Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện ít biết về chuột ở Hà Nội

(DS&PL) -

Từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 Hà Nội xuất hiện thêm những giống chuột nước ngoài theo các thùng hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Nếu ở các vùng quê chỉ có chuột nhà và chuột đồng thì ở Hà Nội lại có loài chuột to lớn hơn sống ở cống, ngóc ngách giữa các nhà nên dân gian gọi là chuột cống. Nhưng từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 Hà Nội xuất hiện thêm những giống chuột nước ngoài theo các thùng hàng nhập khẩu vào Việt Nam.

Ảnh minh họa.

Nỗi hoảng sợ của người Pháp

Khi nhận chức Toàn quyền Đông Dương năm 1897, Toàn quyền Doumer mong muốn biến hệ thống cống rãnh nằm phía dưới khu của người Pháp và ở cả khu dân cư đông đúc của người Việt thành một biểu tượng của sự sạch sẽ và tiến bộ. Thế nhưng ông ta đã thất vọng khi lũ chuột bắt đầu xuất hiện từ những cống rãnh này. Mấy chục cây số cống đã trở thành thiên đường mập mờ và mát mẻ cho lũ chuột, nơi chúng có thể sinh sôi mà không có kẻ thù. Nhưng những giống chuột này từ đâu mà ra vì chuột bản địa nhỏ con hơn?

Cuối thế kỷ 19 nhiều loại hàng hóa từ thiết bị quân sự đến hàng tiêu dùng, thực phẩm từ cảng của Pháp qua cảng Hải Phòng đã mang theo những chú chuột giống châu Âu to tướng đang kiếm ăn trong các thùng hàng không kịp chạy lên bờ. Một chuyến du lịch miễn phí đưa chúng đến một vùng đất mới lạ. Khi lên bờ, chúng buộc phải thích nghi với khí hậu, thời tiết và cả thức ăn ở Việt Nam. Nhờ sức sống mãnh liệt, loài chuột này nhanh chóng phát triển. Do không có khả năng đào hang như chuột nhà và chuột đồng, chúng chui xuống cống rãnh và sống ở đó. Vì thế dân đặt tên cho loài chuột châu Âu này là chuột cống.

Không chỉ phá hỏng giấc mơ về hình ảnh châu Âu trang nhã của vị Toàn quyền Đông Dương này, các trường hợp dịch hạch bắt đầu xuất hiện, và chuột được cho là nguyên nhân gây lây nhiễm. Song những con chuột gây ra dịch hạch lại không phải là giống chuột bản xứ mà nó được cho là từ các kiện hàng của Ấn Độ chở bằng tàu biển đến Hà Nội dự triển lãm Kinh tế Đông Dương năm 1902. Những con chuột này đã chui vào các thùng hàng và bị tàu biển đưa sang Hà Nội, khi người ta dỡ hàng, chuột bò ra ngoài, gặp điều kiện thời tiết thuận lợi chúng sinh sôi nẩy nở thành đàn. Nước Pháp chấn động vì họ sợ những con chuột Ấn Độ sẽ gây bệnh cho người Pháp sống ở Việt Nam bởi lẽ trước đó loài chuột này đã gây ra dịch bệnh trên diện rộng ở Ấn Độ.

Trò láu đổi chuột lấy tiền

Để ngăn chặn chuột và côn trùng gây bệnh, chính quyền thành phố đã thuê người chui vào hệ thống cống rãnh tối tăm và chật hẹp, vượt qua đủ loại rác thải của con người ở các mức độ phân hủy khác nhau để săn lùng loài động vật hoang dã khá hung dữ, có thể mang theo bọ chét và dịch hạch hay các bệnh truyền nhiễm khác. Chưa kể tới sự có mặt tiềm tàng của những động vật nguy hiểm khác, như rắn, nhện và các con khác. Sau một thời gian thực hiện, chính quyền nhận thấy rằng, ngay cả với đội quân thợ săn chuột này thì họ cũng không thể diệt sạch lũ chuột nên ngày 23/4/1902 tức là 6 tháng trước khi khai mạc triển lãm Kinh tế Đông Dương, chính quyền Hà Nội đã trả 4 xu cho ai giết và bắt được một con chuột mang nộp đuôi chuột cho cảnh sát. Việc chỉ nộp đuôi chuột được cho là kế khôn ngoan của chính quyền vì tòa thị chính sẽ không phải tiếp nhận và xử lý một số lượng lớn xác chuột. Ngay lập tức số đuôi chuột mang lên nộp cho cảnh sát nhiều vô kể, số chuột này không chỉ bắt ở Hà Nội mà họ bắt từ các tỉnh khác mang đến khiến số tiền thanh toán tăng vọt.

Cuối tháng 4/1902 đã có 7.985 đuôi con chuột nộp cho cảnh sát. Người Pháp rất hài lòng với kế hoạch có vẻ hiệu quả này vì số đuôi chuột tăng lên rất nhanh. Sang tháng Năm, những thợ săn tích lũy được thêm kinh nghiệm và đẩy con số lên 4.000 con mỗi ngày. Vào cuối tháng, số chuột diệt được tăng lên đến kỷ lục là 15.041 chỉ trong một ngày 30/5. Trong tháng Sáu, số lượng diệt mỗi ngày là khoảng trên 10.000 con và vào ngày 21/6, con số là 20.112, điều này đã khiến cảnh sát nghi ngờ có gian lận nên họ tổ chức điều tra và phát hiện ra sự láu cá của người Việt. Họ đã nhìn thấy cảnh tượng chuột khỏe mạnh chạy trong thành phố nhưng không có đuôi. Hóa ra những thợ săn bình dân thà cắt đuôi chuột hơn là giết con vật có khả năng sinh nở nhanh và có thể tạo ra thêm nhiều chuột hơn nữa. Lại có những kết quả điều tra khác là một vài người còn nhập chuột từ nơi khác vào thành phố. Giọt nước làm tràn ly khi thanh tra y tế phát hiện ở ngoại ô Hà Nội còn có một trang trại dành nuôi chuột. Bực tức tòa đốc lý quyết định hủy bỏ tiền thưởng, và người dân thành phố đành phải chung sống với lũ gặm nhấm.

Thế nhưng nỗi lo chuột gây ra dịch hạch buộc chính quyền phải nối lại kế hoạch nhưng họ quyết định hạ giá xuống 1 xu một con. Nhưng 1 xu một con cũng vẫn là cơ hội kiếm tiền của nhiều người, họ đi ra các vùng xa săn chuột mang về. Lại có người tổ chức nuôi chuột cấp tốc. Số chuột nộp cho cảnh sát tăng lên vù vù và chính quyền lại tiếp tục hạ xuống 1 xu 5 con. Giá cả bèo bọt nên dân chúng không nộp chuột nữa.

Năm 1903 dịch bệnh xuất hiện. Ít nhất 263 người đã thiệt mạng, hầu hết là người Việt. Lo sợ dịch lan ra khắp thành phố có thể nguy hại đến tính mạng người Pháp sống ở Hà Nội, 15 ngày sau họ lại tăng lên 1 xu 2 con rồi 1 xu 1 con nhưng dân chúng vẫn làm ngơ. Hoảng hốt trước thái độ bất hợp tác, ngày 4/2/1904 chính quyền tăng lên 3 xu một con. Đến ngày 22/2/1904 họ tăng lên 4 xu một con, lúc này dân mới nộp số chuột họ nuôi trong nhà.

Để ngăn chặn trục lợi khi cảnh sát phát hiện có người vận chuyển chuột từ những vùng không được thưởng vào Hà Nội, chính quyền ra lệnh phạt nặng và bỏ tù nếu bắt được. Kết quả là chấm dứt được tình trạng buôn chuột lậu. Ngăn được nạn chuyển chuột lậu nhưng dịch đã hoành hành, sợ dịch lan rộng, chính quyền không cho phép dân được chôn người chết dịch, bắt phải thiêu xác. Quy định này trái với phong tục địa táng của người Việt nên dân không hợp tác, nhà có người chết dịch không báo chính quyền, họ giấu xác trong nhà, chờ màn đêm buông xuống bí mật mang chôn. Các gia đình có người bị dịch cũng không báo, họ âm thầm chữa bằng các bài thuốc dân gian. Cuối cùng nhờ sự cố gắng của các bác sĩ dịch tễ, dịch lắng xuống, chính quyền thở phào vì không phải mất tiền mua chuột.

Việc nộp đuôi chuột lấy tiền chính là kiểu tư duy đã dẫn đến Thế chiến thứ nhất cho rằng súng máy sẽ kết thúc nhanh cuộc chiến vì nó giết người hiệu quả. Nhưng thực tế thì nó đã kéo dài cuộc chiến và nhiều người đã thiệt mạng.

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng báo in Đời sống & Pháp luật số gộp: 7 số: Số 11+12+13+14 + Số 3+4 (Chủ Nhật) + Số 3 (Tháng)

Tin nổi bật