Hậu quả nặng nề
Theo tin tức trên báo Dân trí, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai công điện của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini) trên địa bàn, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân là vụ việc có hậu quả nặng nề nhất của thành phố từ trước đến nay.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại Hội nghị. Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô
Khi vụ việc xảy ra, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo tại hiện trường các biện pháp khắc phục hậu quả kịp thời với những chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Quốc hội; sự vào cuộc của người dân...
Theo đó, ông Thanh đề nghị cần kiểm điểm sâu sắc, rút kinh nghiệm và thực hiện nghiêm túc để báo cáo Tổng Bí thư, Chính phủ trong thời gian sớm nhất.
"Chúng ta đừng để sự mất mát của gia đình 56 nạn nhân vụ cháy chung cư mini trở thành vô nghĩa mà phải thay đổi nhận thức cấp ủy, chính quyền các cấp, kể cả thành phố đến quận huyện, phường xã về phòng cháy chữa cháy”, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói, đồng thời đề nghị phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân.
Cho rằng công tác PCCC của thành phố luôn được quan tâm, trong đó có quản lý PCCC tại các quán karaoke, ông Thanh cho biết việc tổng kiểm tra về công tác PCCC lần này tại chung cư mini, nhà trọ là để có giải pháp "ứng chiến" và người dân ủng hộ thì mới giảm được nguy cơ cháy nổ.
Chủ tịch UBND Hà Nội cũng lưu ý nguy cơ hầm để xe với lượng xe máy đông đúc, chen nhau có thể gây nguy cơ cháy nổ rất lớn. Trong khi chưa có tiêu chí 1m2 để được bao nhiêu xe máy, người dân phải đồng thuận, tự sắp xếp, tự quản và có sự hướng dẫn của lực lượng chức năng.
Người đứng đầu chính quyền thành phố cũng lưu ý về nguy cơ cháy nổ về xe đạp điện khi tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật chưa có; cũng như nguy cơ mất an toàn khi đốt vàng mã. Theo đó, người dân cũng cần được hướng dẫn về thiết kế nguồn điện an toàn trong gia đình.
Hiện trường vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân (Hà Nội).
Từ vụ cháy chung cư mini ở Thanh Xuân, Chủ tịch UBND TP nhắc đến việc cần có thang dây thoát nạn khi cháy nổ với những khu nhà, căn hộ khó có đường thoát hiểm. Ông cho rằng nếu khó khăn về kinh phí, có thể huy động nhân dân cùng làm.
"Cứu được một người là đã vô cùng hạnh phúc. Cơ sở phải tìm tòi, có cách làm cụ thể”, ông Trần Sỹ Thanh nói và nhấn mạnh điều quan trọng là làm sao không để những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Tổng kiểm tra trên tinh thần không có vùng cấm
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết toàn thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, tập trung nhiều nhất ở các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ…
Tổng công ty đang rà soát, đảm bảo an toàn về điện, kiên quyết xử lý vi phạm về đường dây sau công tơ.
Ngành điện phải cử công nhân đi cùng các tổ kiểm tra liên ngành và "đến đâu đo đạc an toàn đến đó, hướng dẫn người dân các biện pháp an toàn, có giải pháp với những hộ khó khăn.
Phó giám đốc Công an Hà Nội nhấn mạnh việc tổng kiểm tra phải đúng tinh thần chỉ đạo, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Thông tin trên báo Kinh tế đô thị, nêu ý kiến tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết với các chung cư mini, khi cấp phép xây dựng là công trình riêng lẻ, sau đó chủ nhà tự ý chuyển đổi không đúng quy định pháp luật. Sở sẽ có các tổ công tác do lãnh đạo sở làm tổ trưởng xuống cơ sở hướng dẫn, thực hiện cùng các quận huyện việc kiểm tra, xử lý. Ngay trong chiều 15/9, Sở sẽ có văn bản chi tiết hướng dẫn các quận, huyện thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra của thành phố.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy, Công an thành phố đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt chủ chung cư mini, chắc chắn sẽ xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý. “Đây là vụ việc điển hình cho việc trách nhiệm của lực lượng chức năng quản lý trật tự xây dựng ở cơ sở”, Phó giám đốc Công an thành phố nêu quan điểm.
Ngày 15/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 825/CĐ-TTg triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Công điện yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan tổ chức tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Từ đó, đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra (hoàn thành việc tổng rà soát trước ngày 15/11/2023). Bộ Xây dựng rà soát các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý các loại hình nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Xây dựng, bổ sung tiêu chuẩn về PCCC đối với các loại hình nhà ở này. Khẩn trương hoàn thành Quy chuẩn sửa đổi QCVN 06:2022/BXD và tiêu chuẩn nhà ở riêng lẻ (hoàn thành trước ngày 30/9/2023). Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khẩn trương nghiên cứu các giải pháp phòng ngừa cháy, nổ, khắc phục những tồn tại về PCCC đối với các loại hình trên; đồng thời ban hành tài liệu hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC cho các công trình, cơ sở hiện hữu khác. Chỉ đạo các đơn vị, địa phương hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các giải pháp để khắc phục những tồn tại, bảo đảm an toàn PCCC trong quá trình sử dụng (hoàn thành trước ngày 30/10/2023), báo Lao động đưa tin. |
Vân Anh (T/h)