Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chồng cụt tay một mình nuôi hai con nhỏ, khắc khoải chờ vợ

(DS&PL) -

Vợ thông báo “đi làm ăn xa” rồi từ đó bặt vô âm tín, anh Sang dù cụt tay, nhưng ngày ngày vẫn phải đi làm thuê, thậm chí bất chấp nguy hiểm để có tiền nuôi các con.

Vợ thông báo “đi làm ăn xa” rồi từ đó bặt vô âm tín, anh Sang dù cụt tay, nhưng ngày ngày vẫn phải đi làm thuê, thậm chí bất chấp nguy hiểm để có tiền nuôi các con...

Vợ đi, đi biệt tích

Gặp gỡ anh Nguyễn Thanh Sang (SN 1977, xóm Lực, xã Mỹ Thuận, Tân Sơn, Phú Thọ) vào một buổi chiều tháng Bảy, chúng tôi không khỏi xót xa bởi thân hình gầy gò, ốm yếu của anh. Thấy chúng tôi, anh Sang mừng tủi bảo: “Lâu lắm rồi mới có người đến nhà chơi”.

Đường lên nhà anh Sang được ví như đường “lên trời”.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm trên sườn núi, anh Sang chậm rãi rót chén nước mời khách, giọng anh trầm buồn khi nói về cuộc đời mình. Anh kể: “Cuộc sống người Mường vất vả lắm, còn không được học cái chữ nữa, nên chỉ biết làm thuê để kiếm miếng cơm qua ngày. Năm 1999 tôi đi làm bè trên sông cùng với anh em trong xóm, không may tôi bị bè đè vào cánh tay khi cùng anh em nhấc bè qua những đoạn sông toàn đá. Tôi mất một cánh tay từ đó”.

Vậy là mới ngoài đôi mươi, anh Sang trở thành người không lành lặn. Sự tự ti khiến anh nhốt mình trong nhà vì sợ bạn bè, dân làng chế giễu. Anh sống âm thầm như một cái bóng.

Những tưởng cuộc đời sẽ là những chuỗi ngày sống cô đơn, thì anh Sang gặp chị V., người phụ nữ khác xóm, đã tan vỡ hôn nhân và có một đứa con. “Ngày ấy, tôi nghĩ có người đồng ý làm vợ mình là tốt lắm rồi. Năm 2006, tôi và V. thành vợ chồng. Tôi nói với V.: “Dù có rau cháo nuôi nhau cũng sẽ cố gắng sống thật hạnh phúc”. Nhưng khi hai đứa con chào đời, khiến cho nỗi lo cơm áo gạo tiền càng tăng cao, vợ tôi bắt đầu thay đổi”.

Năm 2016, chị V. bàn với anh Sang sẽ đi làm ăn xa rồi gửi tiền về để chồng nuôi các con. Thế nhưng, từ ngày đó, vợ anh Sang đi biền biệt. Đến bố mẹ đẻ của chị V. cũng chỉ biết con mình dắt theo đứa con riêng đi làm ăn chứ không biết chị đi đâu. “Tôi cũng nhờ người liên lạc để tìm vợ nhưng không được. Từ ngày đi, cô ấy không hề liên lạc hay báo tin gì về nhà. Tôi vừa lo, vừa giận vợ. Hai năm nay tôi một mình nuôi 2 con nhỏ”, anh Sang trải lòng.

Anh Sang kể, từ ngày chị V. “đi làm ăn xa”, hai đứa con anh ngày nào cũng đứng cửa ngóng mẹ về. Thi thoảng chúng lại hỏi: “Sao mẹ đi lâu về thế, bao giờ thì mẹ về?”. Những lúc ấy, anh chỉ biết nói dối các con: “Mẹ đi làm xa. Các con phải thật ngoan mẹ mới về”.

Dân làng hàng xóm cứ đồn nhau rằng, vợ anh vì không chịu được nghèo khổ nên đã bỏ bố con anh đi. Có người còn chế giễu nói với anh rằng: “Vợ anh bỏ đi rồi, chờ đợi làm gì nữa. Vô ích thôi”.

Cách chăm con của người cha tàn tật

Cũng từ ngày vợ bỏ đi, anh Sang một mình chăm sóc con nhỏ. Vì sức khỏe không đảm bảo, nên anh gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng như kiệt sức.

Ba bố con anh Sang vẫn luôn mong chị V. trở về.

Anh Sang kể: “Các con tôi còn nhỏ, chúng bám mẹ lắm. Từ ngày V. bỏ đi, chúng khóc đòi mẹ thường xuyên. Nhiều bữa chúng còn bỏ ăn, bố dỗ dành thế nào cũng không nghe. Đêm ngủ, cứ nằm ôm gối đòi mẹ ru, những khi đó, tôi chỉ biết quay mặt đi, giấu những giọt nước mắt. Chưa kể, thằng bé, hôm nào cũng ngồi dựa cửa khóc, chỉ ra đường đòi bế đi tìm mẹ”.

Anh Sang bảo, có lần thằng bé nhớ mẹ quá cứ ngồi khóc, anh thương con mà không làm được gì hết. Có ai hỏi về mẹ thì chúng chỉ rụt rè, quay sang nhìn bố để chờ câu trả lời. Anh Sang nói: “Tôi chỉ mong nhận được tin tức của vợ. Tôi sẽ vay mượn để đi đón cô ấy về. Vợ chồng từ trước đến nay đâu có lời qua tiếng lại gì. Những lời dân làng nói tôi đều bỏ ngoài tai hết”.

Quả thực, từ ngày vợ “đi làm ăn xa” không ngày nào anh Sang không mong chị V. quay về. Ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên sườn núi trở nên lạnh lẽo, cô quạnh.

“Từ ngày vợ bỏ đi, mọi công việc đều do tôi cáng đáng hết. Để có tiền mua gạo cho con, ngoài làm ruộng, tôi còn nhận đi phun thuốc sâu thuê cho hàng xóm. Thấy tôi cụt tay, lại thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, nhiều người khuyên tôi nên tìm công việc khác, nhưng vì miếng cơm manh áo của các con, tôi không còn lựa chọn khác”, anh Sang chia sẻ.

“Hàng ngày, tôi đeo chiếc bình phun thuốc sâu, đi khắp cánh rừng chè để chờ có người thuê mình. Vì mất một bên tay, nên tôi thường xuyên phải dùng răng để cắn bao thuốc và đổ vào bình kiếm vài chục nghìn mỗi ngày đem về nuôi con nhỏ. Biết là độc hại nhưng vì miếng cơm manh áo mình phải làm thôi. Tôi dùng một tay để phun thuốc, nấu cơm, giặt quần áo và chăm lo cho các con. Chỉ cần các con khôn lớn khỏe mạnh, vợ trở về bên cạnh là tôi thấy hạnh phúc rồi”, anh Sang tâm sự.

Thi thoảng chúng tôi thấy anh nhăn nhó vì đau đớn, có hỏi thì anh chỉ bảo: “Tôi bị vôi hóa cột sống. Nhưng có đau đến mấy cũng cố mà chịu vì các con chỉ có cơm trắng với muối thôi”. Có lẽ, anh Sang đang phải kìm lòng khi nhắc về hoàn cảnh gia đình và người vợ của mình. Trong đôi mắt của anh vẫn đang ánh lên niềm hy vọng, anh chỉ mong ngày nào đó nhận được điện thoại của vợ.

Trao đổi với PV, ông Hoàng Đức Toàn (Trưởng xóm Lực, xã Mỹ Thuận, Tân Sơn, Phú Thọ) cho biết: “Đúng là vợ anh Sang đã đi khoảng 2 năm chưa thấy về, cũng không liên lạc gì với gia đình. Tuy nhiên, anh Sang vẫn một mực chờ vợ. Hơn nữa, vì cuộc sống quá khó khăn mà anh Sang hàng ngày phải đi phun thuốc sâu thuê trên các đồi chè”.

Mai Thu

Tin nổi bật