Cầu thủ người Na Uy (23 tuổi) đã kể về thói quen này trên chương trình podcast với YouTuber Logan Paul.
“Tôi nghĩ giấc ngủ là quan trọng nhất trên đời. Để có giấc ngủ ngon thì những việc giản đơn như kính chặn ánh sáng xanh, tắt mọi tín hiệu trong phòng ngủ, tôi nghĩ là rất quan trọng”, chân sút Na Uy chia sẻ.
Anh cho hay thêm: “Bạn hãy thử dán băng dính vào miệng. Tôi làm như vậy trong lúc ngủ đấy. Làm nhiều thứ thường không tốt nhưng thực hiện những việc nhỏ mỗi ngày trong thời gian dài thực sự mang lại hiệu quả”.
Haaland giải tích lý do bịt miệng khi ngủ là để tối đa hóa việc thở qua mũi và việc tiếp xúc với các nguồn ánh sáng xanh như thiết bị điện tử có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Erling Haaland có phòng độ hủy diệt trong màu áo của Manchester City. Ảnh: Wikipedia
Thói quen kỳ lạ của Haaland rõ ràng cho thấy hiệu quả cao, nếu xét đến thành tích anh đạt được trong mùa đầu tiên cùng Man City, với 52 bàn sau 53 trận, góp công đáng kể vào cú ăn ba ngoạn mục (Premier League, FA Cup, Champions League) của đội bóng áo xanh.
Bản thân chân sút 23 tuổi lập hàng loạt kỷ lục ở Ngoại hạng Anh, giải đấu anh là Vua phá lưới, Cầu thủ hay nhất giải của cả BTC lẫn Hiệp hội cầu thủ bóng đá Anh (PFA).
Haaland được biết đến là một ngôi sao sân cỏ có lối sống lành mạnh, rất quan tâm chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ, điều mà anh học hỏi ở Cristiano Ronaldo.
Trước đây, Haaland từng tiết lộ chế độ ăn uống bao gồm tim và gan bò, sử dụng đồ uống làm từ sữa, cải xoăn và rau chân vịt, đã giúp cầu thủ trẻ này trên con đường đến với thành công.
Jeff Kahn - chuyên gia về giấc ngủ đang làm việc tại Rise Science - cho rằng Haaland đang muốn khuyến khích việc thở bằng mũi.
"Lý thuyết đằng sau việc dán chặt băng dính vào miệng là để bạn phải thở hoàn toàn bằng mũi. Khi thở bằng miệng, bạn có thể sẽ bị khô miệng và cổ họng, điều này có thể dẫn đến việc ngủ ngáy, bệnh khô miệng hay một số vấn đề khác. Thở bằng mũi được cho giúp bạn cải thiện lượng oxy đưa vào, hỗ trợ tăng chất lượng giấc ngủ".
Nên dán băng dính lên miệng khi ngủ?
Đến nay, một số người cho rằng việc dán băng dính vào miệng có thể giúp giấc ngủ được sâu hơn, giảm thiểu việc ngáy cũng như các bệnh về răng miệng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Kahn, lý thuyết này chưa có cơ sở vững chắc.
"Những tuyên bố cho rằng việc bịt kín miệng có thể cải thiện hệ tiêu hóa, giảm bệnh nướu răng, cải thiện khung hàm phần lớn chỉ là truyền miệng và thiếu cơ sở xác thực để chứng minh", Kahn nhấn mạnh.
Trong báo cáo được công bố hồi tháng 7, Đại học Harvard thậm chí cho rằng việc dán băng dính lên miệng khi ngủ thậm chí còn có tác dụng ngược.
Việc chủ ý thở bằng mũi có thể mang lại nhiều lợi ích như lọc không khí tốt hơn, hạn chế lo lắng. Ảnh minh họa.
"Mạng xã hội tràn ngập những mẹo sức khỏe không có cơ sở khoa học và việc dán băng dính vào miệng là một trong những điều như thế. Mặc dù khi thức, việc chủ ý thở bằng mũi có thể mang lại nhiều lợi ích như lọc không khí tốt hơn, hạn chế lo lắng. Nhưng việc dán kín miệng khi ngủ có thể mang đến rủi ro, gây ra tình trạng khó thở, giấc ngủ bị gián đoạn hay kích ứng da.
Không có nghiên cứu khoa học nào ủng hộ biện pháp này. Trong một số trường hợp nhất định, việc dán kín băng dính khi ngủ có thể làm giảm nồng độ oxy của người áp dụng", báo cáo từ Đại học Harvard cho hay.
Chuyên gia Federico Cerrone đang làm việc tại Atlantic Health System thì dùng từ "đặc biệt nguy hiểm" để mô tả về việc dán băng dính vào miệng khi ngủ.
Kahn cũng đồng tình với kết luận đến từ Đại học Harvard. "Việc thở bằng mũi được cho mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe. Tuy nhiên, không có bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra việc dán băng dính vào miệng có thể mang đến những lợi ích tương tự", ông nhận định.
Kahn cũng chỉ ra "phần lớn nghiên cứu liên quan đến việc dán kín miệng bằng băng dính là dành cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Chúng ta gần như mù mờ về tác dụng của việc này với người bình thường".
Nếu bạn cảm thấy giấc ngủ có vấn đề hay thường bị khô miệng khi tỉnh dậy, Kahn khuyên hãy tìm đến bác sĩ chuyên ngành để tư vấn. Ông cũng cho biết việc sử dụng đồ uống chứa cồn có thể tạo ra tác động tiêu cực đến việc thở. "Hãy dừng uống đồ có cồn 3 tiếng trước khi đi ngủ", Kahn nói thêm.
Thùy Dung (T/h)