Liên quan đến sự kiện “kỳ quặc” đang diễn ra tại Tập đoàn Trung Nguyên: Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên yêu cầu giám định chính sản phẩm G7 của mình vì cho rằng có xâm phạm sở hữu trí tuệ, phóng viên đã liên hệ với các bên để tìm hiểu nguyên nhân. Tại sao Trung Nguyên sản xuất G7 lại bị coi là xâm phạm sở hữu trí tuệ? Tại sao Tập đoàn này lại liên tục tác động tới các cơ quan quản lý để giữ hàng xuất khẩu G7 của chính mình? Điều gì đang diễn ra tại Trung Nguyên?
G7 bị đình trệ xuất khẩu do công ty mẹ "chặn đường" công ty con
Như Đời sống và Pháp luật đã đưa tin, trong vòng 5 tháng qua, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên gửi đơn thư yêu cầu Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ giám định sản phẩm G7 do Công ty Cổ phần hoà tan Trung Nguyên sản xuất, rồi liên tiếp tác động tới các cơ quan quản lý để tạm giữ các sản phẩm xuất G7 của mình, trong khi cả hai công ty này đều nằm trong Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên. Việc mở được thị trường quốc tế là chặng đường dài hàng chục năm mới gây dựng được uy tín với đối tác nước ngoài nhưng tại sao công ty “mẹ” lại chặn việc sản xuất và xuất khẩu của công ty “con”?
Có gì lạ thường ở đây, khi Công ty Đầu tư Trung Nguyên tố Công ty Công ty Hòa tan Trung Nguyên xâm phạm sở hữu trí tuệ, khiến cho hàng xuất khẩu G7 của chính mình bị giữ? Và chuyện lạ ấy lại đang khiến cho bên thứ ba là Công ty TNHH MTV TNI (đơn vị xuất khẩu) thiệt hại nặng nề.
Được biết, Tập đoàn Trung Nguyên là một công ty gia đình nên kể từ khi thành lập đều được quản lý bởi vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo đó, ông Vũ giữ vị trí đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng Quản trị và Tổng Giám Đốc để phụ trách các vấn đề đối ngoại. Còn bà Thảo giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Phó Tổng Giám Đốc Thường Trực để quán xuyến toàn bộ vấn đề đối nội, bao gồm việc tất cả các hoạt động và quản lý hàng ngày tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngoài ra, theo thoả thuận của hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên là đơn vị thay mặt tập đoàn Trung Nguyên để đăng ký quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu (Trade mark) của các mặt hàng do các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên sản xuất và kinh doanh như nhãn hiệu cà phê hòa tan G7, G7 Coffee, nhãn hiệu Trung nguyên, và các nhãn hiệu khác…. Các nhãn hiệu này đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp bằng bảo hộ từ thời điểm năm 2009.
Căn cứ trên giấy tờ pháp lý hiện nay, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên là đơn vị được phép sản xuất tất cả những sản phẩm cà phê hòa tan mang thương hiệu G7 theo sự phân công và ủy quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (chủ thể quyền nhãn hiệu G7). Trên thực tế, Công ty Cổ phần Cà phê Hoà tan Trung Nguyên đã liên tục sản xuất và phân phối các sản phẩm này từ ngày thành lập năm 2003 cho đến nay.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên là công ty được thành lập từ năm 2009, sau thời điểm ra đời sản phẩm cà phê hoà tan G7, G7 Coffee của Công ty Hoà tan là 6 năm. Và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên không hề sản xuất G7 từ khi thành lập, mà chỉ là công ty giữ quyền nhãn hiệu G7.
Năm 2011, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên thành lập Chi nhánh Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang. Đây là Nhà máy sản xuất được đặt tại Khu công nghiệp Quang Châu, tỉnh Bắc Giang, là đơn vị trực thuộc và hoạt động theo sự ủy quyền sản xuất sản phẩm cà phê hòa tan nhãn hiệu G7 của Công ty Cổ phần Cà phê Hòa Tan Trung Nguyên và đã được Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (đơn vị Chủ sở hữu nhãn hiệu G7, Trung Nguyên) cấp quyền sản xuất và kinh doanh sản phẩm cà phê hòa tan các loại mang thương hiệu G7.
Như vậy, trong suốt 15 năm qua, Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên đã sản xuất G7 liên tục, còn Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên ra đời sau này chỉ với nhiệm vụ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ các nhãn hiệu của Trung Nguyên chứ không phải là đơn vị sản xuất. Cách điều hành này cho thấy tập đoàn này từ trước tới nay vẫn quản trị theo mô hình công ty gia đình, có sự đồng thuận giữa hai vợ chồng khi chưa có mâu thuẫn xảy ra.
Sản phẩm cà phê G7 của tập đoàn Trung Nguyên
Chồng “tố” vợ trong khi là đồng sở hữu
Tuy nhiên hiện nay, vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ – Lê Hoàng Diệp Thảo phát sinh mâu thuẫn và đang trong quá trình ly hôn. Từ đây đã nảy sinh ra nhiều vụ kiện tranh chấp liên quan đến hôn nhân gia đình và tài sản, tranh chấp về quyền điều hành và quyền đại diện theo pháp luật tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngày 22/11/2017, Tòa án nhân dân TP.HCM có công văn số 4451/TATP-TLĐ, thông báo: “Hiện nay giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang có tranh chấp và yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Trung Nguyên (bao gồm cả tài sản hữu hình và vô hình là quyền sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu Trung Nguyên và G7)”.
Như vậy, về mặt pháp lý, hiện nay hai vợ chồng cùng sở hữu 93% về tài sản hữu hình và vô hình tại Tập đoàn Trung Nguyên. Do đó, hai vợ chồng có đồng quyền sở hữu trong số tài sản và quyền tài sản do hai vợ chồng tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân.
Vì thế, cản sản phẩm cà phê mang các nhãn hiệu G7 của Công ty Cổ phần Cà phê Hoà tan Trung Nguyên, chi nhánh Bắc Giang do bà Thảo là người đại diện theo pháp luật là hoàn toàn hợp pháp, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và được toàn quyền sử dụng, kinh doanh các sản phẩm cà phê mang các nhãn hiệu trên.
Trong khi đó, Công ty Cồ phần Đầu tư Trung Nguyên vẫn liên tiếp tố cáo Công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên chi nhánh Bắc Giang xâm phạm quyền sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cà phê mang thương hiệu G7.
Dựa trên những đơn thư, thông tin một chiều từ Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã giám định tới 3 lần với những kết quả trái ngược nhau, khiến cho sản phẩm G7 chính hãng được sản xuất 15 năm nay bỗng nhiên trở thành “hàng giả”. Căn cứ trên kết luận bất nhất này của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Tổng Cục Hải Quan đã phải dừng việc xuất khẩu hàng hóa hợp pháp của chính G7.
Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho uy tín của các sản phẩm cà phê Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho đơn vị xuất khẩu là công ty TNHH MTV TNI.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin những diễn biến bất thường xung quanh câu chuyện này.
Tập đoàn Trung Nguyên im lặng kỳ lạ
Trước sự kiện kỳ lạ này, phóng viên đã gọi điện hàng chục cuộc cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên, nhưng không có người bắt máy.
Không liên hệ được với người lãnh đạo Tập đoàn, phóng viên đã liên hệ tới Tập đoàn Trung Nguyên. Tuy nhiên, khi nhận được thông tin, đại diện Tập đoàn Trung Nguyên rất hờ hững, chỉ lưu lại số phóng viên và nói rằng sẽ có người liên hệ lại, nhưng sau 4 ngày vẫn không có động tĩnh gì.
Trong khi đó, việc tạm giữ hàng xuất khẩu G7 vẫn diễn ra tại các cửa khẩu trong suốt nhiều tuần qua. |
Nhóm PV