Hiện cả 3 cây cổ thụ đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế trả lại cho chủ sở hữu sau thời gian tạm giữ để điều tra làm rõ nguồn gốc.
Chiều 12/4, ông Đặng Văn Kiệm, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đến thời điểm hiện tại, lực lượng chức năng đã hoàn thành quá trình xác minh hồ sơ gốc của 3 cây "quái thú", có nguồn gốc rõ ràng, đầy đủ thủ tục.
Sau gần nửa tháng bị tạm giữ để làm rõ nguồn gốc xuất xứ các cây cổ thụ bị Trạm CSGT Phú Lộc bắt giữ, cây cổ thụ “khủng” cuối cùng đã được đơn vị trả lại cho chủ lâm sản là ông Kiều Văn Chương (32 tuổi, trú tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội).
Trước đó, trong quá trình xác minh hồ sơ, cơ quan chức năng đã phát hiện thông tin mà ông Kiều Văn Chương cung cấp trong hồ sơ về địa điểm khai thác cây "quái thú" cuối cùng không đúng với thực tế.
Cụ thể, trong hồ sơ mà ông Chương cung cấp cho cơ quan chức năng cho rằng cây cổ thụ này được khai thác trong vườn của bà H'Yô Na Buôn Yă (trú xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Tuy nhiên, kết quả xác minh từ Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT) khẳng định cây này nằm tại vị trí tọa độ 0492321 – 1424170 trên đất nông nghiệp của ông Nguyễn Văn Điệp (trú tại thôn Xuân Nguyên, xã Ea Dăh, huyện Krông Năng), đã được UBND huyện Krông Năng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Do vậy, ông này đã vi phạm về thủ tục hành chính trong quản lý rừng, bảo vệ rừng, khai thác vận chuyển, mua bán kinh doanh và cất giữ lâm sản.
"Cơ quan chức năng cũng đã lập biên bản xử phạt đối với ông Chương với số tiền là 750.000 đồng. Sau khi nộp phạt đầy đủ, cây đa sộp cuối cùng sẽ được trả lại cho chủ nhân của nó", ông Kiệm nói.
Đến chiều 12/4, ông Kiều Văn Chương đã chấp hành quyết định xử phạt nên được lực lượng kiểm lâm trả lại cây cổ thụ cuối cùng.
Vi An (T/h)