Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chủ tịch nước: Đẩy mạnh xử lý tội phạm hình sự, kinh tế trọng điểm

(DS&PL) -

Chiều 15/2, iên ngành tư pháp - nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban nhằm kiểm điểm việc thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp...

Chiều 15/2, tại Hà Nội, liên ngành tư pháp - nội chính Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban nhằm kiểm điểm việc thực hiện công tác phối hợp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương trong năm 2016, triển khai phương hướng công tác phối hợp năm 2017. Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có các đồng chí: Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Nội chính Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp.

Trong năm 2016, các cơ quan có hoạt động tư pháp Trung ương đã thường xuyên phối hợp xây dựng và tham gia nhiều dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án luật liên quan tới hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Quá trình xây dựng đã đảm bảo thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, luật hóa các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và tinh thần cải cách tư pháp...

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Các cơ quan tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan nội chính các cấp, kịp thời báo cáo cấp ủy địa phương về quan điểm, đường lối xử lý vụ án theo đúng quy định của Chỉ thị số 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng, bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật và ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật Trung ương với vai trò là thành viên của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Ban Nội chính Trung ương làm tốt công tác tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng ban hành những chủ trương, định hướng quan trọng về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; tham mưu cho Ban chỉ đạo ban hành văn bản chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế...

Các cơ quan tư pháp - nội chính Trung ương đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo xử lý tốt nhiều vụ án tham nhũng lớn, đặc biệt nghiêm trọng.

Các cơ quan tố tụng Trung ương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giải quyết các đơn kêu oan; đã thành lập tổ chuyên viên liên ngành để xem xét, giải quyết các trường hợp có mức phạt tù từ 20 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình có đơn kêu oan.

Trong năm 2016 đã giải quyết xong nhiều đơn kêu oan, tiến hành minh oan cho 2 trường hợp đã xét xử từ nhiều năm trước; đồng thời, khẩn trương tiến hành các thủ tục xin lỗi công khai và tiến hành thương lượng để bồi thường cho người bị oan.

Đối với các trường hợp đã xác định là xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nhưng dư luận xã hội còn có nhiều thông tin khác nhau, các cơ quan tố tụng đã chủ động thông tin đầy đủ tới các cơ quan thông tin đại chúng, qua đó tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.

Về nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong năm 2016, các cơ quan có hoạt động tư pháp Trung ương đã phối hợp tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xây dựng chương trình cải cách tư pháp toàn khóa (2016 - 2021).

Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp đã phối hợp xây dựng, góp ý kiến vào các Đề án, Dự án và Chiến lược phòng chống tội phạm của Bộ Công an - Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo về công tác phối hợp giữa các cơ quan có hoạt động tư pháp - nội chính Trung ương cũng ghi nhận một số tồn tại, hạn chế như: việc trao đổi thông tin trong một số lĩnh vực chưa kịp thời, quan hệ phối hợp có mặt chưa đồng bộ; việc phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong từng việc, từng vấn đề cụ thể đôi lúc chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; một số lĩnh vực công tác các cơ quan chưa ban hành quy chế phối hợp; quan điểm nhận thức, trình độ năng lực và kinh nghiệm của cán bộ còn có những hạn chế nhất định.

Năm 2017, các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương đặt trọng tâm tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong các lĩnh vực, như: xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; tăng cường công tác phối hợp trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án kinh tế, tham nhũng; phối hợp trong việc tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương triển khai các nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp và phối hợp trong các lĩnh vực công tác khác, như: giải quyết đơn khiêu nại, tố cáo, trao đổi thông tin, thống kê tội phạm và đào tạo cán bộ...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh và đánh giá cao các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương đã chú trọng làm tốt công tác phối hợp trong việc tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng liên quan tới công tác tư pháp, cải cách tư pháp và công tác nội chính, cũng như xử lý các vụ việc cụ thể; tích cực phối hợp trong quá trình xây dựng nhiều đạo luật, nhất là các đạo luật liên quan tới tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó đã thể chế hóa đầy đủ các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 cũng như các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp.

Cùng với đó, các cơ quan đã tập trung phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là các trường hợp có đơn kêu oan, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, đúng pháp luật; nghiêm túc nhận trách nhiệm và khẩn trương thực hiện việc bồi thường cho người bị oan khi phát hiện có sai sót.

Tích cực phối hợp tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công.

Đặc biệt, các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương đã tham mưu Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo giải quyết tốt nhiều vụ án lớn, trọng điểm về kinh tế, tham nhũng. Phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm và tội phạm mua bán người, qua đó tham mưu đề xuất nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả, kiềm chế sự gia tăng các loại tội phạm, góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.

Bày tỏ đồng tình với phương hướng công tác phối hợp năm 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặc biệt lưu ý các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương cần tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật, cơ chế phối hợp, đẩy mạnh đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, nhất là các loại tội phạm hình sự, kinh tế trọng điểm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng để góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Mỗi cơ quan cần chủ động đề ra các kế hoạch, chương trình công tác của mình và làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương làm tốt công tác phối hợp trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, trước hết là tiếp tục tham mưu, tham gia ý kiến để sớm hoàn thiện Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vì các cơ quan tư pháp Trung ương là những cơ quan có thể tham mưu tốt nhất với Quốc hội về Bộ luật quan trọng này.

Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương tăng cường phối hợp trong công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án trên cơ sở các quy định của pháp luật nhằm xác định đúng bản chất của các vụ việc, áp dụng pháp luật một cách khách quan, chính xác, bảo đảm không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương tiếp tục tham mưu với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chỉ đạo thực hiện tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác cải cách tư pháp, nhất là tham mưu chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng, xử lý trách nhiệm của những tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng đề nghị các cơ quan có hoạt động tư pháp và nội chính Trung ương định kỳ tổ chức rà soát, đối chiếu để bảo đảm tính chính xác, thống nhất của các thông tin, số liệu báo cáo, làm cơ sở cho việc đánh giá đúng tình hình và xây dựng các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật nói riêng; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp trong công tác đào tạo cán bộ có chức danh tư pháp đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

ĐỨC DŨNG - XUÂN TÙNG

Tin nổi bật