“Chuồng trâu” đào tiền ảo đang mọc lên khắp nơi ngay tại nhà dân, trong tiệm Internet và ngay trong khu công nghiệp trên địa bàn.
Theo quan sát của phóng viên Tiền phong, “chuồng trâu” cày tiền ảo tại một kho hàng hóa nằm trong một khu công nghiệp gần quốc lộ 1A, TP.HCM có diện tích khoảng 100 m², có khả năng chứa được khoảng 1.000 máy đào tiền ảo nhưng hiện tại mới lắp đặt khoảng 500 máy, phần còn lại đang được tiếp tục thi công.
Việc lắp đặt các máy đào cũng khá đơn giản, tương tự như lắp đặt máy tính để bàn. Nhiều máy đào chỉ cần kết nối với một màn hình máy tính, sau khi cài đặt phần mềm thì máy hoạt động, trong vòng 24 giờ tiền mã hóa được đào sẽ chảy về ví điện tử của thợ đào. Mỗi “chuồng trâu” thông thường chỉ cần một người quản lý, giám sát.
“Đây là chuồng cho thuê chỗ trâu cày của ông M. một đại gia trong giới đào tiền ảo. Việc cho thuê chỗ đặt máy đào lợi nhuận cao hơn nhiều so với đầu tư làm chỗ cho thuê ô tô. Bởi giá thuê chỗ để lắp mỗi trâu cày bitcoin lên đến 2,5 triệu đồng/tháng” - một thợ đào bitcoin và là người chuyên cung cấp, lắp đặt máy đào tại TP.HCM cho biết.
Dù Bitcoin chưa được xem là tiền tệ, tài sản hợp pháp ở Việt Nam, cơn sốt nhập máy tính "khủng" đào tiền ảo vẫn đang nở rộ. Ảnh minh họa |
Theo tìm hiểu, máy đào tiền ảo chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc. Giá trị thực mỗi máy đào nhập khẩu về Việt Nam chỉ khoảng 20-25 triệu đồng nhưng bán ra thị trường vào thời gian đầu năm 2016 đã lên 35-40 triệu đồng/máy. Đến giữa năm 2017 khi giá trị đồng bitcoin tăng mạnh đẩy giá máy đào tăng lên 45-60 triệu đồng/máy và hiện tại dù giá đồng bitcoin giảm nhưng giá máy đào vẫn tăng lên 80-90 triệu đồng/máy.
Tuy nhiên, nhiều người đầu tư mua trâu khi chưa hiểu rõ về tiền ảo, máy hư hỏng cũng như quá trình đào phức tạp nên thường chỉ sử dụng được vài tháng. Hơn nữa, ngoài phí đầu tư ban đầu cao, máy tiêu thụ tiền điện khá lớn.
Trước đó, tại Hà Nội, theo ghi nhận của Vietnamnet, trong căn phòng rộng hơn 15 m2, sức nóng tỏa ra rất lớn do dàn máy chạy liên tục, cùng với đó là tiếng ồn phát ra, ni đầu tư phải chuẩn bị hệ thống quạt để làm mát dàn máy, thậm chí vào mùa hè phải lắp thêm điều hòa, tản nhiệt. Do vậy, lượng điện tiêu thụ hàng tháng là rất lớn. Đối với mỗi dàn gần 10 máy, lượng điện tiêu thụ mỗi tháng gần mức 20 triệu đồng.
Chia sẻ với phóng viên Vietnamnet, nhóm đầu tư dàn máy này cho biết khởi chạy từ đầu tháng 10, đến nay đã thu hồi được gần 1 nửa số vốn (tương đương 400 triệu đồng). Dự kiến khoảng 6 tháng kể từ khi lắp đặt, người đầu tư sẽ thu hồi vốn và sinh lời ở những tháng tiếp theo.
Hiện ở Việt Nam, các nhà đầu tư tìm lợi nhuận với Bitcoin qua hai hình thức, một là lướt sóng, mua đi bán lại (thông qua sàn giao dịch) hoặc đầu tư mua "trâu cày" - những dàn máy tính có cấu hình mạnh để đào Bitcoin. Thực tế Bitcoin chưa được xem là hợp pháp nhưng máy tính lại không phải mặt hàng cấm nhập hoặc nhập khẩu có điều kiện. Vì vậy Tổng cục Hải quan cũng đang lúng túng không biết đúng hay sai khi cho doanh nghiệp nhập dàn máy tính lô lớn về Việt Nam để "đào" Bitcoin.
Được biết, trao đổi với VnExpress, nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước khẳng định đến nay vẫn bảo lưu quan điểm không công nhận loại tiền ảo, trong đó có Bitcoin, là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, xu hướng “đào” và đầu tư vào các loại tiền ảo Bitcoin, Linecoin, Ethereum... vẫn gia tăng gần đây, đặc biệt sau khi có thông tin Chính phủ phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử.
Ngân hàng Nhà nước cũng từng khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ và giao dịch liên quan đến Bitcoin cũng như các loại tiền ảo tương tự khác. Theo đó, Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.
Vũ Đậu (T/h)