Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề, chuyện đời CỦA PHÓNG VIÊN NỘI CHÍNH THẬP NIÊN 2000: Tôi gặp "ông trùm" A Lý (Phần 4)

(DS&PL) -

Trước cuộc gặp liều lĩnh, tôi cũng chỉ biết loáng thoáng về A Lý, đại loại là người đàn ông này đang nắm giữ phần hùn lớn nhất tại vũ trường Metropolis.

Trước cuộc gặp liều lĩnh “một mình đối mặt với mafia” này, tôi cũng chỉ biết loáng thoáng về A Lý, đại loại là người đàn ông này đang nắm giữ phần hùn lớn nhất tại vũ trường Metropolis (người nắm phần hùn lớn thứ 2 là Hồ Việt Sử, cánh tay mặt của “bố già” Năm Cam). Bằng trực giác nghề nghiệp, tôi linh cảm A Lý có liên quan đến vụ thanh toán khốc liệt và nổ súng, gây tử thương một đàn em của Hồ Việt Sử đêm hôm trước tại vũ trường Metropolis, nhưng không dám chắc. Những thông tin từ nguồn cơ quan điều tra (cụ thể là Nguyễn Mạnh Trung, Phó phòng CS hình sự CA TP.HCM lúc bấy giờ-người sau này cũng bị phiên tòa xét xử vụ án Năm Cam kết tội) cũng hầu như không có gì. Đó chính là lý do tôi chấp nhận “đơn thương độc mã” gặp “ông trùm” tại điểm hẹn siêu thị Miền Đông. Tự nhủ thầm, nếu sau cuộc gặp, điều tra ra những bằng chứng sự liên quan của A Lý đến “vụ án trong đêm”, tôi sẽ báo cáo và cung cấp cho cơ quan điều tra để xử lý kịp thời.

Diện đối diện

A Lý và Diệp Hiểu Vân Trước Diệp Hiểu Vân , A Lý đã có một đời vợ người Việt quê ở Nghệ An và có một con gái. Sau khi ly hôn, A Lý quay về Đài Loan một thời gian ngắn. Khi trở lại TP.HCM, A Lý bắt đầu một mối quan hệ mới với Diệp Hiểu Vân, một phụ nữ ở Chợ Lớn.Ban đầu là người phiên dịch, rất nhanh sau đó, Diệp Hiểu Vân đã trở thành vợ và trợ tá đắc lực nhất của A Lý, thậm chí còn đứng tên trên giấy tờ về phần hùn “ của A Lý tại vũ trường Metropolis.

Thời gian không còn nhiều nữa, tôi và A Lý, Diệp Hiểu Vân (lúc này không còn đơn thuần là người phiên dịch mà đã trở thành vợ và người đứng tên phần hùn của A Lý tại vũ trường Metropolis) trao đổi công việc liên tục. Tôi hỏi, A Lý trả lời, Diệp Hiểu Vân phiên dịch, tôi ghi chép... Cứ thế, câu chuyện dần hình thành. Lúc này tôi mới tiếc hùi hụi chiếc máy ghi âm bí mật thứ 2 mà tôi phải “giao nộp” đầu buổi gặp do bị Diệp Hiểu Vân phát hiện ra.

Theo đó, A Lý thực chất không phải là “ông chủ” thực sự của các phi vụ đầu tư vào các loại hình ăn chơi giải trí ở Sài Gòn, chủ đầu tư của số tiền lên đến hơn 20 triệu đô la này cũng không phải là 1 người, mà là của cả 1 băng nhóm Mafia ở tận bên Đài Loan: Bang Trúc Liên. A Lý trên thực tế chỉ là người đứng đại diện, quản lý số tiền đó và làm cho nó phát sinh lợi nhuận tại Việt Nam, biến nó thành tiền “sạch”, rồi gửi trả về lại cho các ông trùm băng nhóm bên đó (hành vi rửa tiền). Để đầu tư vào các hoạt động trong “thế giới ngầm” ở Việt Nam, A Lý không thể không thiết lập mối quan hệ với các băng nhóm ở đây, và “ông trùm” ở Việt Nam được Bang Trúc Liên chọn đầu tiên chính là Năm Cam (đương nhiên). Từ Năm Cam, Bang Trúc Liên có thể phát triển mối quan hệ hữu hảo với các băng nhóm khác trên khắp cả nước, thiết lập mối quan hệ với chính quyền địa phương các cấp. Quán bar Tân Hải Hà- nơi tôi gặp A Lý lần đầu hồi năm trước- được Bang Trúc Liên thuê đứt như một món quà dành cho “ông trùm của các ông trùm thế giới ngầm” Năm Cam. Và, hoạt động đầu tư, rửa tiền của Bang Trúc Liên không chỉ gón gọn trong quán bar “nhỏ xíu” này, mà rải đều ra các tụ điểm ăn chơi khác tại TP.HCM. Trong đó, có vũ trường Metropolis, và người đứng ra đại diện bên phía Việt Nam hùn hạp là Hồ Việt Sử, nghe đồn là có bà con, họ hàng gì đó với Trung tướng Bùi Quốc Huy, Giám đốc Công an TP.HCM lúc bấy giờ (sau này ông Huy bị phán quyết tù giam trong phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn).

Sự việc càng lúc càng được mở rộng và đi quá xa... Đến mức, có những đoạn kể tôi không dám ghi chép trong sổ tay của mình, chỉ ghi nhớ trong đầu. Càng nghe, tôi càng... kinh, không phải là vụ đụng độ của mấy gã giang hồ lẻ tẻ, mà đây là cuộc “chơi lớn” giữa các băng nhóm Mafia xuyên biên giới: Việt Nam và Đài Loan.

Bằng thế lực sẵn có của mình, sau thời gian đầu hợp tác, Năm Cam cùng các cộng sự muốn “hất cẳng” Bang Trúc Liên ra khỏi cuộc chơi ở Việt Nam, cướp sạch số tiền hơn 20 triệu đô la A Lý đã đầu tư vào đây. Địa điểm được chọn để khởi đầu cuộc chiến là Sài Gòn, nơi băng nhóm của Năm Cam mạnh nhất, từ lực lượng đến mối quan hệ dày đặc...

Thoạt tiên, một mâu thuẫn nhỏ giữa Hồ Việt Sử và A Lý tại vũ trường Métropolis được tạo ra như một cái cớ. Qua thời gian, Hồ Việt Sử càng lúc càng cố ý ngông cuồng, coi A Lý chẳng ra “cái đinh ” gì trong khi A Lý đang là cổ đông lớn của vũ trường Metropolis, khiến cho lòng tự ái của gã giang hồ xứ Đài bị tổn thương nghiêm trọng, buộc phải trả đũa...

Trận chiến kinh hồn ở vũ trường Metropolis hóa ra đã được sắp đặt trước, lên lịch để “nói một lần cho xong”. Bên phía Việt Nam, đại diện là Hồ Việt Sử, đã “điều” một lượng “quân” lớn đến “ém” ở vũ trường, chờ băng của A Lý, đồng thời “mời” luôn cả những mối quan hệ, quen biết đến chơi để chứng kiến vụ thanh toán này. Không vừa, A Lý cũng điều động một đội “tinh nhuệ” từ Campuchia sang giáp chiến...

Lực lượng của giang hồ Sài Gòn đông hơn, nhưng phải nói thẳng là không chuyên nghiệp bằng những tên sát thủ hoạt động xuyên quốc gia. Giang hồ Sài Gòn lúc bấy giờ chỉ quen “chơi nhau” bằng dao, kiếm, mã tấu... còn bọn sát thủ quốc tế thì đã bỏ mấy món “đồ chơi” này lâu rồi, vì cồng kềnh, kém hiệu quả sát thương, dễ bị phát hiện. Súng, “hàng nóng”, là “đồ chơi” ưa thích của giang hồ thời hiện đại ở các quốc gia tân tiến. Và, cái kết của cuộc đụng độ không cân sức về trang bị vũ khí này không cần xem kỹ cũng có thể biết là nó nghiêng về phía nào.

Sự gan dạ chưa bao giờ là đối thủ ngang tầm của súng đạn... Trận chiến vừa diễn ra chưa được bao lâu thì băng nhóm Hồ Việt Sử đã thất thủ, tay “đao” cộm cán nhất trong nhóm “ứng chiến” phía Việt Nam tử thương tại hiện trường bởi một phát súng xuyên tâm. Băng A Lý toàn thắng, rút lui ngay trong đêm.

Bài toán nan đề

A Lý và “bố già” Năm Cam Với vốn tiếng Việt khá sõi, từ khi vào Việt Nam, A Lý luôn núp bóng dưới thế lực của “ông trùm của mọi ông trùm” Năm Cam. Trong mối quan hệ tay ba với Hồ Việt Sử - Năm Cam, A Lý nhiều lần muốn gây rối để chia rẽ hai ông trùm bản địa. Mặt khác, gã giang hồ Đài Loan ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng, lôi kéo khách ở vũ trường Metropolis - nơi có phần hùn của hắn về địa bàn riêng. Năm Cam sau đó đứng về phía Hồ Việt Sử, và vụ thanh toán đêm 11/8/2001 là hệ quả của cuộc tranh đấu ngấm ngầm giữa hai thế lực xã hội đen quốc tế và bản địa.

Hiểu ra mọi vấn đề qua lời tường thuật của tay giang hồ Đài Loan, tôi nhìn cái đầu của A Lý đang bóng loáng trong ánh nắng chiều, thầm nhủ: “Cái thằng này... đúng là “ngu như cu đất”! Trong một trận chiến nhỏ, y là người thắng trong vụ “giáp lá cà” với giang hồ Sài Gòn. Nhưng, không hề ngờ rằng đã lọt vào cái bẫy giăng sẵn của Năm Cam một cách... ngọt ngào, thua chắc trong cuộc chiến lớn, mang tính toàn cục là tranh chấp địa bàn. Cứ tưởng là đã đoạt mạng được một đàn em trong băng của Năm Cam là thắng lợi trong cuộc đối đầu, nhưng không ngờ lại có nguy cơ mất trắng toàn bộ số tiền Bang Trúc Liên đã đầu tư vào Việt Nam”. Đây là một cái bẫy”, không hơn không kém.

Liều lĩnh, hung tàn, bất chấp, A Lý đã đâm đầu “không suy nghĩ” vào một vụ trọng án (có người chết). Sau khi vụ việc xảy ra, A Lý không thể tránh việc rơi vô thế “xiềng”: Buộc phải bỏ trốn, rời khỏi Việt Nam để bảo toàn tính mạng, còn nếu tiếc tiền ở lại, y chắc chắn là sẽ không còn cơ hội “nhìn thấy ánh mặt trời”... Năm Cam quả là cao kế, thâm hiểm!

Vẻ mặt rất hoang mang, A Lý thở dài, đôi bàn tay của y trông khá bấn loạn... Tôi chợt thấy thương hại A Lý. Làm giang hồ cũng không dễ, ông bà ta thường nói “giang hồ hiểm ác”, cấm có sai! Giang hồ “có số”, không phải cứ gan lì là đủ, cũng cần phải có “cái đầu”. Đáng tiếc, ở Việt Nam A Lý không có một “quân sư” xứng tầm, có thể đọ trí thông minh với “trùm” Năm Cam.

Khi nghe tôi hỏi: “Sao anh không ra đầu thú với cơ quan chức năng địa phương, tường thuật lại hết câu chuyện?”. A Lý ngẩng đầu nhìn tôi ngạc nhiên, đáp: “Công an Việt Nam? Anh không biết hả? Cũng vậy thôi!...”. A Lý lắc lắc cái đầu, tỏ vẻ chán chường.

Như đã nói, tôi biết, hỏi chỉ để xác minh, khẳng định lại một lần nữa những nghi ngờ trong lòng mình, để quyết định thái độ ứng xử trong quá trình tác nghiệp về sau.

Trời đã về chiều, trong lúc kể, xâu chuỗi các sự kiện, chúng tôi đã di chuyển qua 3, 4 địa chỉ khác nhau để bảo đảm an toàn.

Với khối tư liệu được cung cấp và cuộc gặp mặt có một không hai, tôi có thể viết được một hoặc nhiều bài gây chấn động dư luận lúc bấy giờ. Nhưng, làm sao để khối tư liệu này trở thành một tài liệu có độ tin cậy, được sử dụng trên mặt báo công khai thì mới là vấn đề khiến tôi phải “đau đầu”. Ai sẽ tin tôi, tin báo Thanh Niên đã có một cuộc gặp gỡ “định mệnh” với A Lý, nghi phạm hàng đầu trong vụ án giết người tại vũ trường Metropolis? Nếu tôi không có bằng chứng chứng minh rằng đã có cuộc gặp gỡ này, rất có thể cơ quan chức năng sẽ gây “phiền phức” cho tôi và báo Thanh Niên khi bài báo được đăng tải. Chưa hết, bạn đọc có thể cho rằng báo Thanh Niên đã “bịa” ra toàn bộ câu chuyện này để câu khách.

Uy tín tờ báo Thanh Niên được chúng tôi xây dựng từ những ngày đầu gian khó, phải đi bán từng tờ báo trong lúc toàn tòa soạn chỉ có mấy chục con người, không thể để nó mất đi vì bất cứ lý do gì... Nhưng, tôi làm thế nào để “chứng minh”, khi mọi phương tiện tác nghiệp của tôi đã bị “tước” sạch?

Với tôi, trong thời điểm ấy, đó chính là “vấn đề” lớn nhất, tôi phải “giải quyết” nó bằng mọi giá!

(còn tiếp)
Hữu Phú
Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật kỳ 1 số 5 (57)

Tin nổi bật