Số phiếu tín nhiệm thấp của Chủ tịch UBND tỉnh chiếm hơn 50%
Nguồn tin trên báo Dân trí, Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 28 người đang giữ chức vụ tại tỉnh Vĩnh Phúc. Nghị quyết nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức dân chủ, khách quan, công tâm, trung thực, công khai, đúng nguyên tắc và trình tự, thủ tục. Kết quả việc lấy phiếu tín nhiệm như sau:
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) nhận được 46 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 97,87% tổng số phiếu) và 1 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 2,13%).
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan. Ảnh: Dân trí.
Ông Nguyễn Trung Hải, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 33 phiếu tín nhiệm cao, 8 phiếu tín nhiệm và 6 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Phạm Quang Nguyên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 44 phiếu tín nhiệm cao và 3 phiếu tín nhiệm.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 19 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 40,43% tổng số phiếu), 2 phiếu tín nhiệm (4,26%) và 25 phiếu tín nhiệm thấp (chiếm 53,19% tổng số phiếu).
Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 35 phiếu tín nhiệm cao, 9 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 32 phiếu tín nhiệm cao, 12 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, nhận được 29 phiếu tín nhiệm cao, 15 phiếu tín nhiệm và 3 phiếu tín nhiệm thấp.
Phát biểu kết thúc kỳ họp sáng 15/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc tập trung, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và tiến hành phiên bế mạc.
Bà Lan thông tin, trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã chia tổ thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu.
Các đại biểu HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đều thống nhất đánh giá việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm này bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật. Công tác chuẩn bị đã được Thường trực HĐND tỉnh, các cơ quan liên quan và những người được lấy phiếu tín nhiệm thực hiện nghiêm túc, công tâm, khách quan.
Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Tiền phong.
28 người được lấy phiếu tín nhiệm (khối HĐND tỉnh 5 người; khối UBND tỉnh 23 người) đã có báo cáo đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng; nội dung báo cáo cơ bản theo tinh thần Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Thông tin từ lãnh đạo HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, báo cáo của những người được lấy phiếu tín nhiệm đã đánh giá nổi bật những phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật; chỉ ra các ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, kiểm điểm rõ trách nhiệm trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị và đã đưa ra những giải pháp, phương hướng khắc phục trong thời gian tới.
Như vậy theo kết quả thì Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành đã nhận hơn 50% phiếu tín nhiệm thấp, với kết quả như vậy ông Thành sẽ phải đối diện với hệ quả tác động trực tiếp đến chức vụ của ông.
Chủ tịch UBND tỉnh có thể xin từ chức
Theo báo Tiền phong, Nghị quyết số 96/2023/QH15 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất.
Như vậy, trong trường hợp này, ông Thành có thể xin từ chức, còn không sẽ bị HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, theo quy định, Thường trực HĐND có trách nhiệm trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở tờ trình của Thường trực HĐND, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận và tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín.
Sự khác biệt giữa 2 quy trình này rất rõ ràng, nếu như ở quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá theo ba mức là: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” thì ở quy trình bỏ phiếu tín nhiệm chỉ còn hai mức: “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”.
Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “không tín nhiệm” thì HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm.
Căn cứ vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các tỉnh, thành vừa qua (ở nhiệm kỳ này), ông Lê Duy Thành là Chủ tịch UBND tỉnh duy nhất trong cả nước, tính đến thời điểm này bị trên 50% số phiếu đánh giá tín nhiệm thấp.
Bảo An (T/h)