Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện nghề, chuyện đời của phóng viên nội chính thập niên 2000: Tôi gặp "ông trùm A Lý" (Phần 1)

(DS&PL) -

ĐS&PL khởi đăng loạt bài viết mang tính tự sự của nhà báo kỳ cựu Hữu Phú (hiện là PV Đời sống & Pháp luật), với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp

ĐS&PL khởi đăng loạt bài viết mang tính tự sự của nhà báo kỳ cựu Hữu Phú (hiện là PV Đời sống & Pháp luật), với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp và tinh thần dấn thân của một thế hệ những người làm báo pháp luật-nội chính, trưởng thành trong một giai đoạn sôi động của báo chí nước nhà.

L.T.S. Sau gần 20 năm, cây bút gạo cội mảng pháp luật-nội chính của một tờ báo lớn phía Nam đã "giải mật" cuộc gặp vô tiền khoáng hậu tại TP. Hồ Chí Minh hồi đầu năm 2001 giữa anh và ông trùm của băng xã hội đen Trúc Liên Bang khét tiếng Đài Loan đang trên đường trốn chạy sau cuộc thanh toán ân oán khốc liệt với giang hồ Sài thành lúc đó. Cuộc gặp này đã mang lại danh tiếng cho nhà báo Hữu Phú khi anh thực hiện được loạt bài "mặt đối mặt" độc nhất vô nhị với A Lý- "đặc sứ" của Trúc Liên Bang tại TP. Hồ Chí Minh ngay sau khi "ông trùm" này chỉ đạo đàn em nổ súng hạ sát một thành viên vũ trường Metropolis rồi tìm đường đào tẩu khỏi Việt Nam. Nhưng cũng chính cuộc gặp đó đã mang lại hệ lụy phiền phức cho Hữu Phú: Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, một nhà báo nội chính- pháp luật phải đối mặt với tình huống bị khởi tố về tội danh Không tố giác tội phạm khi tác nghiệp báo chí.

Phần 1: Tôi gặp "ông trùm A Lý"

Một buổi tối đầu năm 2001, sau giờ làm việc, một người bạn (lâu quá rồi, quên tên) gọi điện đến hỏi tôi: "Tối nay "đại ca" có rảnh không? Đi làm vài ve chơi!". Đang buồn nẫu ruột, bây giờ mà về nhà thì hơi... sớm, nên tôi đồng ý cái rụp. Chỉ trong chốc lát, người bạn ấy đã trờ xe tới trước cửa tòa soạn báo Thanh Niên như trồi lên từ dưới đất. Bình thường, tôi vẫn đi làm bằng xe máy (lúc đó tôi chưa có ô tô) cho nó tiện, cơ động, nay thấy đi nhậu bằng xe hơi, phải bỏ xe máy lại tòa soạn thì hơi "ngại", vì không biết mình về lúc nào, phiền anh em. Thấy tôi có vẻ chần chừ, người bạn ấy lôi vội tôi lên xe, nói: "Lâu lâu đi nhậu bằng xe hơi cho nó sướng, mắc gì cứ "cày" xe máy hoài cho nó khổ... " Nghe cũng đúng, vả lại ngồi xe hơi cũng... sướng hơn xe máy thật!

Đinh ninh với kiểu chuẩn bị đi nhậu hoành tráng bằng xe hơi như thế này thì chắc chắn sẽ ra ngoại thành xa xôi, nhậu với gió mát trăng thanh, và... kiều nữ nên tôi định gọi điện thoại về nhà, báo với vợ rằng mình sẽ về trễ, do công tác đột xuất. Nào ngờ, chiếc xe lướt vài vòng đã trực chỉ hướng ra... cầu Khánh Hội, sang Q.4, TP.HCM. Vừa qua khỏi cầu, trong nháy mắt xe đã trờ tới một địa chỉ mà tôi không muốn đến nhất: Nhà Năm Cam, bar Hải Hà (nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, Q.4, TP.HCM). Tôi quay nhìn người bạn ấy, hỏi: "Mầy đưa tao tới đây làm gì? Mầy biết tao với Năm Cam không hợp mà!" . Gã thanh niên cười hề hề: "Dạ, "đại ca", không sao đâu, chỗ này bây giờ đổi chủ rồi, anh Năm cho thuê rồi..." Vừa nói, hắn vừa chỉ tay lên bảng hiệu. Nhìn theo tay hắn, tôi thấy tên vũ trường ghi: Tân Hải Hà. "Cựu" Hải Hà hay "Tân" Hải Hà gì cũng là... Hải Hà, chắn chắn có liên quan đến băng nhóm và không thể thoát khỏi mối quan hệ với Năm Cam.

Thực ra, lúc bấy giờ, toàn bộ các vũ trường, nơi ăn chơi nổi tiếng ờ Sài Gòn đều do các băng nhóm xã hội đen đầu tư, quản lý, cổ phần, bảo kê... không thể tránh dính dấp được, nếu muốn đi chơi, phải chấp nhận điều đó. Nên nhớ, cuối thập niên 90 khi đó, Năm Cam (tên khai sinh: Trương Văn Cam) là "ông trùm của mọi ông trùm" trong thế giới ngầm trước khi sa lưới pháp luật và trở thành đối tượng chính trong chuyên án Z5.01 chấn động dư luận trong và ngoài nước. Vụ xét xử Năm Cam và đồng bọn là một trong những phiên tòa nổi tiếng Việt Nam và trên thế giới. Số lượng tội phạm ra hầu tòa là 156, ở mức kỷ lục. Phiên xử sơ thẩm kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2003 với bản án dài hàng trăm trang. Tháng 10 năm 2003, Năm Cam bị tuyên mức án chung là tử hình với 7 tội danh gồm "giết người, hối lộ, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, che giấu tội phạm, tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài", đến ngày 3 tháng 6 năm 2004 thì bị thi hành án tử hình.

Tuy nhiên, tôi đang là phóng viên tại Báo Thanh Niên (lúc đó đã có chút tên tuổi rồi), báo Thanh Niên đang chống xã hội đen triệt để theo chỉ đạo của Tổng biên tập N.C.K. Công khai xuất hiện tại một địa chỉ thuộc băng nhóm Năm Cam quản lý đã là điều không nên rồi, đằng này lại... đến luôn nhà Năm Cam, thế mới ghê! Thế nhưng, tôi không chủ động về phương tiện đi lại, nên cuối cùng cũng bị lôi vào bar, ấn vào ghế.

Trong tiếng nhạc xập xình, chát chúa, một người phụ nữ còn khá trẻ tiến tới chỗ chúng tôi ngồi, cười giả lả làm quen, xin phép ngồi cùng và kêu 1 chai rượu X.O. Trong những nơi như thế này, việc mấy người đàn ông ngồi cùng gái lạ là điều quá bình thường, nên tôi cũng không để ý lắm, chăm chú ngắm những... cô gái khác, trẻ đẹp hơn, đang lượn lờ xung quanh. Đột nhiên, người phụ nữ ngồi cùng hỏi tôi: "Anh là Hữu Phú, báo Thanh Niên?". Giật mình, tôi quay đầu lại, nhìn kỹ người phụ nữ ấy, trước khi trả lời câu hỏi. Cô gái không trẻ lắm ấy có dáng khá cao, tướng hơi đẫy đà, mắt một mí, trước đó vài năm thì có thể được xem là xinh xắn, nhưng bây giờ thì trông... "cũng được" thôi.

Chắc chắn người phụ nữ này không phải là "gái", bởi với ngoại hình này thì cô ta không thể cạnh tranh với các cô gái trẻ khác trong vũ trường. Tôi chưa kịp trả lời thì cô gái đã nói tiếp: "Ông chủ của em muốn gặp anh". Chết tôi rồi, đã đi chơi lén vợ con, lén báo Thanh Niên, tới nhà của Năm Cam mà còn gặp luôn... ông chủ, thì mình dù có 10 cái miệng cũng không thể chối rằng mình có quan hệ với xã hội đen. Vô thế, tôi chưa kịp phản ứng gì, thì đã thấy "ông chủ" lù lù bước tới. Nói "lù lù" cho nó oai chứ "ông chủ" thực ra chỉ là một người đàn ông bé loắt choắt, tóc 2 phân, mắt hí, mặc cái áo lụa hoa hòe, đi lũm chũm giữa 2 gã thanh niên "gạc - đờ - co" cao lớn, dáng bước 2 chân xỉa ra hai bên, chứng tỏ là dân giỏi Taekwondo.

Người đàn ông ấy bé người nhưng phong cách khá "đại ca", vừa gặp tôi, y đã đưa tay ra bắt, miệng hỏi: "Anh Phú hả, tôi là A Lý." -bằng tiếng Việt trọ trẹ. Cái bắt tay khá chặt, chứng tỏ người này tự tin, ánh mắt nhìn láo liên, bước chân đi nhanh... chứng tỏ người này tâm cơ rất giảo hoạt, nhanh nhẹn. A Lý nhìn tôi cười toe toét, nhưng ánh mắt thì lại rất cảnh giác. Tôi cũng cười, và... cảnh giác còn cao độ hơn. A Lý nói được tiếng Việt nhưng không rành, phải cần có người phiên dịch cho nó nhanh. Đó chính là Diệp Hiểu Vân, cô gái đến bàn chúng tôi trước, kêu A Lý là ông chủ.

Qua câu chuyện làm đầu, tôi được biết Diệp Hiểu Vân là con gái Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, làm phiên dịch cho ông chủ người Đài Loan tên A Lý, sang Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực nhà hàng, vũ trường... với số tiền lên đến hàng triệu đô la.

Là ông chủ lớn, nhưng trông A Lý lại không "lớn" chút nào. Tôi ngạc nhiên, quan sát kỹ hơn A Lý... kiểu gì thì kiểu, tôi chắn chắn A Lý không phải là dân làm ăn, doanh nghiệp lớn thuần túy. Có cái gì ẩn khuất" ở đây không?

Sau này tôi mới biết, A Lý là cùng với Hồ Việt Sử là 2 ông chủ lớn của Vũ trường Metropolis lừng danh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh thời bấy giờ.

Hồ Việt Sử lúc đó được coi là một thế lực đáng nể trong thế giới ngầm, có mối quan hệ phức tạp với "bố già" Năm Cam. Có thông tin cho rằng Sử là đệ tử thân tín, có thông tin lại tô vẽ Sử như một đối tác kiêm đối thủ tiềm năng có thể tranh giành "ngôi vương" với Năm Cam. Trong vụ án Năm Cam và đồng bọn, Sử cũng là một gương mặt đáng chú ý.

Trong khi đó, A Lý là "đặc sứ" tại TP. Hồ Chí Minh của băng xã hội đen khét tiếng, xếp thứ 3 ở Đài Loan và có mạng lưới thành viên rộng khắp ở nhiều nước trên thế giới: Băng Trúc Liên Bang. Từ năm 1997, băng Trúc Liên Bang đã tìm cách thâm nhập thế giới ngầm ở Việt Nam, tranh giành ảnh hưởng với giang hồ bản địa ở hầu hết những thị trường ngầm béo bở như cho vay nặng lãi, bảo kê sòng bạc, vũ trường. A Lý được cử sang Việt Nam trong vai một thương gia và kết hôn với một cô gái quê ở Nghệ An. Có vợ người Việt là một điểm tựa uy tín, A Lý trở về căn cứ địa Đài Loan của Trúc Liên Bang, huy động thêm tài chính rồi quay lại TP. Hồ Chí Minh. Chia tay với người vợ đầu sau khi sinh con gái, A Lý kết hôn với một cô gái gốc Hoa ở Chợ Lớn. Đó chính là Diệp Hiểu Vân- người phụ nữ có vai trò trợ thủ đắc lực cho "ông trùm"người Đài Loan mở rộng lãnh đại trong thế giới ngầm.

Nhưng đó là chuyện về sau, còn trong cuộc chạm trán đầu tiên đầy tính ngẫu nhiên này giữa tôi và A Lý, Diệp Hiểu Vân vẫn chỉ là người phiên dịch của "ông trùm". Không quanh co, rào đón trước sau, A Lý vô thẳng vấn đề: Y sang Việt Nam đầu tư vào lĩnh vực "ăn chơi nhảy múa", khá "nhạy cảm", trước sau gì thì cũng có lúc vướng phải các hành vi vi phạm pháp luật... Mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam, A Lý muốn làm quen với những người có "máu mặt" ở Sài Gòn để dễ bề tồn tại, chung sống một cách "hòa bình".

"Máu mặt" cái gì đâu, tôi chỉ là một gã phóng viên cắc ké của một tờ báo, muốn làm quen để tạo mối quan hệ làm ăn thuận buồm xuôi gió thì phải gặp các "đại ca" cỡ trưởng, phó phòng cơ quan chức năng TP.HCM lúc bấy giờ chứ... Tuy nghĩ như vậy, nhưng tôi cũng cố làm ra bộ mặt khá "ngầu" cho người ta nể, ậm ừ qua chuyện để nghĩ kế thoát thân.

Thể hiện thiện chí cho lần gặp mặt đầu tiên, thắt chặt tình thân hữu, ngay tức khắc, A Lý đề nghị chúng tôi chuyển sang khu vực chợ An Đông (Q.5, TP.HCM) hát karaoke, vì ở đây ồn ào quá, khó nói chuyện. Biết thừa nhà hàng Karaoke ở chợ An Đông chỉ toàn là hàng "xịn", nếu mà "lún" vào mấy cái chỗ ấy thì khó lòng "trồi" ra được; trong các căn phòng Karaoke đóng kín cửa, chuyện gì xảy ra nào có ai biết; nếu mình nói không có gì thì cũng chẳng có ai tin...

Xe vừa chạy về đến khu vực gần tòa soạn Báo Thanh Niên, tôi viện cớ mới uống mấy ly rượu, giờ bị mệt tim, đề nghị chở tôi về tòa soạn nghỉ ngơi. Dù rất lấy làm tiếc, nhưng A Lý cũng không ép, đưa tôi về lại cơ quan, hẹn một ngày tái ngộ, sau khi trao đổi số điện thoại cần liên lạc.

Nhìn đám người A Lý rời đi, tôi thở phào nhẹ nhõm, tim thì không thấy đau, mà lại chuyển sang đau... bụng. Trời ạ, tôi biết con gái ở An Đông rất đẹp!

Tôi không biết rằng, cuộc gặp đầu tiên này với A Lý chóng vánh và thoảng qua, nhưng cuộc gặp cuối cùng với gã sau đó vài tháng, sau cái đêm định mệnh 11/8/2001 khi gã ra lệnh cho băng Trúc Liên Bang sử dụng súng (dạng bút) bắn tử thương một đàn em của "bố già " Năm Cam và Hồ Việt Sử, sẽ là một cuộc gặp bão tố nhất trong đời làm báo của tôi.

Phiên tòa xét xử Năm Cam và đồng bọn.


"Vụ xét xử Năm Cam và đồng bọn là một trong những phiên tòa nổi tiếng Việt Nam và trên thế giới. Số lượng tội phạm ra hầu tòa là 156, ở mức kỷ lục. Phiên xử sơ thẩm kéo dài từ tháng 2 đến tháng 6 năm 2003 với bản án dài hàng trăm trang. Tháng 10 năm 2003 Năm Cam bị tuyên mức án chung là tử hình với 7 tội danh gồm “giết người, hối lộ, cố ý gây thương tích, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, che giấu tội phạm, tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài”, đến ngày 3 tháng 6 năm 2004 thì bị thi hành án tử hình."
(còn tiếp)

HỮU PHÚ

Bài đăng tạp chí Đời sống & Pháp luật số 1 (53)

Tin nổi bật