Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia xây dựng lật lại vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường

(DS&PL) -

Bất cứ vật thể nào lẫn vào giữa khối bê tông sẽ rất khó phân huỷ,- chuyên gia xây dựng phân tích về chi tiết thi thể chị Huyền - nạn nhân vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường được phát hiện có bám vài mảng bê tông.

Khi thi thể chị của chị Lê Thị Thanh Huyền - nạn nhân trong vụ án tại Thẩm mỹ viện Cát Tường được phát hiện vào ngày 18/7, nhân chứng nhìn thấy trên thi thể có bám vài mảng bê tông. Từ chi tiết này, nhiều ý kiến cho rằng thủ phạm đã dùng bê tông đúc bao quanh thi thể nạn nhân nhằm che giấu. Giả thiết này liệu có đủ cơ sở? 

Nhiều kĩ sư cho rằng bê tông là hợp chất “bảo quản xác tuyệt vời”.

Hỗn hợp bê tông, hợp chất tuyệt vời bảo quản thi thể?

Trao đổi về vấn đề này, kiến trúc sư (KTS) Đào Thoại, người công tác nhiều năm trong ngành xây dựng ở TP.HCM cho biết: Hỗn hợp bê tông nếu đảm bảo đúng tỉ lệ, bảo dưỡng tốt sẽ rất bền chắc sau khi khô cứng. Trường hợp pha thêm những phụ liệu như chất chống thấm, chống ẩm sẽ càng đảm bảo hơn. 

Lúc đó, bất cứ vật thể nào lẫn vào giữa khối bê tông sẽ rất khó phân huỷ, thậm chí không phân huỷ. Lí do là độ kết dính của bê tông rất chắc, không khí không thể lọt vào. Và trong môi trường kín như vậy, rất khó xảy ra quá trình phân huỷ. Như vậy, nếu thực sự thủ phạm đổ bê tông bao quanh thi thể chị Huyền, sẽ giữ thi thể được rất lâu. Thời gian 9 tháng là bình thường. 

Cùng quan điểm, kĩ sư Nguyễn Bá Việt, giám đốc một công ty tư vấn xây dựng ở tỉnh Điện Biên trình bày: Khối bê tông một khi khô cứng vô cùng bền chắc, gần như không bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, tất nhiên với điều kiện bê tông đạt tiêu chuẩn. Nhờ đó, vật thể (kể cả thi thể) nằm giữa lòng bê tông sẽ không bị tác động dẫn đến sự phân huỷ chậm, thậm chí không phân huỷ hay biến dạng. 

Việc trộn thêm chất phụ gia không ảnh hưởng nhiều đến quá trình phân huỷ vật thể nằm trong lòng khối bê tông. Nói rõ hơn, chất phụ gia chỉ có tác dụng thúc đẩy quá trình kết dính của bê tông. Bản thân khối bê tông khi đã “chết” tức không còn chứa hay sinh ra loại hoá chất nào nữa.

Nguyễn Mạnh Tường.

Một chuyên gia tư vấn xây dựng chuyên làm việc cho các công ty nước ngoài đồng tình nhận định trên. Theo đó, nếu thực sự thi thể chị Huyền được bao bọc bởi bê tông thì thời gian phân huỷ diễn ra cực kì chậm. Ở môi trường đó, những yếu tố cần thiết như oxy, khí, độ ẩm đều bị cách ly hoàn toàn. 

Riêng TS Lưu Xuân Lộc, Phó khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường ĐHBK TP.HCM lại không đồng thuận với những ý kiến trên. Theo TS Lộc, sự phân huỷ mọi vật thể xuất phát từ chính nội tại vật thể đó. Dù đặt trong bất cứ môi trường nào đi nữa, quá trình phân huỷ vẫn xảy ra do vật thể phân huỷ từ bên trong ra ngoài. Các yếu tố khác như không khí, độ ẩm chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ.Theo ông Lộc, việc tìm thấy xác chị Huyền mà chưa phân hủy sau 9 tháng “là một điều vô lý”.

Dù còn chưa thống nhất trong việc nhận định bê tông có phải là hợp chất tuyệt vời để “bảo quản” thi thể, nhưng tất cả mọi người đều cho rằng khả năng thi thể chị Huyền được giấu trong khối bê tông là rất thấp. Có hai lý do. Thứ nhất bác sĩ Tường không có đủ thời gian làm việc này. Thứ hai, viên bác sĩ cũng không có đủ chuyên môn làm việc này, nếu không có sự trợ giúp từ những người làm trong ngành xây dựng với những phương tiện chuyên dụng.

Khối bê tông chỉ thực sự bền chắc khi đã khô cứng. Mà khối bê tông muốn cứng, thông thường phải sau 7 ngày. Trường hợp cấp thiết, đơn vị thi công sẽ trộn thêm chất phụ gia nhưng cũng cần tối thiểu 48 tiếng đồng hồ để bê tông đạt độ cứng cơ bản. Đó là chưa kể đến yếu tố cốt thép, khung sườn bên trong. 

Giả thiết thủ phạm muốn đổ bê tông bọc lấy thi thể chị Huyền phải cần chuẩn bị khuôn, bộ khung để kết dính bê tông. Trường hợp để bê tông thực sự bền chắc phải sau 3 tuần. “Sau 7 ngày bê tông đạt 80\% chất lượng, sau 28 ngày đạt 100\%”, kĩ sư Việt trình bày. 

Đối chiếu những thông tin trên, nếu bác sĩ Tường muốn giấu thi thể chị Huyền giữa khối bê tông phải cần thời gian tối thiểu 2-3 ngày hoặc nhiều hơn mới có thể ném xuống sông, đảm bảo bê tông không bị tan rữa trong nước. Nếu vậy, thủ phạm sẽ không đủ thời gian. 

Căn cứ vào diễn biến vụ án như cơ quan điều tra đã công bố: Chiều ngày 19/10/2013 chị Huyền đến Thẩm mĩ viện Cát Tường hút mỡ bụng và tử vong sau đó vài giờ đồng hồ. Đêm cùng ngày, Tường cùng nhân viên bảo vệ tên Khánh mang xác chị Huyền đến cầu Thanh Trì vứt xuống sông Hồng. Như vậy lập luận thủ phạm đổ bê tông phi tang càng không có cơ sở. “Tường không đủ thời gian để tiến hành đúc đổ bê tông bao quanh thi thể, chờ bê tông khô cứng rồi ném xuống sông. Công nghệ xây dựng hiện nay chưa có cách nào làm khô bê tông nhanh đến thế”, một KTS nói. 

Chưa thỏa mãn với những câu trả lời trên, nhóm phóng viên Xa lộ Pháp luật quay trở lại với hiện trường nơi phát hiện thi thể tìm hiểu thêm thông tin. Những nhân chứng trực tiếp phát hiện ra thi thể chị Huyền khẳng định, thi thể dính nhiều cục bê tông được trộn từ cát và xi măng. Kinh nghiệm mấy chục năm sông nước, các ngư dân cho rằng, nạn nhân Huyền không bị vứt xác từ trên cầu xuống mà được chôn ở gần bờ, đổ bê tông lên trên rồi vùi cát lại. Sau trận bão, nước sông Hồng dâng cao, xói mòn bãi cát khiến thi thể nạn nhân lộ thiên, trôi theo dòng nước.

Nạn nhân được chôn ở gần bờ?

Kinh nghiệm mấy chục năm sông nước, các ngư dân bến đò Văn Đức khẳng định, nạn nhân Huyền không bị vứt xác từ trên cầu Thanh Trì xuống sông Hồng. Ông Hậu quả quyết: “Nếu xác được vứt từ trên cầu xuống thì không thể nào bây giờ mới nổi”. Theo suy đoán của ông Hậu, nạn nhân được chôn cất ở gần bờ sông Hồng.

Nơi phát hiện thi thể cụt đầu và tứ chi.

“Khi nạn nhân chết là vào tháng 10 năm ngoái, khi ấy nước sông tương đối cạn. Sau khi làm chết bệnh nhân, bác sỹ Cát Tường đã đem chôn nạn nhân ở gần bờ rồi vùi lấp cát lại. Bây giờ là mùa mưa, nước dâng cao hơn so với khi đó khoảng 3 mét. Khi phát hiện ra xác chết, một cơn bão vừa đi qua, nước sông dâng lên cao. Chính điều này làm bờ cát bị xói mòn, dần dần xác nạn nhân lộ thiên, trôi theo dòng nước”, ông Hậu suy đoán.

Giải thích về việc có mảng bê tông bám vào thi thể nạn nhân, ông Hậu phán đoán: “Khi đào hố cát chôn nạn nhân, để phi tang chứng cứ, các đối tượng chôn cất đã trộn xi măng với cát rồi đổ xuống thi thể nạn nhân”. Ông Hậu cho rằng, bác sỹ Tường đã lừa cơ quan điều tra khi khai nhận vứt xác từ cầu xuống. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến công việc tìm kiếm nạn nhân tốn thời gian mà không đem lại kết quả. 

Trong khi đó, ông Ngoan cho biết, khi anh phát hiện ra xác chết là khoảng 6h30’. Theo suy đoán của ông, xác chết chỉ bị lộ thiên, trôi sông cách lúc phát hiện khoảng ba đến bốn tiếng đồng hồ; vào ban đêm. Ông Giải thích: “Nếu trôi ban ngày, ngư dân đi lại rất nhiều qua bến đò Văn Đức sẽ nhận ra. Nhưng do xác chết trôi ban đêm nên không ai phát hiện. Đến sáng sớm, tôi mới phát hiện, khi đã trôi qua bến đò hơn 1km. 

Cũng do mới bị trôi đi từ dưới đống cát  nên dù đã hơn 9 tháng mà thi thể nạn nhân vẫn còn khá nguyên vẹn”. Ông Ngoan cho biết thêm, khoảng hai ngày sau, nếu không phát hiện, xác chết sẽ bị sóng nước, cá rỉa khiến biến dạng, chìm xuống đáy sông.

Tin nổi bật