Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chú trọng thanh tra mua sắm phục vụ phòng chống dịch, bất động sản trong năm 2022

  • Thủy Tiên
(DS&PL) -

Năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra việc mua sắm phục vụ phòng chống dịch, lĩnh vực bất động sản, ngân hàng...

Thanh tra liên quan đến mua sắm phục vụ phòng chống dịch, bất động sản

Ngày 12/1, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Thanh tra Chính phủ.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng chia sẻ những khó khăn và ghi nhận, biểu dương sự cố gắng với những kết quả của ngành thanh tra trong năm qua.

Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác của ngành thanh tra vẫn còn những hạn chế, tồn tại, cần sớm khắc phục: Công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thanh tra còn tồn tại, hiệu quả chưa cao. Chất lượng một số cuộc thanh tra còn hạn chế. Kết quả đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy có nhiều tiến bộ nhưng ở một số địa phương kết quả còn thấp...

Bên cạnh đó, tình hình khiếu nại, tố cáo giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, nhất là liên quan đến lĩnh vực đất đai. Còn nhiều vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn hiệu quả. Việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật còn chậm so với kế hoạch đề ra...

Chú trọng thanh tra lĩnh vực bất động sản trong năm 2022.

Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị ngành thanh tra và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn trong công tác thanh tra.

Ngành thanh tra cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan hành chính cùng cấp để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026 và năm 2022.

Triển khai định hướng, kế hoạch thanh tra năm 2022 theo hướng trọng tâm, hiệu quả, tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tập trung vào hoạt động thanh tra công vụ, đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật ở những khâu, những hoạt động quản lý thường xuyên có sự tiếp xúc giữa cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, nhất là những khâu, những lĩnh vực đã xảy ra vi phạm hoặc có nhiều dư luận về những biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tập trung triển khai có hiệu quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm, kít xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch Covid-19 tại Bộ Y tế, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; chú trọng thanh tra các lĩnh vực liên quan đến bất động sản, ngân hàng, đảm bảo chất lượng tín dụng...

Tăng cường đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở; giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài.

Phó Thủ tướng yêu cầu hệ thống thanh tra tiếp tục thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, theo các quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung thanh tra tất cả các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng thanh tra những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ tham nhũng cao hoặc có nhiều dư luận về tham nhũng.

26 người đứng đầu bị kỷ luật do để xảy ra tham nhũng

Trình bày báo cáo tổng kết công tác thanh tra năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Sỹ Bảy cho biết, năm 2021, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 6.809 cuộc thanh tra hành chính và 177.245 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Kết quả đã phát hiện vi phạm về kinh tế 179.034 tỷ đồng, 9.258 ha đất; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 2.341 tập thể và 6.244 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xử lý 437 vụ, 259 đối tượng...

Riêng Thanh tra Chính phủ tiến hành 47 cuộc thanh tra; đã ban hành kết luận 14 cuộc, phát hiện sai phạm về kinh tế 4.967 tỷ đồng, 2.960ha đất; đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 17 vụ, 7 đối tượng...

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Đối với công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm, ngành đã phát hiện 51 vụ việc; trong đó, phát hiện 15 vụ qua hoạt động kiểm tra nội bộ; 20 vụ qua hoạt động thanh tra, kiểm tra và 16 vụ qua giải quyết khiếu nại, tố cáo. 26 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, mặc dù số đơn khiếu nại, tố cáo giảm nhưng tổng số đơn các loại tăng so với cùng kỳ năm 2020. Tỉ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt 80,4%, thấp hơn so với năm 2020 (87,5%) và so với mục tiêu đề ra (85%).

Năm 2022, ngành Thanh tra xác định cụ thể 4 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, ngành phấn đấu giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, phù hợp thực tế đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, đạt tỉ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 90%.

Lê Mạnh Quốc

Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ 7(13)

Tin nổi bật