Chuyển công tác hơn 9.000 cán bộ
Sáng ngày 11/7 Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Thanh tra.
Tại hội nghị, ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) đọc báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ của ngành trong 6 tháng tới.
Theo ông Huẩn, 6 tháng qua, Toàn ngành đã triển khai gần 4.000 cuộc thanh tra hành chính và hơn 58 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 92.000 tỷ đồng và hơn 292 ha đất. Trong đó kiến nghị thu hồi 59.000 tỷ đồng và gần 25 ha đất.
Ông Đặng Công Huẩn – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đọc báo cáo trước hội nghị.
Toàn ngành cũng đã ban hành gần 50.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 800 tập thể và hơn 3.800 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 94 vụ với 73 đối tượng…
Công tác phòng, chống tham nhũng được TTCP xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục. Theo báo cáo, trong 6 tháng qua, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 9.336 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Qua công tác thanh tra phát hiện 19 vụ việc tham nhũng (giảm 61,2%), 29 người (giảm 59,7%). Bên cạnh đó, có hơn 2.500 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập. Trong đó có 4 trường hợp bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, công tác thanh tra xác định 15 trường hợp thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Hiện những trường hợp vi phạm đã xử lý kỷ luật…
Bên cạnh đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thẳng thẳng chỉ ra những bất cập còn tồn tại trong công tác thanh tra. Trong đó, có việc phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức.
"Rất ít vụ việc được phát hiện qua kiểm tra nội bộ, việc triển khai nhiệm vụ còn chậm so với kế hoạch", ông Huẩn nói.
Trách nhiệm người đứng đầu khi giải quyết đơn thư, tố cáo
Phát biểu tham luận nâng cao công tác thanh tra, nhiều ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương cho biết, công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo còn diễn ra nhiều. Trong đó, tập trung phần lớn trong lĩnh vực đất đai.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, công tác thanh tra xác minh thu nhập, tài sản cá nhân của cán bộ còn nhiều khó khăn, phức tạp.
Cụ thể, Thiếu tướng Tạ Quang Huy - Phó Chánh thanh tra Bộ Công an cho biết, việc kê khai, xác minh tài sản còn nhiều khó khăn. Nếu cán bộ cố tình giấu giếm sẽ rất khó để truy đến cùng. Trong khi đó, hiện nay còn tình trạng chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật hình sự và Luật phòng chống tham nhũng, dẫn đến khó xác định vi phạm.
Thiếu tướng Tạ Quang Huy - Phó Chánh thanh tra Bộ Công an phát biểu.
"Tình hình lợi dụng dân chủ để gửi đơn thư đến nhiều đơn vị ngày càng tinh vi. Tôi đề nghị sớm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát thu nhập, phần mềm quản lý dữ liệu xử lý đơn thư", Thiếu tướng Huy đề nghị và cho rằng, khi triển khai được cơ sở dữ liệu sẽ tránh bị các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ để gửi đơn thư vượt cấp, tới nhiều đơn vị, giúp công tác giải quyết được tập trung và hiệu quả hơn.
Về công tác phòng chống tham nhũng, ông Huy cho rằng cốt lõi là yếu tố con người vì đối tượng tham nhũng cũng là đảng viên, chủ thể thực hiện phòng chống tham nhũng cũng là đảng viên.
"Tôi cho rằng, cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao ý thức và nhận thức của mỗi cán bộ. Đặc biệt, Bộ Chính trị cũng ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới", ông Huy nêu ý kiến.
Các đại biểu dự hội nghị.
Trong khi đó, đại diện Thanh tra tỉnh Bình Định cho biết, tình hình đơn thư phức tạp, kéo dài tập trung vào lĩnh vực đất đai, riêng Bình Định là trên 80%. Nguyên nhân, khi Nhà nước thu hồi dự án nhưng người dân sợ ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, cùng với đó nhiều dự án kéo dài tạo sự so bì về số tiền bồi thường.
"Do đó, người đứng đầu các cấp phải thực hiện tốt công tác tiếp công dân. Đặc biệt chú trọng tiếp công dân tại cơ sở, tạo được sự đồng thuận của người dân", vị đại diện ý kiến.
Để giải quyết hiệu quả vấn đề trên, tỉnh Bình Định đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tuy nhiên, quá trình giải quyết phải đi đôi giữa dân chủ với kỷ cương, tránh việc lợi dụng dân chủ để chống đối, chống người thi hành công vụ.
Đại diện TTCP đồng tình với những khó khăn các đại biểu nêu, đồng thời cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra, nhất là thực hiện nghiêm Quy định số 131-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng.
Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đại diện TTCP cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Tiếp công an, Luật Tố cáo... và tổ chức mô hình tiếp công dân trực tuyến.
Bên cạnh đó, TTCP sẽ phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam tư vấn miễn phí cho công dân tại Trụ sở Tiếp công dân trung ương; nghiêm túc thực hiện chế độ tiếp công dân định kỳ và đột xuất, công khai lịch tiếp công dân trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan…