(ĐSPL) - Trường học không có giáo cụ học tập, không có phòng học chức năng, thậm chí học sinh nam nữ phải dùng chung một nhà vệ sinh những tưởng là câu chuyện của giáo dục vùng cao, nhưng đó là thực tế tồn tại lâu nay ở Hà Nội.
Bi hài hơn, nhiều trường quảng cáo mang mác là trường quốc tế, chuẩn đầu ra tương đương với những nền giáo dục tiên tiến ở châu âu, châu Mỹ nhưng lại tồn tại trong tình trạng không có hiệu trưởng điều hành. Hiện tại, Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đang mạnh tay xử lý các trường hợp sai phạm trên. Tuy nhiên, thực tế nhiều học sinh và phụ huynh bị lừa ngày một tăng lên bởi cách quản lý kiểu nương nhẹ trước đây.
Mượn dụng cụ dạy học để đối phó thanh tra
Hiện nay đang là thời điểm giữa học kỳ II của năm học 2013 - 2014, công tác dạy và học đáng lẽ phải được duy trì một cách nghiêm túc, cùng với đó là điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy học cũng đòi hỏi phải ở trong tình trạng đạt chuẩn.
Tuy nhiên, mới đây qua công tác thanh kiểm tra của sở GD&ĐT Hà Nội đã phát hiện ra nhiều sai phạm nghiêm trọng ở một số trường THPT tư thục trên địa bàn. Theo thông tin PV nắm được, nhiều trường THPT tư thục đang dạy học trong tình trạng thiếu các điều kiện tối thiểu như không có phòng học chức năng, phòng thí nghiệm, không có giáo cụ học tập, không hiệu trưởng điều hành.
Điều gây ngạc nhiên, trong số đó có cả những trường tư thục vốn từ trước đến nay được cho là những trường đạt chuẩn quốc tế và mức học phí thu mỗi học sinh trên 10 triệu đồng/tháng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, năm nay Sở sẽ làm quyết liệt và xử lý tận gốc đối với các trường vi phạm. Theo ông Thống, qua công tác kiểm tra đã cho thấy một số trường không đủ điều kiện cơ sở vật chất duy trì công tác dạy và học. Như việc khi đoàn công tác của Sở đến kiểm tra thì phòng thí nghiệm cho học sinh diện tích quá nhỏ, các trang thiết bị thí nghiệm chất đống không giống như một phòng thí nghiệm đang dùng bình thường.
Thậm chí có trường hợp, để đối phó với đoàn kiểm tra, trường đã đi mượn trang thiết bị thí nghiệm của trường khác. Sau khi đoàn kiểm tra làm việc xong, họ lại mang trả. Không những thế, nhiều trường hợp trường không có hiệu trưởng.
Thông tin PV nắm được, hiện nay như trường THPT Hà Nội Academy, THPT Global, THPT Dân lập Hà Nội, Phổ thông Quốc tế Việt Nam, PT Dân lập Nguyễn Du… là những trường không có hiệu trưởng, hoặc hiệu trưởng không đến trường làm việc.
Nói về hiện tượng này, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết: "Đây là những lỗi vi phạm lớn, bởi hiệu trưởng là người có vai trò điều hành công tác chuyên môn của nhà trường, không có hiệu trưởng như việc con tàu không có người cầm lái. Không có hiệu trưởng không ai ký vào học bạ của học sinh, không ai điều hành công việc chuyên môn của nhà trường. Như vậy học sinh sẽ rất thiệt thòi không được học hành trong môi trường tối thiểu, phụ huynh bị "móc túi", số tiền họ bỏ ra cho con em học không được như mong đợi".
Qua trao đổi với ông Nguyễn Hiệp Thống, thực sự chúng tôi rất ngạc nhiên, bởi nhiều trường như trường THPT Academy Hà Nội vốn nổi tiếng là ngôi trường có cơ sở vật chất lý tưởng cho công tác dạy và học.
Ngôi trường này cũng tự hào là trường đào tạo theo chuẩn quốc tế và mục tiêu hướng tới là đào tạo ra những học sinh tốt nghiệp đạt chuẩn đầu vào của các trường đại học ở úc, châu âu hay Mỹ. Tuy nhiên, việc dạy học trong hoàn cảnh không hiệu trưởng thì không biết trường THPT Academy có thực sự đi đúng hướng.
Liệu phụ huynh, học sinh của trường có biết rõ được thông tin trường dạy học không có hiệu trưởng điều hành hay vẫn bị lừa dối và hàng tháng phải chi trả số tiền học phí cao ngất ngưởng.
|
Trường THPT Academy chuẩn quốc tế nhưng không có hiệu trưởng.
|
Sẽ xử lý mạnh tay
Việc nhiều trường thiếu các điều kiện cơ sở vật chất, cách thức tổ chức lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp được phát hiện trong thời điểm giữa học kỳ II - thời điểm đáng lẽ ra mọi điều kiện phải đạt chuẩn cơ bản cho thấy công tác giám sát của sở GD&ĐT Hà Nội trước đây chưa sát sao. Thông tin và danh sách các trường nằm trong diện trên cần thiết phải được công khai đến phụ huynh và học sinh.
Trước thông tin PV nắm được, chúng tôi có đặt vấn đề với sở GD&ĐT Hà Nội về trách nhiệm của Sở như thế nào khi học sinh học tập không có thiết bị thí nghiệm, không có phòng học chức năng và chúng tôi đã không nhận được câu trả lời thoả đáng.
Rõ ràng, với mô hình dạy học lấy học sinh là trung tâm thì bắt buộc trong công tác dạy học phải có đồ dùng dạy học, phòng thí nghiệm và phòng học chức năng. Việc học trò học chay sẽ không đảm bảo được chất lượng đào tạo, điều này đồng nghĩa quyền được học tập của các học sinh bị xâm phạm nghiêm trọng.
Trong việc cấp phép thành lập trường tư thục thì những điều kiện về cơ sở hạ tầng, thiết bị giảng dạy là yếu tố bắt buộc phải có. Chính thực trạng trên đang tố cáo và khiến nhiều người hoài nghi về việc cấp phép mở trường tư thục một cách tràn lan.
Cũng liên quan đến vấn đề về công tác tổ chức quản lý trong các trường tư thục hiện nay, trước hiện tượng hiệu trưởng thích đến trường thì đến không thích thì thôi. Hay như việc, hiệu trưởng và hội đồng quản trị mâu thuẫn nhau dẫn tới hiệu trưởng bỏ bê công việc.
Điều này để lại hệ luỵ rất lớn không chỉ ngôi trường thiếu người chỉ đạo điều hành công tác chuyên môn mà trong các thủ tục hành chính cũng sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Như việc ai sẽ là người ký học bạ cho học sinh trong trường hợp trường không có hiệu trưởng hay hiệu trưởng từ chối làm việc, không sát sao công tác. Học bạ của học sinh có thể được ký bừa tại các trường tư thục vì người đứng đầu không có.
Với cách quản lý lỏng lẻo như hiện nay, PV đặt vấn đề nếu trường hợp hiệu trưởng bỏ trốn thì sở GD&ĐT Hà Nội có biện pháp nào để ứng phó và được vị Phó Giám đốc Sở trả lời: "Hiện chưa có tình huống trên nên không biết cụ thể sẽ xử lý thế nào. Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả đều có phương án để đảm bảo quyền lợi cho học sinh?!".
Nói không với xin xỏ, chạy chọt Sau khi nắm bắt được thông tin các trường bị đình chỉ tuyển sinh và tạm dừng tuyển sinh vào lớp 10 chúng tôi tiến hành liên hệ với các trường để tìm hiểu thực hư sự việc. Nhưng tất cả đều từ chối gặp gỡ và cho biết trường đang tiến hành làm việc với sở GD&ĐT về vấn đề trên. Trả lời câu hỏi, quyết định sáu trường bị đình chỉ tuyển sinh liệu có thay đổi vào phút chót. ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, đây là quyết định cuối cùng. Ngoài ra ông Thống còn cho biết, việc 15 trường bị tạm dừng đình chỉ tuyển sinh phải hoàn thiện hồ sơ tuyển sinh, báo cáo Sở trước ngày 15/4, nếu sau thời hạn này vẫn chưa hoàn thành thì sẽ không được tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2014 - 2015. |