Thay đổi để thích ứng
ĐS&PL: Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, ông đánh giá bức tranh kinh tế sau giãn cách xã hội sẽ như thế nào? Trên thị trường, ngành nghề nào sẽ phát triển và ngành nghề nào sẽ gặp khó khăn?
Ông Mạc Quốc Anh: Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn với các doanh nghiệp của Việt Nam khi đại dịch COVID-19 bùng phát, lây lan trên nhiều tỉnh thành. Các doanh nghiệp đã phải đối mặt với việc mất thị trường, nguồn nguyên liệu tăng, nhân lực không đảm bảo, không trả kịp đơn hàng...
Có thể nói, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã gần như hết sức “chịu đựng” nếu việc giãn cách tiếp tục kéo dài. Do đó, việc nới lỏng hay bỏ giãn cách xã hội sẽ giúp cho việc phát triển sản xuất – kinh doanh dần dần được phục hồi nhưng vẫn đối mặt với vô vàn khó khăn về nguồn vốn, dòng tiền, thị trường, nhân lực.
Việc giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát mạnh, khó kiểm soát là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, việc giãn cách quá lâu ngày đã làm cho không chỉ doanh nghiệp mà nhân dân cũng bị ảnh hưởng rất lớn.
Đại đa số người dân đã phải dùng đến tiền dự trữ hoặc hết tiền nên khi bỏ giãn cách xã hội sức mua được dự báo sẽ giảm mạnh, có thể giảm tới 50% so với trước đại dịch. Bên cạnh đó, người dân cũng chỉ tập trung mua các mặt hàng thiết yếu nhất. Các mặt hàng xa xỉ phẩm sẽ rất khó bán. Các loại dịch vụ cao cấp, như: Du lịch, du lịch hạng sang, spa, bar, vũ trường, karaoke... sẽ phục hồi rất chậm trong ngắn hạn.
Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85.500 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Sau đại dịch có thể chúng ta phải chứng kiến sự phá sản của nhiều doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp có truyền thống lâu đời do không còn đủ nội lực để duy trì hoạt động.
Điều này dẫn đến việc một đội ngũ lao động rất lớn sẽ mất việc làm, buộc phải đi tìm những công việc khác. Khi không thể tìm được các vị trí phù hợp như mong muốn thì họ sẽ phải tự cứu sống mình bằng cách tự kinh doanh online hoặc trở thành nhân viên vận chuyển.
Như vậy, kinh doanh online sẽ là một ngành nghề được phát triển khá mạnh trong thời gian tới. Điều này sẽ làm cho kinh doanh truyền thống bị cạnh tranh rất lớn nhưng lại tạo cơ hội các doanh nghiệp logistisc phát triển theo.
Một ngành nghề nữa sẽ tiếp tục phát triển là ngành nông nghiệp, nhất là nông nghiệp thiết yếu. Người dân mặc dù cắt giảm chi tiêu nhưng những sản phẩm nông nghiệp thiết yếu vẫn có thị trường rộng lớn.
Thêm vào đó, với việc nhiều lao động bị mất việc làm, trong khi nhu cầu và sản phẩm nông nghiệp vẫn rất lớn sẽ làm cho một bộ phận có xu hướng “bỏ phố về quê” để phát triển nông nghiệp. Với công nghệ hiện đại, nguồn nhân lực dồi dào thì những loại cây trồng ngắn ngày, chất lượng cao, các mô hình chăn nuôi thủy, hải sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm sẽ được phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ngành nghề tiếp theo có xu hướng sẽ phát triển mạnh mẽ sau giãn cách xã hội là đào tạo và công nghệ thông tin. Đại dịch đã làm cho các doanh nghiệp bắt buộc phải đổi mới về mặt tư duy, quản trị nhân sự.
Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, tinh thần chiến đấu của doanh nghiệp Việt vẫn luôn tồn tại.
Các doanh nghiệp sẽ phải tính toán đến việc cắt giảm chi phí, tối ưu hóa chi phí, tối ưu hóa nguồn nhân lực. Đối với những việc, quy trình có thể thay thế bằng công nghệ sẽ được các doanh nghiệp tận dụng. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, phát triển phần mềm phát triển mạnh.
Có công nghệ hiện đại cũng cần phải có người có đủ năng lực, trình độ để sử dụng công nghệ. Do đó, loại hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo CEO... cũng sẽ là ngành nghề có tiềm năng phát triển trong thời gian tới.
Ngoài ra, các ngành nghề như chứng khoán, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe... cũng sẽ là các ngành nghề sẽ phát triển, phục hồi nhanh hơn các ngành nghề khác.
ĐS&PL: Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất – kinh doanh sau giãn cách xã hội, theo ông các doanh nghiệp cần phải làm gì và Chính phủ cần tạo những điều kiện gì cho doanh nghiệp?
Ông Mạc Quốc Anh: Như đã nói ở trên, mặc dù hết giãn cách xã hội nhưng doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Để hoạt động trở lại và phát triển tăng trưởng, điều đầu tiên doanh nghiệp cần làm là đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch bệnh xuất hiện tại doanh nghiệp của mình. Tiếp đến, các doanh nghiệp phải có chiến lược phát triển mới, phù hợp với tình hình kinh doanh.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải cơ cấu lại bộ máy, cắt giảm chi phí không cần thiết, thiết lập lại bộ máy nhân sự để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Để làm được những việc này, doanh nghiệp phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đây không phải là việc doanh nghiệp chỉ phải làm khi có đại dịch COVID-19 xuất hiện mà đây là xu thế phát triển chung của xã hội.
Việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường cũng như giúp doanh nghiệp có thể quản trị bộ máy, quản trị nhân lực hiệu quả...
Vấn đề tiếp theo doanh nghiệp cần thực hiện là đào tạo chất lượng nguồn nhân lực. Dịch COVID-19 xuất hiện nên các doanh nghiệp cũng đã làm quen với việc làm việc online. Mặc dù vậy, để hạn chế tối đa những bất cập trong khi làm việc online thì các doanh nghiệp phải đào tạo cán bộ, nhân viên có đầy đủ kỹ năng để làm việc online hiệu quả với quy trình làm việc cụ thể.
Điều này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động về nhân sự nếu như đại dịch lại diễn biến xấu, hoặc đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển trạng thái làm việc từ offline sang online để cắt giảm chi phí mà vẫn duy trì hoạt động hiệu quả.
Trong đại dịch, Chính phủ đã có nhiều chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn gặp vô vàn khó khăn. Để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy nền kinh tế, theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục giảm thuế, giãn thuế, hỗ trợ xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường, có chính sách hợp lý để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vay vốn với thủ tục đơn giản.
Mặt khác, để kiểm soát tình hình dịch bệnh sau giãn cách, có thể các giấy phép con sẽ được ra đời để phục vụ mục tiêu kép “vừa chống dịch - vừa phát triển kinh tế”.
Đây là việc làm cần thiết, tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, không gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp thì Chính phủ nên lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Như vậy, các biện pháp phát triển kinh tế vẫn được thực hiện mà mục tiêu phòng, chống dịch vẫn được đảm bảo.
Chính phủ tiếp tục duy trì sự hỗ trợ cho doanh nghiệp
ĐS&PL: Xin ông chia sẻ quan điểm của mình xung quanh vấn đề tập trung khơi dậy nguồn nội lực từ hệ thống doanh nghiệp trong nước và khu vực kinh tế dân doanh?
Ông Mạc Quốc Anh: Dịch bệnh COVID-19 kéo dài, đặc biệt với làn sóng lần thứ 4 dâng cao đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến phá sản, giải thể.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được các mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững, chú trọng đào tạo đội ngũ nhân viên, nắm bắt các giải pháp công nghệ, tập trung khai thác các lợi thế từ chuyển đổi số... từ đó giữ vững vị thế và tiếp tục phát triển bền vững, tạo điểm sáng giữa đại dịch.
Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam ngày 12/10.
Những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đã chuyển đổi số tương đối thành công, tạo ra các đột phá trong sản xuất, kinh doanh. Thông qua đó, nhiều doanh nghiệp đã vươn lên khẳng định thương hiệu của mình, ký kết được các hợp đồng lớn để bán hàng hóa cho đối tác trong nước, nước ngoài, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.
Việt Nam mặc dù gặp nhiều rủi ro do tác động của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, theo tôi, nếu chúng ta có thể kiểm soát tốt dịch bệnh, lệnh giãn cách dần được dỡ bỏ trên phạm vi cả nước thì nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhờ sự năng động và bền bỉ.
Việc đã có tăng trưởng vững chắc vào đầu năm nay cũng sẽ là điểm tựa để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước. Dịch COVID-19 lây lan đã làm cho hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải khó khăn. Việc tập trung khởi dậy nguồn nội lực của doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết.
Để làm được việc này, đòi hỏi Chính phủ phải có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp dân doanh bằng các giải pháp cụ thể dựa trên cơ sở thực tiễn, khoa học, kinh nghiệm thời gian qua; Không ban hành thêm các giấy phép con, các điều kiện kinh doanh mới, không cho phép phát sinh bất cứ các quy trình phê duyệt, cấp phép nào.
Chính phủ cũng cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các cam kết về lãi suất, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng, cũng là an toàn cho cả nền kinh tế.
Trong thời điểm hiện nay, vấn đề tiếp cận tín dụng là vô cùng quan trọng với doanh nghiệp, hợp tác xã, đặc biệt nếu sử dụng hiệu quả cơ chế bảo lãnh thì sẽ hỗ trợ rất tốt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tín dụng.
Đối với các doanh nghiệp, phải xây dựng các kịch bản cho doanh nghiệp của mình, sẵn sàng chuyển đổi để thích ứng với trạng thái từ “không COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới với mục tiêu chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch tốt hơn.
ĐS&PL: Hai năm dịch bệnh và vẫn chưa chấm dứt, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, mệt mỏi, nhìn về phía họ, đứng cùng với họ trong những tư vấn nghiên cứu chính sách, ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt hiện nay? Chúng ta có nhiều hy vọng không và đâu là cơ sở niềm tin cho những hy vọng đó, nếu có?
Ông Mạc Quốc Anh: Tôi tin tưởng rằng nếu chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội phát triển, phục hồi sản xuất kinh doanh. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào sự phục hồi, phát triển của các doanh nghiệp.
Bởi, những năm qua Chính phủ đã tích cực tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) và ký kết các FTA với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, RCEP... Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương với các thị trường năng động.
Đồng thời, Chính phủ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam cũng giúp họ có cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp FDI nhiều hơn.
Mặt khác, việc dịch bệnh kéo dài đã làm cho doanh nghiệp phải xây dựng các phương án thích ứng với tình hình mới. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tái cơ cấu bộ máy, xây dựng lại chiến lược phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị và sản xuất kinh doanh, xây dựng đội ngũ nhân viên đáp ứng được các yêu cầu mới... Những doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tìm kiếm và tận dụng tốt các cơ hội để đầu tư, phát triển.
ĐS&PL: Những kiến nghị chính sách nào mà ông cho là cấp thiết nhất cần được đề cập và nhanh chóng giải quyết để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay?
Ông Mạc Quốc Anh: Việc đầu tiên chúng ta cần làm là phải hạn chế tối đa các ca nhiễm Covid-19 giúp cộng đồng doanh nghiệp có thể hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Việc tiêm vắc-xin cần được đẩy nhanh để từng bước tạo miễn dịch cộng đồng.
Trong đó, tôi đề nghị ưu tiên tiêm vắc- xin cho lực lượng lao động của các doanh nghiệp, vì đây là lực lượng rất quan trọng. Bên cạnh đó, cần có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực y tế tại chỗ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện thích ứng với dịch.
Thứ hai, chính quyền cần tiếp tục duy trì các chính sách tài khóa, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Theo tôi, Nhà nước có thể kéo dài các chính sách miễn, giảm, giãn hoãn thuế, lãi suất đến cuối 2022 để doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục.
Thứ ba, dịch COVID-19 đã làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều đơn hàng bị hủy ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường của doanh nghiệp. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ, các cấp Chính quyền hỗ trợ, tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, gia nhập thị trường mới.
Thứ tư, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, tuy nhiên, các kiến nghị phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp cho thấy vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể, thống nhất để doanh nghiệp thực hiện.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông!
Thu Huyền
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (167)