Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện của những người “ngủ” cùng xác chết trong bệnh viện

(DS&PL) -

“Em ngủ sát với phòng tử thi, nhiều người còn hỏi ngủ như vậy trong nhà xác có mơ thấy ma bao giờ không, em bảo chẳng mơ thấy gì cả”.

“Em ngủ sát với phòng tử thi, nhiều người còn hỏi ngủ như vậy trong nhà xác có mơ thấy ma bao giờ không, em bảo chẳng mơ thấy gì cả”.

Phòng lưu tử thi. Ảnh: X.H

Hai người thanh niên còn khá trẻ, mặc chiếc áo xanh bảo hộ lao động, tay đeo găng cao su đang cẩn thận kê lại các hòm inox màu xám đem, hình chữ nhật dùng để chứa thi thể của những người bệnh xấu số trong nhà lưu xác rộng khoảng 50m2. Họ là những nhân viên làm việc tại nhà xác của Bệnh viện hữu nghị Việt Đức Hà Nội.

Khu nhà xác còn gọi là khu đại thể của Bệnh viện Việt Đức cùng nằm trong tòa nhà làm việc của Khoa Giải phẫu bệnh – pháp y của bệnh viện rộng khoảng hơn 200m, gồm phòng lạnh (để bảo quản thi thể), phòng lưu xác, phòng mổ xác và phòng tổ chức tang lễ cho những người xấu số.

Theo chân anh Nguyễn Việt Dũng (36 tuổi, quê Hà Nội), cán sự khoa giải phẫu, người có thâm niên làm việc tại nhà xác đã 18 năm, mặc dù trong những căn phòng điện được bật sáng nhưng cảm giác ớn lạnh, khiến những người như tôi lần đầu tiên bước vào khu vực này không khỏi rùng mình, nổi da gà bởi màu đen của những chiếc hòm chứa tử thi được để trên dãy kệ inox.

Trong phòng lưu xác, bên cạnh 6 chiếc hòm hình chữ nhật bằng inox màu xám dùng để chứa những thi thể của những bệnh nhân xấu số là chiếc bàn nhỏ có để 1 bát hương dùng để thắp cho hương hồn tử thi.

“Anh không có gì phải sợ đâu, hãy coi những tử thi ở nhà xác như những người bình thường đang ngủ thì anh sẽ không còn cảm giác sợ hãi nữa, có điều họ ngủ không bao giờ dậy thôi”, anh Dũng nói để động viên tôi.

Liền kề với phòng lưu xác là phòng dùng để mổ tử thi phục vụ cho việc giám định pháp y, cả 3 chiếc bàn inox đều trống rỗng. “Hôm nay không có trường hợp mổ tử thi nào cả”, anh Dũng nói.

Theo anh Dũng thì đối với những trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, đánh nhau hoặc liên quan đến pháp luật sẽ được cơ quan chức năng đưa vào đây để khoa mổ, giám định pháp y nguyên nhân tử vong cho các cơ quan chức năng.

Đối diện phòng mổ tử thi là căn phòng lạnh dùng để “ướp xác”, gồm 4 ngăn. Theo anh Dũng, khi thân nhân của người chết vì lý do riêng của gia đình có yêu cầu bảo quản tử thi vài ba ngày chờ làm tang lễ, nhà xác sẽ lưu giữ tử thi vào đó.

Ngăn lạnh dùng để bảo quản tử thi. Ảnh: X.H

“Em làm việc ở nhà xác đến nay đã tròn 18 năm, lương, phụ cấp cũng chỉ được khoảng 6 triệu đồng/tháng, khi mới vào làm cũng có chút sợ hãi, nhưng sau quen dần, có nhiều trường hợp người chết do bị tai nạn giao thông khi được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp, thi thể không còn nguyên vẹn ngay cả người thân của tử thi cũng sợ hãi, những trường hợp này khi tiếp nhận, lau rửa rồi “trang điểm” cho họ rất khó khăn”, Dũng kể lại.

Chỉ sang căn phòng mổ tử thi, anh Dũng nói: “Có nhiều trường hợp khi công an đưa tử thi đang trong giai đoạn phân hủy vào trong nhà xác để chờ giám định pháp y thì mùi của tử thi rất kinh khủng, khi tiếp nhận, lau rửa rất khó khăn. Có trường hợp anh em nhân viên không trang điểm nổi vì tử thi đã phân hủy.  Những hôm như vậy, sau khi tắm rửa vài lần mà cảm giác mùi khó chịu vẫn không hết”.

Người làm việc có thâm niên ít nhất của nhà xác là anh Quách Đức Chính (30 tuổi) quê ở Hà Nội. Giống như Dũng, Chính cũng đã có vợ và 2 con. Vừa lau chùi ngăn chứa tử thi trong phòng lạnh, Chính vừa kể: “Em làm ở đây mới được 8 tháng, lương được 3,1 triệu đồng/tháng, mới đầu vào làm thì cũng hơi sợ nhưng được các anh ở đây động viên rồi quen dần, hôm nào làm đêm thì ngủ sát phòng mổ tử thi, nhiều người trong gia đình em cứ hỏi có mơ thấy ma không, em bảo chẳng thấy gì cả, công việc của mình như vậy mà”.

Anh Dũng còn cho hay, làm việc tại nhà xác gồm có 7 anh em, người có thâm niên làm việc lâu nhất đến nay đã 40 năm, người ít thì 8 tháng, một ngày làm việc ở nhà xác được chia thành 3 ca, mỗi ca làm việc 8 tiếng. Có ngày nhà xác tiếp nhận đến 3 tử thi, cũng có ngày bệnh viện không có ca nào tử vong, nhiều đêm nhà xác tiếp nhận đến 2 - 3 trường hợp tử vong.

“Ở đây, sau khi tiếp nhận tử thi nhân viên nhà xác sẽ thực hiện các công việc từ lau rửa, thay quần áo rồi trang điểm cho khuôn mặt tử thi hồng hào như người đang ngủ, chọn áo quan, tổ chức tang lễ tại nhà xác tùy theo yêu cầu của từng gia đình, đối với những tử thi không có người nhận, sau khi công an làm các thủ tục pháp lý xong thì chúng tôi cũng phải làm như vậy”, anh Dũng cho hay.

Bác sỹ Phạm Kim Bình, Trưởng khoa Giải phẫu – pháp y, Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho biết: "Công việc tại nhà xác rất vất vả, lương thấp, dễ bị phơi nhiễm đối với các tử thi bị HIV/AIDS, nhiều tử thi khi công an đưa đến nhà xác để làm giám định pháp y đang trong giai đoạn phân hủy bốc mùi nồng nặc, tử thi bị biến dạng hoàn toàn do tai nạn giao thông...những vẫn được anh em làm việc tại đây làm việc cẩn thận chu đáo. Tuy nhiên, khi làm công việc này anh em cũng có chút mặc cảm với nghề nghiệp của mình, nhiều người còn không dám kể mình làm công việc gì ở bệnh viện giấu gia đình, thậm chí giấu cả vợ con nhưng trong công việc rất tận tình và làm rất có trách nhiệm".

Linh Chi (theo Infonet)

 

Tin nổi bật