Ngày 2/1, chủng tiến hóa XBB.1.5 của biến thể Omicron đã được phát hiện ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) đã nhanh chóng trở thành chủ đề được quan tâm hàng đầu tại nước này.
Báo cáo từ các phương tiện truyền thông Mỹ cho thấy, tỷ lệ nhiễm chủng XBB.1.5 ở Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong tuần trước, chiếm khoảng 41% các trường hợp mới và trở thành "chủng lây nhiễm số một" mới tại nước này.
Chủng mới XBB đã được phát hiện tại Trung Quốc và gây ra lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới tại nước này. Ảnh: The Paper
Theo The Paper, với việc Trung Quốc đang nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch và những quy định nhập cảnh sẽ có điều chỉnh từ ngày 8/1, không ít người bày tỏ lo ngại về một làn sóng dịch mới do XBB.1.5 gây ra tại nước này.
Tong Yigang, một nhà virus học của Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, nhận định: "Việc một chủng đột biến mới có thể đánh bại chủng hiện có hay không phụ thuộc vào khả năng lây truyền của nó có lợi thế rõ ràng hơn hay không".
Ông Tong cho biết thêm, sau khi XBB.1.5 vào Trung Quốc, nó sẽ cạnh tranh với BF.7 (hoặc BA.5.2) trong một khoảng thời gian, nhưng không chắc liệu XBB.1.5 có lợi thế lan rộng như ở Mỹ hay không.
Cũng theo nhà virus học của Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh, việc có thể xảy ra làn sóng lây nhiễm mới hay không phụ thuộc vào hai khía cạnh. Một là mức độ tương đồng của chủng virus mới với chủng đang lưu hành, hai là mức độ miễn dịch cộng đồng hiện tại.
"Dù XXB.1.5 là một nhánh tiến hóa mới khi có thêm các đột biến ở các vị trí quan trọng. Tuy nhiên, kháng thể trung hòa trong cơ thể người không chỉ chống lại một vị trí của virus. Các vị trí khác cũng có thể bị kháng thể vô hiệu hóa và ngăn chặn, dẫn đến virus không thể lây nhiễm vào tế bào người. Do đó, một lượng lớn kháng thể trung hòa do các chủng từng lưu hành trong cơ thể người tạo ra vẫn có tác dụng nhất định đối với các chủng mới, cũng có thể nói là bảo vệ miễn dịch chéo", ông Tong lý giải.
Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng trong đợt cao điểm lây nhiễm mới hình thành ở Trung Quốc, nhiều người đã hình thành khả năng miễn dịch ở mức tương đối cao, do có vai trò bảo vệ miễn dịch chéo nên khả năng tái lây nhiễm ở người trong tương lai gần "là không thể".
Theo The Paper, kết quả của các nghiên cứu liên quan ở Mỹ cho thấy khoảng cách trung bình giữa lần nhiễm đầu tiên và lần nhiễm thứ hai là 191 ngày. Thời gian trung bình giữa lần nhiễm thứ hai và lần nhiễm thứ ba là 158 ngày. Dữ liệu này về cơ bản phù hợp với tuyên bố rằng kháng thể trung hòa tồn tại trong 6 tháng.
Nghiên cứu từng được công bố của Zhang Wenhong, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán (Thượng Hải, Trung Quốc), cũng chỉ ra rằng các kháng thể ở những người nhiễm bệnh đã được tiêm phòng cũng có thể có tác dụng "vô hiệu hóa rất mạnh" đối với các chủng đột biến khác.
Chuyên gia Zhang tin rằng khả năng miễn dịch hỗn hợp có thể xây dựng một hàng rào miễn dịch chống lại nhiều biến thể mới.
Thời gian qua, các dòng virus nhánh tiến hóa khác như Omicron XBB, BQ.1, BQ.1.19 đã được phát hiện trong số những người nhập cảnh trong vòng quản lý khép kín ở Trung Quốc, bên cạnh nhưng chủng phụ đang lưu hành phổ biến như Omicron BA.5.2 và BF.7.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ghi nhận biến thể XBB đã xuất hiện ở ít nhất 70 quốc gia và đã tạo ra một làn sóng lây nhiễm tại một số nước châu Á như Ấn Độ, Singapore vào tháng 10/2022.
Chủng XBB và BQ.1 được cho là có mức độ lây truyền mạnh và khả năng chống miễn dịch. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy độc lực của nó không khác biệt nhiều so với các chủng trước đây và tỷ lệ bệnh nặng cũng như tử vong không gia tăng ở các quốc gia mà XBB và BQ.1 đang hoành hành.
Hoa Vũ (Theo The Paper)