Vừa qua nhiều trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh và mức học phí tăng chóng mặt trong năm học mới 2021 - 2022, có trường tăng gấp đôi năm trước.
Học phí khối ngành Y dược cao top 1
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết trường đại học hiện nay đã công bố đề án tuyển sinh năm 2021. Trong đó, mức thu học phí dự kiến cho các hệ đào tạo của năm học tới cũng được các trường công bố. Điều khiến phụ huynh, thí sinh bất ngờ và không khỏi lo lắng là học phí ở nhiều trường đồng loạt tăng mạnh, nhất là những trường có tỉ lệ chọi cao.
Ở khối trường công lập, khối trường đào tạo sức khỏe có học phí tăng “khủng” nhất trong hai năm nay. Sau khi tăng học phí lên cao nhất 70 triệu/năm áp dụng cho ngành Răng-Hàm-Mặt; Ngành Y khoa 68 triệu/năm; Ngành Kỹ thuật phục hình răng 55 triệu/năm; Dược học 50 triệu/năm; Các ngành còn lại có học phí từ 30 - 40 triệu/năm vào năm ngoái, năm nay trường đại học Y Dược TP.HCM chưa công bố mức học phí. Tuy nhiên theo công bố năm ngoái, học phí năm sau sẽ tăng thêm 10% so với năm trước. Như vậy, có thể học phí ngành Răng-Hàm-Mặt sẽ lên tới 77 triệu/năm; Các ngành khác cũng tăng tương tự 10% so với hiện tại.
Theo công bố mới nhất của trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, từ năm học 2021-2022 tới đây, trường dự kiến áp dụng mức học phí mới theo hai mức. Trong đó, nhóm ngành y khoa, dược học, răng-hàm-mặt có mức 32 triệu đồng/năm. Các ngành còn lại là 28 triệu đồng.
So với năm 2020, mức thu này tăng hơn gấp đôi, bởi hiện nay học phí của trường chỉ theo hai mức: Những em hộ khẩu tại TP.HCM chỉ hơn 14 triệu đồng/năm, còn lại là hơn 28 triệu đồng.
Năm nay, nhiều trường dự kiến tăng học phí. Ảnh ĐH. |
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Minh Xuân, Chủ tịch hội đồng trường, cho rằng thực ra trường được phê duyệt đề án tự chủ từ năm 2019 nhưng không được điều chỉnh tăng học phí. Điều này khiến trường rất khó khăn vì đào tạo nhóm ngành đặc biệt này quá tốn kém. Chi phí đào tạo trung bình cho một sinh viên (SV) đã khoảng 32 triệu đồng/năm.
Học phí dự kiến năm 2021 của 4 trường thuộc đại học Quốc gia TP.HCM gồm trường đại học Bách khoa, trường đại học Công nghệ thông tin, trường đại học Kinh tế - Luật và trường đại học Quốc tế sẽ tăng do đổi mới cơ chế hoạt động. Đề án đổi mới cơ chế hoạt động này đã được Hội đồng đại học Quốc gia TP.HCM thông qua từ năm trước.
Dự kiến trường đại học Bách khoa TP.HCM sẽ thu cho hệ chính quy (đại trà) là 25 triệu đồng (gấp đôi hiện tại mức hơn 12 triệu đồng), năm 2022 là 27,5 triệu đồng; các năm 2023, 2024 và 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn đến năm 2030, trường này đề xuất thu đủ mức học phí theo giá dịch vụ đào tạo.
Trường đại học Kinh tế-Luật dự kiến mức học phí năm 2021 là 20,5 triệu đồng; năm 2022 là 22,6 triệu đồng; năm 2023 là 24,8 triệu đồng; năm 2024 là 27,3 triệu đồng và năm 2025 là 30 triệu đồng. Tầm nhìn từ 2026-2030, trường đại học Kinh tế - Luật dự kiến mỗi năm điều chỉnh mức thu tăng từ 10-15%.
Lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi?
Từ thực tế trên có thể thấy, những năm gần đây học phí của nhiều trường tự chủ có mức học phí khá cao. Cũng có nhiều ý kiến lo ngại học phí của các trường quá cao sẽ gây khó khăn cho người học. Song bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, lộ trình tăng học phí là điều không thể tránh khỏi khi các trường đại học áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo.
Được biết, hiện bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Nghị định quy định khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo của cơ sở giáo dục công lập; cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2021-2022 (thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ).
Theo đó, lộ trình tăng học phí của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ tài chính phải đảm bảo mức học phí trong khung giá dịch vụ giáo dục đào tạo theo quy định của Chính phủ hoặc phương án tự chủ tài chính phải được cơ quan chủ quản phê duyệt.
Song song với quá trình tăng học phí, các trường tự chủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ học bổng, chính sách học phí, chính sách tín dụng để hỗ trợ cho người học.
"Trước đó, bàn về câu chuyện tăng học phí, PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, việc duy trì chế độ bao cấp giáo dục đại học trong thời gian dài chính là lý do khiến giáo dục đại học ở nước ta kém phát triển so với các nước trong khu vực. Hầu hết các nước trên thế giới, Nhà nước chỉ có thể bao cấp cho giáo dục bắt buộc, còn giáo dục không bắt buộc thì người học phải tự chi trả hoặc cùng chia sẻ với Nhà nước. Do đó việc tăng học phí ở các trường đủ điều kiện tự chủ là bắt buộc, tuy nhiên nên tăng theo lộ trình. PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: “Tôi cho rằng các trường Đại học có quyền được xác định mức học phí theo luật Giáo dục. Học phí phải bù đắp được chi phí về đào tạo. Nhưng các trường cũng nên tính toán và có lộ trình tăng chứ không tăng ngay một lúc quá cao, không phù hợp với mặt bằng chung đời sống trong nước”. PGS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng đưa ra lời khuyên, trong bối cảnh nhiều trường tự chủ học phí tăng, người học nên cân nhắc kỹ lưỡng, lựa chọn trường học, ngành học phù hợp với năng lực bản thân, để khi ra trường có thể nhanh chóng tìm việc làm; đồng thời tận dụng tối đa nguồn tín dụng dành cho học sinh, sinh viên". |
M.H (T/h)
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Chủ Nhật (16)