Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện chưa kể về cuộc đời người liệt sỹ gửi 30 bức thư về cho vợ

(DS&PL) -

Giữa mưa bom ở chiến trường, người lính trẻ vẫn miệt mài viết từng bức thư gửi về hậu phương, nói về tình yêu của mình với vợ và nỗi nhớ con khôn nguôi…

Giữa mưa bom ở chiến trường, người lính trẻ vẫn miệt mài viết từng bức thư gửi về hậu phương, nói về tình yêu của mình với vợ và nỗi nhớ con khôn nguôi…

30 bức thư của liệt sỹ còn nguyên vẹn trong hòm đạn

Trong những ngày cả nước tổ chức nhiều hoạt động tri ân nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7, bà Phan Thị Bé (SN 1933), trú tại nhà 144, đường Ngư Hải, phường Lê Mao, TP.Vinh, tỉnh , lại lặng lẽ mở những bức thư của chồng để đọc lại.

Có bức thư đã rách nát, có bức đã ngả màu do thời gian, nhưng tất cả vẫn được bà nâng niu, gìn giữ bằng cả tính mạng, bởi đây là di vật quý giá nhất của chồng gửi cho bà.

Bà Phan Thị Bé kể lại lần gặp chồng đầu tiên.

Bà kể, chồng bà là Phan Huy Chương (SN 1933), xóm 1, quê xã Đức Sơn, huyện Đức Thọ, huyện Hà Tĩnh. Năm 1949, lúc đó chồng bà mới 16 tuổi đã xung phong vào bộ đội để đánh Pháp, cho đến năm 1954 trong một lần về thăm nhà thì hai ông bà mới gặp nhau.

“Vì sự khốc liệt của chiến tranh nên gia đình của ông ấy đã bị chết hết, chỉ còn một người anh đang đi dân công cùng với tôi. Trong thời gian ông ấy đến gặp anh, thấy chúng tôi cùng tuổi nên người anh ra sức giới thiệu. Nhìn ông ấy hiền lành, gia đình cũng giống như mình nên cũng thương”, bà Bé kể.

Vào thời điểm đó, bà Bé nổi tiếng vì xinh đẹp, có nhiều anh bộ đội, thanh niên xung phong ngấp nghé, tán tỉnh. Tuy nhiên, do gia đình khó khăn, bố chẳng may mất sớm, một mình mẹ tần tảo nuôi các con, vì vậy bà Bé quyết tâm ở vậy giúp mẹ chăm sóc các em. Nhưng duyên số chẳng ngờ, lần đầu gặp anh bộ đội lém lỉnh thì bà đã đem lòng yêu mến. Năm 1957, hai người tổ chức đám cưới trong sự hân hoan của mọi người.

Do trước đó đang học dở, nên vào năm 1959, ông Chương được đơn vị cử về khoa Toán, trường đại học Vinh để hoàn thành việc học. Năm 1962, ông về dạy tại trường Văn hóa Quân khu 4. Đây là những năm hạnh phúc nhất cuộc đời bà Bé khi có chồng ở bên và lần lượt sinh hạ được 3 người con gái. Tuy nhiên, cuộc chiến ngày càng khốc liệt, mặc dù ông được cử sang Liên Xô (cũ) để học, nhưng đã ở lại và viết đơn xin ra chiến trường.

Ông tham gia vào Tiểu đoàn pháo cao xạ 16, Binh trạm 8, sau này chuyển thành Binh trạm 32, thuộc Đoàn 559, chiến đấu tại Km 18, phía Nam bến phà Bạc, thuộc tỉnh SêKông Lào. Đơn vị của ông có nhiệm vụ bảo vệ an toàn con đường giao thông huyết mạch dọc tuyến biên giới Việt - Lào.

Những bức thư đã ngả màu do thời gian nhưng bà Bé vẫn giữ bằng cả tính mạng

Bà Bé nhớ lại: “Ông đi chiến đấu chẳng cho tôi biết đâu, vì sợ tôi lo lắng, nhưng làm vợ mà chồng đi đâu sao lại không biết được chứ. Dù trong lòng không muốn nhưng tôi không thể nào ngăn cản được. Tổ quốc cần anh, các đồng đội đang đợi anh, điều tôi có thể làm chỉ là động viên anh cố gắng. Tôi ở nhà sẽ cố gắng nuôi dạy con tốt, trở thành hậu phương vững chắc chờ anh về”.

Bà Bé kể ngắn gọn, bởi đối với bà bây giờ tất cả đã trở thành quá khứ, nhưng vào thời gian ấy không nói hết được những khó khăn, vất vả. Hiểu được nỗi khổ của vợ, ròng rã 5 năm (1963 – 1967) chỉ cần có thời gian rảnh rỗi thì ông lại tìm một góc vắng viết thư gửi về. Bà không biết có bao nhiêu bức thư đã thất lạc, nhưng mỗi lá thư bà nhận được đều bỏ vào hòm đạn cất giữ, sau khi hay tin ông hi sinh đưa ra kiểm tra thì tròn 30 bức thư.

“Mỗi khi nhớ ông thì tôi đều đưa ra đọc. Nội dung chẳng có gì đặc biệt, ông toàn nói về tôi, về tình cảm vợ chồng, về nỗi nhớ các con, ông khuyên tôi học thêm và cho các con đến trường, rất ít khi nói mình đang ở đâu. Có một số lá thư thì kể nơi ông ở mùa hè thiếu nước, mùa mưa thì thối đất, suốt ngày ăn toàn măng nên gia đình mới đoán ông ở Lào”, bà Bé cho biết, có những lúc nửa năm mới về một lá, nhưng cũng có khi tuần trước vừa thấy tuần này thư lại về.

Bà không viết lại bức nào, một phần vì trình độ có hạn, phần nữa cũng vì lo làm ăn nuôi các con. Nhưng mỗi lần nhận được thư của chồng là mỗi lần bà có thêm động lực để vượt lên cuộc sống hằng ngày, xoa dịu những ấm ức khi một mình phải mang 3 con đi tránh bom đạn trong khi gia đình khác có chồng ở bên.

Những năm tháng đằng đẵng tìm thi hài chồng

Tháng 11/1967, ông Phan Huy Chương hi sinh, nhưng đến mãi tháng 3/1968 thì mới có giấy báo tử gửi về, chỉ vẻn vẹn ghi: “Hy sinh 24/11/1967, ở tại mặt trận phía Tây, trong trường hợp chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Phần mộ được mai táng tại nghĩa trang đơn vị”. Đau đớn nhận được tin, bà Phan Thị Bé nằm liệt giường mấy ngày liền chẳng ăn uống gì, vào lúc đó bà chỉ mới 35 tuổi.

Mỗi lần mệt mỏi, bà lại đưa thư ra đọc để tiếp thêm sức mạnh vượt qua sự khó khăn của cuộc sống

“Lúc đó tôi cứ nghĩ cuộc đời của mình thế là hết, nhưng nhìn 3 người con thơ, đứa đầu cũng chỉ mới có 10 tuổi là tôi phải gắng gượng dậy, nếu tôi chẳng may có mệnh hệ gì thì các con tôi phải làm sao. Cứ thế mẹ con nương tựa vào nhau mà sống, may mà các con đều ngoan ngoãn, học giỏi, không để mẹ phiền lòng nên cũng đỡ đần được phần nào cho tôi”, bà Bé nhớ lại, mặc dù còn trẻ nhưng gánh nặng gia đình trên vai thực sự quá sức đối với bà.

Nhưng khi thấy mệt mỏi, bà lại đưa những lá thư chồng gửi ra đọc, mặc dù mỗi lần như vậy nước mắt của bà cứ trào ra, nhưng bà lại cảm thấy tiếp thêm được sức mạnh để tiếp tục sống.

Các con dần dần khôn lớn cũng là lúc bà bắt đầu thực hiện mong ước khi nhận tin ông hi sinh, đó là mang hài cốt của ông trở về với gia đình, với quê hương. Nhưng lúc ông làm nhiệm vụ không nói cho bà biết ở đâu, vì thế bà đành mang ba lô tìm dọc dãy Trường Sơn, cả mảnh đất miền Trung sỏi đá in hằn dấu chân bà đi tìm chồng. Thậm chí đến lúc lưng đã mỏi, tóc đã bạc nhưng bà vẫn cùng các con lặn lội sang gần nước bạn Lào.

Qua bức thư, bà muốn con cháu đọc để hiểu ông là một người lính quả cảm của đất nước.

“Đồng đội của ông cũng đã hi sinh tất cả trong trận chiến đó, vì thế chẳng để lại một chút tin tức nào. Nhưng cứ nghĩ ông đang nằm ở đâu đó một mình nơi hoang vắng là tôi lại cố gắng không bỏ cuộc. Vì máu thịt của ông đã hòa với đất trời, nên sau đó chúng tôi đến nơi chiến trường cũ, bốc lấy một nắm đất cũng như ông đã về với gia đình”, bà Bé kể.

Bà đã gần đất xa trời sống cũng chẳng được mấy năm nữa thì sẽ gặp lại ông, vì vậy bà gấp cẩn thận những trang thư rồi để chúng trong hộp. Bà muốn qua những bức thư này con cháu hiểu thêm về ông, một người lính quả cảm của đất nước và cũng là một người chồng, người cha tuyệt vời của gia đình.

Anh Ngọc

Tin nổi bật