Theo nhận định của luật sư, người lao động cần nhanh chóng khởi kiện, yêu cầu chuỗi nhà hàng Món Huế thanh toán nợ tại tòa án có thẩm quyền.
Chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa tại TP.HCM và Hà Nội. |
Trong những ngày gần đây, dư luận xôn xao vì thông tin chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đóng cửa tại TP.HCM và Hà Nội.
Theo thông tin trên báo Zing.vn, chuỗi nhà hàng Món Huế đang nợ tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng từ 28 nhà cung cấp.
Dưới góc độ pháp lý, trả lời PV báo Đời Sống & Pháp Luật, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật nhận định, trong kinh doanh thì việc làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản là chuyện không ai muốn. Cuộc đời có lúc thăng, lúc trầm và một doanh nghiệp cũng thế.
Trong vụ việc này chúng ta cần chia ra làm các trường hợp là: Có hay không việc doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản và có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
"Với thông tin hiện tại thì pháp nhân sở hữu chuỗi nhà hàng Món Huế vẫn đang tồn tại. Việc công ty đóng cửa hàng loạt cửa hàng hay tiếp tục kinh doanh là quyền của họ", luật sư Diệp Năng Bình cho hay.
Giữa chuỗi nhà hàng món Huế với các bên là mối quan hệ hợp đồng giữa pháp nhân với các nhà cung cấp, người lao động. Nếu họ nợ tiền nhà cung cấp, nợ lương người lao động,… thì đây vẫn là quan hệ pháp luật dân sự. Pháp nhân vẫn đang tồn tại và có thể vẫn còn có tài sản.
Do đó, chủ nợ, nhà cung cấp, người lao động cần nhanh chóng khởi kiện, yêu cầu thanh toán nợ tại tòa án có thẩm quyền. Trong quá trình khởi kiện, có thể yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo đảm cho khả năng thi hành án.
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Bên cạnh đó, luật sư Bình cũng cho rằng, nếu nguyên nhân nhà hàng này đóng cửa bắt nguồn từ việc mất khả năng thanh toán có những khoản nợ quá hạn thanh toán từ 3 tháng trở lên do tình trạng kinh doanh sa sút thì các chủ nợ có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH Món Huế, đề nghị tuyên bố phá sản theo Luật Phá sản 2014.
Theo Luật phá sản 2014, các tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế sẽ phân chia theo thứ tự sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
Tiếp đó sẽ đến khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; Khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Lúc đó, việc các chủ nợ đòi được tiền hay không, đòi được bao nhiêu... sẽ phụ thuộc vào số tài sản còn lại của nhà hàng Món Huế.
Trong một trường hợp khác, theo ông Bình, nếu các chủ nợ có bằng chứng, chứng minh được các cá nhân cụ thể có dấu hiệu nhân danh nhà hàng Món Huế để chiếm đoạt tài sản thì lúc này, vụ việc có dấu hiệu hình sự, các chủ nợ có thể tố cáo các cá nhân đó ra cơ quan công an.
Cụ thể, Công ty TNHH Món Huế vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Hoặc vay, mượn, thuê tài sản của người khác; nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản thì chủ doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Thủy Tiên (T/h)