“Rẽ lối tìm đường”
Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL): Bắt đầu tìm kiếm sự nghiệp riêng khi đất nước đổi mới, đổi mới nền kinh tế cũng mới trong giai đoạn đầu, có lẽ khó khăn mà ông gặp phải nhiều hơn cả những thuận lợi. Ông đã đi những bước đường đó như thế nào? Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất khi bắt đầu công việc kinh doanh?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tôi bắt đầu chập chững làm kinh tế từ những năm đầu thập kỷ 90 khi đất nước vừa xóa bỏ bao cấp và đang ở giai đoạn đầu của công cuộc đổi mới, chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới. Khi đó, những khái niệm như “doanh nhân” hay “kinh tế tư nhân” còn khá xa lạ với người dân, thậm chí ngay cả trong tư duy của nhiều cán bộ quản lý Nhà nước cũng chưa nghĩ đến.
Làm kinh tế tư nhân khi đó như kiểu “ném đá dò đường”, tức là vừa làm, vừa kiến nghị thay đổi những chính sách bất hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế. Một bộ phận cán bộ thời kỳ đó vẫn muốn bám vào cơ chế cũ, không chịu đổi mới.
Tôi còn nhớ năm 2002, khi thực hiện chủ trương áp thuế môn bài đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, cơ quan chức năng tính thuế trên “đầu xe” chứ không dựa trên quy mô vốn điều lệ của HTX. Dù là HTX nhưng 60 đầu xe của chúng tôi là 60 suất thuế môn bài. Nếu cứ đóng thuế như vậy thì cước vận tải không thể bù lại được doanh thu. Cá nhân tôi đã đề xuất nhiều lần, thậm chí, tại nhiều diễn đàn ở địa phương tôi đã phát biểu rất gay gắt nhưng cũng không được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Hợp Lực.
Đúng vào lúc đó, tôi nghe tin Thủ tướng (khi đó là cố Thủ tướng Phan Văn Khải – PV) có buổi gặp mặt với doanh nghiệp tại Tp.HCM, tuy không được mời nhưng tôi vẫn quyết định cơm đùm cơm nắm bắt tàu chợ vào Nam với hy vọng được “kể khổ” với người đứng đầu Chính phủ. Đến hội nghị, sau khi tìm cách vào được hội trường, sau phần phát biểu của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tôi đã đánh “liều” vừa giơ tay đăng ký phát biểu, vừa đi thẳng lên sân khấu. Ngay lập tức bộ phận an ninh đã giữ lại nhưng rất may Thủ tướng đã ra dấu cho anh em cảnh vệ cứ để cho tôi phát biểu.
Tôi còn nhớ như in câu nói của Thủ tướng lúc đó: “Cứ để cho anh ấy nói”. Nói thật lúc ấy mình cũng run nhưng vì trong lòng cũng nhiều ấm ức và tủi thân nên tôi cũng bất chấp. Tôi đã nói liền một mạch 5 vấn đề, trong đó nhấn mạnh đến chuyện thuế môn bài của HTX vận tải. Thậm chí tôi đã nói theo kiểu không có trong kịch bản và vượt thời gian cho phép nhưng Thủ tướng và cả hội trường vẫn ngồi nghe mà không cắt lời.
Tôi phát biểu trên bục mà không biết là cười hay khóc nhưng mà chỉ thấy nước mắt ra. Nói xong, tôi đi thẳng ra về không dự nữa. Chiều ngày hôm đó, tôi nhận được thông tin, Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc bấy giờ triệu tập Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, sửa đổi để cởi trói cho doanh nghiệp. Thủ tướng gửi lời khen phần phát biểu của tôi. Thú thật lúc đó, tôi lại khóc vì vui mừng xen lẫn xúc động.
Sau đó 15 ngày, những kiến nghị đã được Chính phủ và các Bộ, ngành giải quyết. Khi đó, phải gọi là cộng đồng kinh tế HTX cả nước ăn mừng, nhất là ở Tp.HCM khi có hàng nghìn xe cũng chỉ cần nộp thuế môn bài theo vốn điều lệ với pháp nhân là HTX.
ĐS&PL: Khó khăn của ông không chỉ riêng trong việc mò đường, tìm lối đi trong những ngày đầu khởi nghiệp mà còn ở ngay trong giai đoạn ông quyết định chuyển hướng đầu tư xây dựng Bệnh viện Hợp Lực – Một trong những Bệnh viện tư nhân đầu tiên thời bấy giờ. Ký ức trong ông về quá trình đó như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Quyết định làm bệnh viện cũng xuất phát từ chân lý yêu người, lo cho cái chung đã được hình thành từ trong cá tính của tôi. Đi làm vận tải lang thang khắp nơi, tôi nhận ra rằng Thanh Hóa đất rộng người đông, dân thì nghèo mà điều kiện cơ sở chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn rất khó khăn. Tôi ám ảnh nhất cảnh người dân Thanh Hoá cơm đùm, cơm nắm dắt díu bắt xe đi từ tờ mờ sáng ra Hà Nội khám chữa bệnh. Mỗi lần đi như vậy rất tốn kém lại còn thêm cái “tệ phong bì”, dân đã nghèo rồi bây giờ lại càng nghèo hơn. Từ tình cảnh của tỉnh nhà, chúng tôi đã quyết định xin chuyển đổi mục đích dự án khách sạn đang xây dựng dở sang đầu tư xây dựng Bệnh viện Hợp Lực. Hồi đó đây còn là một lĩnh vực rất mới mẻ, hầu như chưa có mấy ai làm.
Tôi làm bệnh viện, người ủng hộ thì rất ít mà người nghi ngờ, phản đối thì nhiều, ở thời điểm đó, họ không tin người ngoại đạo mà có thể đi làm được bệnh viện. Tôi nhớ bấy giờ có một lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa khi gặp tôi còn nói: “Ông vớ vẩn, ông không có bằng có cấp gì, không biết gì về y tế mà đòi đi làm bệnh viện, ông cứ làm khổ bọn tôi”. Người đời nhiều kẻ độc mồm độc miệng khi đó còn phát động phong trào “Thành phố trồng hoa” - Trồng hoa để làm gì? - “Trồng hoa để đám ma ông Đệ”. Đó là những dấu ấn buồn nhưng cũng chính là động lực để tôi cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Tôi xây dựng và phát triển thành công Bệnh viện Hợp Lực chính là tôi đã phá bỏ nhận thức “việc này chỉ có Nhà nước mới làm được” của nhiều người. Họ có quyền nghĩ thế nhưng tôi đã chứng minh cho những người ấy biết rằng không phải thế. Họ bảo tôi không thể làm được bệnh viện, tôi chỉ mất 18 năm để xây dựng được một bệnh viện tư nhân với 1.200 giường bệnh vượt cả bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực – Một trong những mảnh ghép của hệ sinh thái Hợp Lực.
ĐS&PL: Đó đúng thật là giai đoạn “ném đá dò đường” nhất là với một người tay ngang làm kinh doanh như ông. Nhưng nói thật tôi không tin là ông làm kinh doanh được chỉ với quyết tâm suông. Ông đã học hỏi cách làm kinh tế như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Cái gốc của việc kinh doanh là hiểu biết về pháp luật và chính sách tôi đã được đào tạo trong những năm còn công tác trong ngành công an. Còn hiểu biết về thị trường thì thú thật tôi vừa làm vừa tìm hiểu, đi dò từng bước và có lúc đúng nhưng cũng có lúc sai chứ. Từ đó tôi nghĩ ra lối quản lý mà chưa ai dạy, mang màu sắc của mình.
Tôi quản lý doanh nghiệp bằng hai chữ “nhân tâm”, bằng hai chữ “hợp lực”. Mình thực bụng đem lại lợi ích cho xã viên, người lao động trên tinh thần cùng nhau góp sức, cùng nhau quản lý và cùng nhau hưởng lợi. Và quan trọng hơn nữa là phải đảm bảo tính bình đẳng, tính minh bạch trong doanh nghiệp để cổ đông yên tâm góp vốn, người lao động yên tâm gắn bó.
Sự thẳng thắn của “Bầu” Đệ và cái được - mất
ĐS&PL: Có một điều có thể dễ cảm nhận ở “Bầu” Đệ đó là sự thẳng thắn, quyết liệt, bộc trực mà ngay chính ông cũng thừa nhận. Ông có bao giờ nghĩ tính cách thẳng thắn đã ít nhiều cản trở những điều mà ông muốn thực hiện hay không?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Vì tôi thẳng quá nên thực ra mất nhiều hơn được. Mất ở chỗ, về vai trò lãnh đạo hay hiện diện họ không thể gạt tôi ra được nhưng mà về thiện cảm để giải quyết công việc thì không mấy thành công. Đó là cái đau xót đang tồn tại trong một xã hội còn nhiều sự ích kỷ hẹp hòi. Và cũng chính vì cái thẳng, cái thật đó mà trong quá trình đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp và chính sách tốt cho sự phát triển của xã hội, không ít lần tôi bị rơi vào diện “đối tượng cần xem xét” và có những thời điểm rất có nguy cơ vướng vào rắc rối pháp lý. Rất may điều đó chưa xảy đến.
ĐS&PL: Biết là mất nhiều hơn được, vậy có bao giờ ông nghĩ mình cần bớt đi sự thẳng thắn hay không?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Sự thẳng thắn nó như đã ngấm vào máu chảy trong người rồi, là bản lĩnh mà tôi được rèn luyện trong những năm tháng quân ngũ và lăn lộn trên thương trường. Thế nên bảo bớt thì khó mà bớt được. Mà tôi nghĩ rằng giờ là lúc cần nói thẳng với nhau, chỉ có nói thẳng, nói thật với nhau mới phát triển được, chứ cứ nịnh nhau thì không phát triển được đâu.
ĐS&PL: Người ta vẫn nói với nhau rằng Thanh Hóa lắm người tài, nhưng nói phải thật là không mấy doanh nhân thành danh có tên tuổi và uy tín người Thanh Hóa mà làm nên ở ngay chính mảnh đất quê hương mình như chính ông đã làm được? Tôi rất muốn nghe quan điểm của ông về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Tính đến bây giờ sau khi trải qua nhiều thác ghềnh “chết trôi đi, sống đứng lên làm lại”, tôi cũng không dám nhận mình là thành công chỉ dám nói rằng có chút đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển chung của xã hội và quê hương Thanh Hóa.
Tôi nghĩ rằng làm ăn kinh doanh ở đâu cũng có nhiều trắc trở, không ở đâu chỉ có “thảm đỏ” trải ra mời doanh nghiệp đi lên cả. Vấn đề là gặp cơ chế khó khăn, chưa phù hợp thì mình phải tìm cách mà đề xuất, kiến nghị, phải coi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là cha là mẹ mà mách, mách được đến đâu họ hiểu đến đó, họ chia sẻ và tháo gỡ cho mình. Doanh nghiệp phải dựa vào chính sách mà đi lên nhưng chính sách đó không tự nhiên mà có mà phải có sự tham gia, đóng góp ý kiến của doanh nghiệp. Chứ còn nếu cứ thấy khó mà chán nản bỏ đi nơi khác thì dân Thanh Hóa lại nghèo, nghèo vật chất và nghèo cả về tinh thần đi lên.
ĐS&PL: Gần 30 năm chọn con đường trở thành doanh nhân, nhìn lại ông thấy mình được và mất gì?
Ông Nguyễn Văn Đệ: Chặng đường 30 năm với tôi, cái được nhất là được cống hiến cho quê hương, đất nước, cống hiến bằng công sức trí tuệ nhất là phá được tảng băng về nhận thức “cái này chỉ Nhà nước mới làm được” và nhiều tư tưởng lạc hậu, ích kỷ hẹp hòi khác, đóng góp vào sự phát triển, tiến bộ của xã hội. Nhìn vào sự phát triển của quê hương, tôi mừng vì biết trong đó có ít nhiều đóng góp của mình. Ít nhất là ở Hợp Lực, chúng tôi nuôi được hơn 2.000 người lao động trả lương trực tiếp và hàng chục nghìn lao động ăn theo.
Trong một xã hội, người hiểu biết thì người ta khen nhưng người không hiểu biết, ích kỷ thì họ ghét thì cái đó cũng là mất. Nhưng đó là điều không thể tránh được, nhiều khi mình không làm gì còn có người ghét. Ngay như trong một gia đình có 3 người con còn không thống nhất được huống gì là trong một xã hội mà còn có sự va chạm về lợi ích, nên chuyện yêu ghét cũng là thường.
ĐS&PL: Xin cảm ơn ông về cuộc chia sẻ đầy cảm xúc.
Mạnh Quốc (Thực hiện)
Hình ảnh: Trọng Tùng
Bài đăng trên ấn phẩm đặc biệt tạp chí in Đời sống & Pháp luật gộp 12 số từ 13-24 (16/1 đến 28/1/2023)