Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyện 3 bố con tìm thấy nẻo hoàn lương trong cùng một trại giam

(DS&PL) -

Ba bố con cùng phạm tội giết người. Phút nông nổi đã khiến cả gia đình này trả giá quá đắt, ba bố con phải vào tù, gia đình tan nát.

Ba bố con cùng phạm tội giết người. Phút nông nổi đã khiến cả gia đình này trả giá quá đắt, ba bố con phải vào tù, gia đình tan nát. Bị bắt, bị kết án, tưởng cuộc đời đã chấm hết, nhưng nhờ Ban Giám thị, cán bộ quản giáo trại giam Thanh Lâm động viên, giúp đỡ, cả ba bố con đã thức tỉnh, cố gắng sửa chữa lỗi lầm...

Ba bố con mà tôi nói đến là Nguyễn Văn Phong, 44 tuổi và hai con trai là Nguyễn Văn Đào, 24 tuổi  và Nguyễn Văn Thạch, 22 tuổi, đều trú tại thôn Chiều, xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, Nam Định. Cả gia đình Phong bao đời nay chỉ biết đến đồng ruộng, cây lúa, cây ngô. Đào và Thạch là thanh niên mới lớn, học hành không giỏi giang, hay theo chúng bạn nghịch ngợm nhưng cũng chưa vi phạm pháp luật bao giờ.

Ấy thế mà chỉ một phút nông nổi, cả 3 vướng vào vòng lao lí. Vụ án xảy ra vào đêm giao thừa năm 2011. Lúc đó, Phong đang ở nhà chuẩn bị đón giao thừa, Đào đi chơi còn Thạch cùng một số bạn đứng  ngoài đường đợi thời khắc đón năm mới. Đang tán chuyện thì Thạch và mấy đứa bạn thấy Dương Tiến Thành và Lê Thế Tùng, trú ở thôn Hoàng, cùng xã đi xe máy từ nhà bạn gái ra. Thấy nhóm của Thạch, Tùng và Thành chạy xe máy sát lại gần rồi rồ ga.

Thạch liền chửi bâng quơ một câu, không ngờ Tùng và Thành quay xe máy lại, Thành nhảy xuống đất tát Thạch. Thạch rút dao trong túi ra đâm vào bụng Thành nhưng không trúng. Thành bảo Tùng: “Mày lấy cho tao trong cốp ra”. Nghe vậy, Thạch sợ, đe: “Chúng mày nhớ mặt tao, chờ tao ở đây”, rồi bỏ chạy về nhà.

3 bố con Nguyễn Văn Phong, Nguyễn Văn Đào và Nguyễn Văn Thạch đang lao động, cải tạo.

Về phía Thành và Tùng, sau khi Thạch bỏ đi cũng lên xe về nhà. Trên đường về, cả hai gặp thêm 4 đứa bạn nữa nên rủ sang thôn Chiều đánh nhau. Cả nhóm đồng ý, nhổ thêm 1 cây gậy rồi hùng hổ sang thôn Chiều. Cùng thời gian trên, Thạch chạy về nhà lấy dao rựa, gọi điện cho anh trai là Nguyễn Văn Đào thông báo việc bị đánh rồi chạy ra “điểm hẹn”. Nghe điện, Đào gọi thêm vài người bạn nữa, cùng ra chỗ Thạch đang đứng, đưa dao cho đồng bọn, còn mình cầm tô vít. Đến khoảng 22h cùng ngày thì Tùng, Thành và nhóm thanh niên thôn Hoàng đến “điểm hẹn”, hai bên đã đánh nhau túi bụi. Thạch cầm dao xông vào đuổi chém Tùng.

Về phía Đào cũng cùng đồng bọn đánh nhóm thanh niên thôn Hoàng, thấy mình bị yếu thế, liền gọi điện cho bố. Thấy có bố của Đào và Thạch ra bênh, nhóm thanh niên thôn Chiều ỷ thế mạnh liền quây đến đánh Tùng khiến nạn nhân bị ngã vào bụi dứa. Đào xông đến định đạp vào người Tùng nhưng bị trượt nên đè lên người Tùng, dùng dao đâm  nạn nhân.

Sau khi Tùng gục xuống, nhóm thanh niên thôn Chiều lại nhìn thấy Phạm Tuấn Nghị (ở thôn Hoàng) nên đuổi đánh Nghị khiến nạn nhân bị ngã ra đường liền bị các đối tượng đánh, đâm khiến Nghị bị thương nặng. Dù vậy, Nguyễn Văn Phong và Nguyễn Văn Đào vẫn tiếp tục đánh Nghị khiến nạn nhân phải nhảy xuống ao, Phong không tha, nhảy theo đánh và dìm Nghị sau đó bắt Nghị lên bờ xin lỗi và nhặt dép cho mình. Ngoài ra, Phong còn dùng chai thủy tinh đập vào đầu của nạn nhân Đào Anh Thế. Sau đó, Công an xã Minh Tân đã đến can thiệp, giải tán đám đông, cứu được Phạm Tuấn Nghị về trụ sở.

Kết thúc vụ án, 9 đối tượng bị truy tố trong đó có 3 đối tượng “đầu vụ” phạm tội “giết người” là bố con Nguyễn Văn Phong, các đối tượng còn lại phạm tội cố ý gây thương tích và gây rối TTCC. Đào trực tiếp gây ra cái chết của anh Tùng nên bị tuyên án 11 năm tù, Thạch bị mức án 7 năm còn Phong bị tuyên án 6 năm tù.

Thế là, chỉ một phút nóng giận, cả ba bố con Phong đã trả giá quá đắt, gia đình tan nát, tiền bạc cạn kiệt vì phải bồi thường cho nạn nhân. Chính vì vậy, khi đi thi hành án ở Trại giam Thanh Lâm, cả 3 bố con đều chán nản, lo lắng vì mức án dài, không biết bao giờ mới được trở về. Hiểu được điều đó, Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm đã trực tiếp gặp Nguyễn Văn Phong động viên, giáo dục, ổn định tư tưởng. Đặc biệt, trong các ngày, lễ, tết, Ban Giám thị đã tạo điều kiện cho bố con Phong được gặp nhau, động viên nhau cải tạo.

Hiểu được rằng, chỉ có cải tạo thật tốt mới xóa được lỗi lầm nên Phong đã khuyên các con chấp hành nghiêm nội quy, chăm chỉ học tập, làm việc. Trước đây ở nhà, thi thoảng Phong đi làm thợ xây nên đã được các cán bộ xếp lao động ở đội này. Phát huy được khả năng của mình, Phong làm rất tốt. Còn Nguyễn Văn Đào – mức án nặng nhất lại khéo tay nên được xếp vào đội làm mộc.

Những khúc gỗ qua tay Đào đều trở thành những hàng thủ công có giá trị. Biết mình nặng tội, Đào luôn cố gắng dùng hết khả năng của mình cho những sản phẩm mình làm ra. Nhờ đó, mới cải tạo được hơn 4 năm, Đào đã đủ điều kiện được đề nghị đặc xá. Còn Thạch, lúc ở nhà cũng chưa biết làm việc gì nhưng từ khi vào trại, cũng chăm chỉ làm việc. Công việc ở tổ đan phên khá đơn giản, không cần trí tuệ nhiều lại được làm việc ngoài trời nên rất phù hợp với bản tính phóng khoáng của đối tượng này. Cũng vì thế, Thạch luôn được xếp loại cải tạo khá, được giảm án và lần này được đề nghị đặc xá.

Nguyễn Văn Phong cho biết: “Từ khi đến Trại giam Thanh Lâm chấp hành án, tôi đã được học tập về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với người phạm tội, và được trang bị những kỹ năng sống cần thiết trong quá trình chấp hành án tại trại. Khi về đây tôi đã cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp đầy tình người mà Ban giám thị cùng Hội đồng cán bộ nơi đây dành cho tôi, cán bộ đã luôn bên cạnh động viên tôi an tâm tư tưởng cải tạo, tạo điều kiện cho tôi được thăm gặp gia đình, được lao động công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực của bản thân. Chính vì vậy mà tôi luôn cảm thấy biết ơn những người thầy nơi đây, luôn tự nhủ mình phải cố gắng cải tạo tốt để sớm được trở về làm lại cuộc đời, trở thành người công dân có ích. Lần này cả ba bố con chúng tôi đều may mắn được hưởng chính sách đặc xá của nhà nước, tôi xin hứa trở về địa phương bố con chúng tôi sẽ chấp hành tốt pháp luật những quy định của địa phương. Tôi sẽ phấn đấu để trở thành một người cha tốt, làm tấm gương cho các con học tập, giáo dục dạy bảo các con để trở thành những công dân có ích cho gia đình và xã hội.”

Nhìn ánh mắt của Phong, tôi hiểu, Phong đã thực sự ăn năn để làm lại cuộc đời…

Theo báo Công an Nhân dân

[mecloud]GzXMpZNnMW[/mecloud]

Tin nổi bật