(ĐSPL) - Theo Luật gia Cao Tuân, trong sự việc chủ tịch xã Phú Thuận tổ chức cưới chồng cho con gái mới 16 tuổi (học lớp 10), cần xử lý các bên về tội tổ chức tảo hôn và tội tảo hôn.
Chủ tịch xã cưới chồng cho con gái lớp 10 vì trót... “đeo ba lô ngược”
Vừa qua, người dân ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau bất ngờ khi bắt gặp cảnh các phòng ban trong xã đang tất bật chuẩn bị dự một đám cưới diễn ra ngay tại sân ủy ban. Đó là lễ vũ quy của cô dâu vừa học xong lớp 10 (sinh ngày 29/8/1998) và chú rể vừa học xong lớp 11 (ngụ ấp Đồng Tâm, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau).
Đám cưới này có nhiều điểm khiến dư luận xôn xao: Thứ nhất, cô dâu là "tiểu thư" con ông Lê Công Quẩn - Chủ tịch xã Phú Nhuận; Thứ hai: Cả cô dâu và chú rể đều chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định; Thứ ba: Đám tảo hôn này lại được hai bên gia đình tổ chức rình rang ngay tại trụ sở UBND xã, trong giờ hành chính.
Nhiều người dân địa phương bức xúc, đặt câu hỏi: "Như vậy là vi phạm pháp luật, là làm sai quy định của Nhà nước rồi còn gì nữa?", và "Tại sao chính quyền xã Phú Thuận lại "làm ngơ", còn cho mượn trụ sở làm địa điểm tổ chức?".
|
Ảnh đám cưới con gái ông Chủ tịch xã Phú Thuận được tổ chức tại UBND xã. |
Trả lời điều này, ông Lâm Chí Thảo - Bí thư xã Phú Thuận cho biết: "Việc ông Chủ tịch Quẩn tổ chức đám cưới cho con gái chưa đủ tuổi là có thật. Dù trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo xã đã nhắc nhở, góp ý nhưng không ngăn cản được. Ông Quẩn lấy lý do con gái mình từng học lưu ban một lớp nên ông có sửa lại số tuổi nhỏ hơn một năm, còn thực tế con gái ông đã đủ tuổi thành niên". Ông này cũng cho biết vì nhà ông Chủ tịch không có không gian nên phải mượn sân ủy ban để tổ chức. Trước đây, xã đã nhiều lần cho người dân mượn sân để tổ chức đám lễ chứ không riêng gì trường hợp này.
Người dân tại xã Phú Thuận có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người bày tỏ sự thông cảm nhưng có người cương quyết cho rằng: "Dù gì ông Quẩn cũng là Chủ tịch xã, biết sai mà vẫn làm là không thể chấp nhận được. ông ấy là "quan" mà không gương mẫu thì làm sao dân phục được". Có người còn gay gắt hơn, cho rằng chú rể trong đám cưới này cũng phải chịu trách nhiệm hình sự vì làm cô dâu mang thai khi chưa đầy 16 tuổi.
Chuyên mục "Thử tài tranh tụng" nêu vụ việc ra để bạn đọc cùng trao đổi. Trong số báo này, ĐS&PL đăng tải ý kiến của luật gia Cao Tuân nêu quan điểm cần xử lý các bên về tội tổ chức tảo hôn và tội tảo hôn.
Cần xử lý các bên về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn
Nạn tảo hôn vẫn đang xảy ra phổ biến ở nhiều địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sự duy trì nòi giống của người dân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
Trong trường hợp này, việc ông Chủ tịch xã am hiểu pháp luật nhưng vẫn tổ chức đám cưới rình rang cho con gái đang là học sinh lớp 10 (chưa đủ 16 tuổi) có quá nhiều vấn đề phải bàn.
Theo quy định của pháp luật, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình (theo Luật Hôn nhân và Gia đình quy định nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên). Tổ chức tảo hôn là việc tổ chức cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình lấy vợ, lấy chồng.
Trong trường hợp này cả cô dâu và chú rể đều chưa đủ tuổi kết hôn là vi phạm pháp luật và việc cha mẹ hai bên gia đình tổ chức lễ cưới cho các con cũng là vi phạm pháp luật. Do đó có thể xử lý các bên về tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn theo Điều 148 của BLHS.
Là người đứng đầu chính quyền của một xã, lẽ ra phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật thì ông Quẩn lại ngang nhiên vi phạm. Vì vậy, trong vụ việc này UBND huyện Phú Tân, UBND tỉnh Cà Mau cần phải có biện pháp xử lý vi phạm của ông này để làm gương.