Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chồng đỡ đẻ cho vợ, chạy xe máy chở vợ con vượt hơn nghìn km về quê

(DS&PL) -

Không có tiền đi viện, người chồng đã tự tay đỡ đẻ cho vợ ở nhà trọ. Sau khi con được 20 ngày tuổi, cả nhà vượt hàng nghìn km về quê trên chiếc xe máy cũ.

Tự tay đỡ đẻ cho vợ

Vợ chồng anh Lương Văn Bách, 28 tuổi, trú xã Tam Hợp, huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã về đến khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19 sau nhiều ngày chạy xe máy vượt 1.500km từ TP.HCM về quê nhà.

“Về đến đây rồi tôi mới hết cảm giác sợ hãi. Cả chặng đường một mình lái xe nên toàn thân mệt mỏi rã rời nhưng tôi biết vợ con mệt mỏi hơn gấp bội nên không dám kêu ca gì. Điều lo nhất là con mới sinh, đi dọc đường nắng mưa, nếu con có đau ốm dọc đường gì thì thương con lắm”, anh Bách thở phào.

Do cuộc sống quê nhà quá vất vả, không có công việc ổn định nên vợ chồng anh quyết định vào TP.HCM để kiếm việc làm. Thời gian đầu, cả hai làm công nhân, lương không cao nhưng cũng ổn định. Tuy nhiên, từ năm ngoái đến nay, dịch liên tiếp khiến vợ chồng anh không có việc làm. Thời điểm này, vợ anh là chị Kha Thị Ngọc Ánh, 27 tuổi, lại mang thai.

Anh Bách kể lại hành trình trở về quê tránh dịch.

Vì không có việc, tiền hết nên có lúc anh Bách phải gọi điện về “cầu cứu” bố mẹ gửi tiền vào để cầm cự. Tuy nhiên, ở nhà khó khăn nên tiền gửi vào chẳng được bao lâu lại dần cạn. Sáu tháng nay, vợ chồng anh mất hẳn việc và phải ở trong căn phòng trọ do dịch diễn biến phức tạp.

Nhiều lần anh Bách tính đưa vợ về quê nhà sinh sống và làm ăn nhưng không thể về. Hơn một tháng trước, khi vợ gần đến ngày sinh nhưng trong người anh Bách chỉ còn hơn 100.000 đồng. “Càng đến gần ngày sinh con càng lo, tôi gọi khắp nơi vay tiền để đưa vợ đi sinh nhưng dịch ai cũng khó khăn không có tiền để tôi vay nên đành chịu”, anh Bách cho biết.

Vợ chồng không còn cách nào khác nên bàn bạc học cách đỡ đẻ để sẵn sàng cho việc tự sinh con ngay tại phòng trọ mình. Những ngày tiếp theo, anh Bách lên mạng tìm hiểu rất nhiều và gọi điện về cho mẹ, cho người thân để nhờ hỏi cần chuẩn bị những gì cho việc đỡ đẻ cũng như kinh nghiệm đỡ đẻ, sinh con.

Vào khoảng 3h ngày 13/9, đang ngủ, chị Ánh đau bụng chuyển dạ nên anh Bách giật mình tỉnh dậy. Tâm lý đã chuẩn bị sẵn từ trước, anh Bách lập tức gọi điện về cho mẹ để nhờ hướng dẫn. “Qua điện thoại được mẹ hướng dẫn từng công đoạn một, tôi tuần tự làm theo từ việc đỡ đẻ, cắt dây rốn, tắm rửa cho hai mẹ con. Lần đầu tiên làm việc này, may mà có mọi người giúp đỡ. Phải 3 tiếng sau việc đỡ đẻ hoàn tất, “mẹ tròn con vuông” khi đó tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Bách kể.

Khi việc đỡ đẻ hoàn tất, người ở khu xóm trọ mới biết. Mọi người đã quyên góp tiền và một ít sữa, bỉm cho con của vợ chồng anh.

Chở vợ con vượt hàng nghìn km về quê

Hơn 2 tuần sau, dịch bắt đầu giảm, cả khu trọ bắt đầu rủ nhau về quê. Lúc này, anh Bách bàn với vợ cùng về với mọi người. “Tôi biết rằng con nhỏ, vợ mới sinh yếu lắm, nhưng giờ ở lại thì không còn gì để ăn nữa. Ở đây chúng tôi không có ai là người thân để nương tựa, trong khi đó tiền cũng sắp hết. Chỉ còn cách trở về thôi”, anh Bách nói.

Sau khi vợ đồng ý, ngày 4/10, anh Bách mượn được 2 triệu đồng của người thân rồi tức tốc đưa cả nhà đi xét nghiệm COVID-19, sửa sang lại chiếc xe, mua thêm ít thức ăn dọc đường. Toàn bộ đồ đạc, anh Bách buộc vào phía sau để vợ ngả lưng khi mỏi, còn người con nhỏ, anh quấn thêm một chiếc chăn mỏng để vợ ôm vào lòng. Cứ như vậy, cả nhà bắt đầu hành trình trở về quê tránh dịch.

Dù mới sinh được 20 ngày, nhưng chị Kha Thị Ngọc Ánh vẫn quyết định cùng chồng về quê

“Không biết đường đi nên tôi phải đi theo mọi người. Cứ thấy xe mang biển kiểm soát 37 của tỉnh Nghệ An là đi theo thôi. May mà dọc đường có nhiều trạm, nhiều người giúp đỡ xăng xe, thực phẩm nên cũng đỡ khổ”, anh Bách kể.

Dọc đường những lúc con đói khóc anh phải dừng xe lại bên lề đường để vợ cho con bú. Vì sữa mẹ không đủ, vợ chồng anh đành phải lấy sữa tươi cho con bú thêm. Đêm đến, khi nào mệt, anh lại tấp xe vào chỗ có mái che rồi trải ni-lông để ngủ. Mỗi đêm, anh Bách chỉ ngủ được vài tiếng rồi lại tiếp tục theo đoàn chạy xe cho kịp về nếu không sẽ lạc đường.

Ngày 7/10, hai vợ chồng anh chị đã về đến Nghệ An. Tại đây, cơ quan chức năng và một số đơn vị hảo tâm đã nhanh chóng hỗ trợ thức ăn, bỉm sữa và quần áo cho em bé. “Thực sự về đến cầu Bến Thủy 2, tôi mới tin đã về đến nơi. Được mọi người giúp đỡ, tôi cảm thấy rất xúc động, cảm giác như gặp được người thân vậy”, anh Bách chia sẻ.

“Trên đường đi về đến tỉnh Kon Tum, tôi bị ngã xe. May mắn, tôi đi chậm và kịp đưa tay đỡ vợ con nên cháu bé chỉ xây xước một ít. Khổ nhất là trên đường về cứ mưa suốt, vừa lạnh vừa đói”, anh Bách kể.

Anh Ngọc

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật Thứ 5 (số 166)

Tin nổi bật