trị của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Luật quy định: "binh sĩ đang tham gia nghĩa vụ không được tham gia vào các hoạt động chính trị đảng phái và tất cả binh sĩ cần tránh gây hàm ý hoặc thể hiện ngầm rằng Bộ Quốc phòng đang ủng hộ, tài trợ, chấp nhận hoặc chứng nhận một ứng viên hoặc một chiến dịch chính trị".
Cho đến nay, các sĩ quan chức Mỹ trong liên quân Iraq chưa đưa ra bình luận về vụ việc này.
PHƯƠNG PHƯƠNG (Theo NYTimes, CNN)