Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chứng khoán nội chạy đua vay tín chấp ngoại

(DS&PL) -

Một số công ty chứng khoán đã tìm đến vốn ngoại thay vì huy động vốn trong nước và được các tổ chức tài chính nước ngoài cho vay tín chấp hàng trăm triệu USD.

Trước sự sôi động của thị trường chứng khoán, nhiều công ty chứng khoán phải liên tục huy động vốn để mở rộng quy mô hoạt động thông qua nhiều hình thức như phát hành thêm cổ phiếu, huy động trái phiếu hay gần đây còn là vay tín chấp.

Chứng khoán nội tăng vay tín chấp ngoại. Ảnh minh họa

Mới đây, Công ty Chứng khoán VNDIRECT vừa nhận khoản vay hợp vốn kỳ hạn 1 năm từ nhóm các ngân hàng nước ngoài với tổng giá trị 100 triệu USD, nhằm phát triển kinh doanh và mở rộng quy mô hoạt động.

Thương vụ thu hút sự tham gia của 11 ngân hàng nước ngoài đến từ thị trường Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore, với quy mô cam kết cho vay 100 triệu USD.

Trong tháng 7 vừa qua, Chứng khoán SSI thông báo ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 100 triệu USD.

Đây là giao dịch vay vốn tín chấp từ nhóm các ngân hàng hàng đầu Đài Loan. Trong đó, đứng đầu là hai ngân hàng Union Bank of Taiwan và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd, cùng với sự tham gia của Bank of Taiwan, Taiwan Shin Kong Commercial Bank, Hua Nan Commercial Bank…

Tuy nhiên trên thực tế, công ty chứng khoán đầu ngành này rút được tổng cộng đến 118 triệu USD (hơn 2.700 tỷ đồng) từ nhóm trên, vượt con số kỳ vọng. Trong đó SSI lần đầu rút 60 triệu USD và lần 2 rút về thêm 58 triệu USD trong ngày 16/9.

Được biết, khoản vay này có kỳ hạn không quá 12 tháng với mức lãi suất ngắn hạn theo thị trường tiền tệ quốc tế và dự kiến được giải ngân thành 2 đợt. Với hạn mức lên tới 100 triệu USD, đây là khoản vay tín chấp nước ngoài lớn nhất về giá trị tài trợ trong nhóm các công ty chứng khoán tại Việt Nam.

Dự kiến, nguồn vốn vay của SSI sẽ được sử dụng để phân bổ vào các hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận cao và rủi ro thấp, tăng cường năng lực cạnh tranh cho khối dịch vụ chứng khoán và bán lẻ, phân bổ vào mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cho khách hàng với mức chi phí và khối lượng cạnh tranh trên thị trường, đặc biệt là hoạt động cho vay margin.

Trước đó, tháng 5/2021, Chứng khoán TP.HCM (HSC) cũng thông báo ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 44 triệu USD (tương đương hơn 1.000 tỷ đồng) với nhóm 7 định chế tài chính Đài Loan, đứng đầu là Ngân hàng First Commercial Bank (FCB). Khoản vay này sẽ bổ sung vào năng lực tài chính, giúp công ty mở rộng các dịch vụ đầu tư và quy mô hoạt động.

Việc một số công ty chứng khoán đã tìm đến vốn ngoại thay vì huy động vốn trong nước được cho là do nguồn vốn vay trong nước có một số hạn chế như quy định của Ngân hàng Nhà nước kiểm soát trần tăng trưởng tín dụng, giới hạn mục đích cho vay của các ngân hàng.

Trong khi đó, nguồn vốn vay từ nước ngoài không vướng những hạn chế này, thêm vào đó, dòng vốn từ các thị trường phát triển như Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc có quy mô dồi dào, giá vốn cạnh tranh và rất quan tâm tới thị trường Việt Nam.

Thực tế, huy động vốn ngoại là một trong những mục tiêu của nhiều doanh nghiệp nội, nhưng không dễ thực hiện.

Theo một chuyên gia từ SSI, yêu cầu về tính minh bạch về doanh nghiệp được đặt lên rất cao trong các thương vụ vay tín chấp. Các định chế tài chính nước ngoài thường dựa trên các thông tin tài chính quá khứ, triển vọng của doanh nghiệp trong ngành nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Mặc dù huy động vốn ngoại phải đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe, nhưng việc mở rộng các hạn mức vay nước ngoài sẽ giúp Công ty có thêm cơ sở để triển khai các mảng kinh doanh hiệu quả hơn nhờ tận dụng được nguồn vốn lớn với chi phí hợp lý.

Bạch Hiền (t/h)

Tin nổi bật