Tuyệt đối không đốt than sưởi ấm trong phòng kín
Theo chuyên gia, khi đốt các nhiên liệu chứa carbon như củi, than củi, than tổ ong, xăng dầu… ở trong không gian mở thoáng thì nhiên liệu cháy hết và cơ bản tạo ra khí CO2 ít ảnh hưởng sức khỏe, nhưng nếu đốt trong khu vực kín cửa, nhiên liệu cháy dở dang sinh ra khí CO lại là khí rất độc.
Ngạt khí CO trong quá trình đốt bếp than diễn ra rất từ từ, nạn nhân thường chìm vào giấc ngủ mà không biết là mình rơi vào tình trạng nguy hiểm, có thể mất mạng ngay sau đó. Ảnh minh họa
Đây một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng", không màu, không mùi, khiến cho cái chết đến nhanh hơn. Nạn nhân bị ngộ độc khí CO có thể có các dấu hiệu như nhức đầu, chóng mặt, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa, đau ngực, mất ý thức. Với những người đang ngủ hoặc say rượu, nạn nhân có thể tử vong mà không có biểu hiện nào.
Ngoài ra, sưởi ấm bằng than còn nguy hiểm hơn với người già và trẻ nhỏ, những người hệ hô hấp yếu, sức đề kháng kém. Đặt than trong nhà, phòng để sưởi cũng có thể gây hỏa hoạn, bỏng do cháy quần áo, chăn đệm.
Để phòng nguy cơ cháy nổ, tai nạn ngạt khí có thể xảy ra do việc sử dụng than để đốt sưởi không đảm bảo an toàn, Bộ Y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để đảm bảo thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng;
Khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu CO, thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam.
Nguy cơ bỏng từ thiết bị sưởi ấm mùa đông
GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cảnh báo, mùa đông, nhiều gia đình dùng các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi, chăn đệm sưởi…). Tuy nhiên, chúng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, giật, bỏng nếu không dùng đúng cách.
Không nên để các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi, nguy cơ bỏng và cháy cao. Ảnh minh họa
Các thiết bị sưởi điện cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng, gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng.
Chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần biết nguyên lý chung của các thiết bị ủ ấm (quạt, điều hòa) và phần lớn các thiết bị làm ấm là tỏa nhiệt, đốt cháy ô xy, làm mất độ ẩm trong không khí. Đặc biệt, trong thời tiết khô hanh như miền Bắc thì độ ẩm trong không khí càng thiếu. Vì vậy, nếu sử dụng thiết bị sưởi với công suất lớn trong phòng nhỏ, chỉ sau một thời gian ngắn hiện tượng khô da, nứt nẻ da sẽ xảy ra.
Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, do da còn mỏng nên sẽ bị căng, rát, rất khó chịu. Nếu sử dụng lâu trong điều kiện phòng chật, đóng kín cửa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp, làm viêm niêm mạc mũi, khô mũi và dễ dẫn tới chảy máu cam. Ngoài ra tia hồng ngoại từ các thiết bị sưởi có thể xiên vào cơ thể gây hại cho mắt, gáy, vùng đầu mặt cổ….
Để khắc phục tình trạng khô da, khi bật các thiết bị sưởi nên để chậu nước tạo độ ẩm cho không khí. Ngoài ra mọi người nên bôi kem giữ ẩm ban đêm, đặc biệt là với trẻ nhỏ, người già.
Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng tình trạng bị bỏng do quạt sưởi, lò sưởi, đèn sưởi cũng dễ xảy ra. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già; luôn phải có người bên cạnh trẻ, tránh để trẻ sờ vào gây bỏng. Đặc biệt để an toàn không bị điện giật khi sử dụng chăn điện, người sử dụng cần bật điện trước, khi chăn ấm thì tắt điện rồi mới dùng đắp, tuyệt đối không nên lạm dụng những sản phẩm này vì có thể bị mẩn ngứa, phát ban, thậm chí điện giật, theo Sức khỏe & Đời sống.
Các biểu hiện của cơ thể cần lưu ý
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chú ý các biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, tức ngực, khó chịu, tê bì chân tay... Khi có xuất hiện các triệu chứng cần lưu ý giữ ấm cơ thể ngay và đến cơ sở y tế kiểm tra sức khỏe;
Thời tiết lạnh gây tăng thêm gánh nặng cho tim do vậy với người bị bệnh tim, huyết áp nên khám và làm theo lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nên kiểm tra theo dõi huyết áp thường xuyên kể cả người trẻ, người chưa có tiền sử bệnh lý tim mạch, huyết áp;
Chú ý khi tiếp xúc kéo dài với nhiệt độ rất lạnh có thể gây giảm thân nhiệt, nhất là người già, gầy ốm, bị bệnh mãn tính, trẻ em suy dinh dưỡng, trẻ sơ sinh; Biểu hiện giảm thân nhiệt: run, kiệt sức, nhầm lẫn, mất trí nhớ, nói lơ và buồn ngủ... Ở trẻ sơ sinh có dấu hiệu da đỏ tươi hoặc da lạnh. Run rẩy là một dấu hiệu quan trọng đầu tiên cho thấy cơ thể đang mất nhiệt vì vậy cần phải sưởi ấm ngay;
Khi bị nhiễm lạnh xuất hiện ho, sốt cần đi khám bác sĩ để có chẩn đoán và điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc đặc biệt là thuốc kháng sinh để uống.
Thùy Dung (T/h)