Truyền thông địa phương đưa tin, đám cưới được tổ chức tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc). Được biết, đây là lần kết hôn thứ 2 của cô dâu. Trong cuộc hôn nhân trước đó, cô dâu cùng chồng cũ có với nhau một cô con gái và đứa trẻ được gia đình người chồng cũ nuôi dưỡng.
Trong ngày trọng đại, cô dâu mặc váy cưới trắng tinh khôi, ngồi trong phòng của mình đợi chú rể đến đón, xung quanh là các phù dâu và rất đông bạn bè thân thiết. Không lâu sau, một người đàn ông ăn mặc lịch sự xuất hiện ở cửa nhưng không phải chú rể, mà là chồng cũ của cô dâu đưa con đến dự đám cưới.
Ngay khi vừa thấy cô dâu, con gái 3 tuổi liền chạy ùa đến rồi ngồi vào lòng mẹ, tỏ vẻ nũng nịu và âu yếm khi lâu ngày mới được gặp lại mẹ. Lúc này, sắc mặt của cô dâu và mọi người đều tối sầm lại vì chú rể sắp đến, nếu để anh thấy cảnh đó thì sẽ rất khó xử. Dù vậy, cô dâu vẫn không nỡ đẩy con gái ra, con nhẹ nhàng dỗ dành và an ủi con.
Vài phút sau, chú rể cầm hoa cưới vui vẻ tiến vào phòng cô dâu, theo sau là 3 phù rể và một vài người bạn. Những người trong phòng đều lo lắng không rõ chú rể sẽ nghĩ ra sao khi thấy chông cũ và con gái riêng của cô dâu ở đây.
Chú rể vui vẻ bế con gái riêng của vợ cùng đến hôn trường.
May mắn, chú rể không tỏ ra khó chịu mà vẫn tiến hành các nghi lễ đám cưới như bình thường. Đến khi cô dâu chuẩn bị cùng chú rể ra ngoài, con gái lại nắm váy kéo lại, không muốn rời xa mẹ. Cô dâu đau lòng khi thấy ánh mắt rụt rè của con gái nhưng không biết phải giải quyết ra sao.
Thấy cô dâu rơi vào cảnh khó xử, chồng cũ cũng không can thiệp để đám cưới diễn ra suôn sẻ trái lại còn thản nhiên đứng nhìn như đang cố tình làm khó vợ cũ. Chú rể hiểu ra tình hình nên lập tức quay lại, bế con gái của cô dâu lên rồi nói: “Đi cùng nhau nào”.
Có thể thấy, chú rể rất quan tâm đến cảm xúc của cô dâu, muốn cô được thoải mái và hạnh phúc nhất. Dường như anh hoàn toàn không để tâm đến quá khứ của cô dâu và thật lòng muốn cùng cô xây dựng tổ ấm nhỏ.
Hành động của chú rể khiến tất cả mọi người vô cùng bất ngờ và xúc động, sau đó họ dành cho anh tràng pháo tay nhiệt liệt. Nhờ sự thấu hiểu và cảm thông của chú rể, đám cưới đã diễn ra thuận lợi.
Ngay sau khi được đăng tải, sự việc nhanh chóng nhận được sự quan tâm của đông đảo cư dân mạng với nhiều ý kiến khác nhau. Một số người trách móc chồng cũ của cô dâu là ích kỷ, hẹp hòi khi cố tình làm khó vợ cũ dù hai người đã chia tay. Trong khi đó, một số khác lại cảm động trước hành động của chú rể.
Cách đây ít ngày, một đám cưới ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) cũng gây xôn xao cộng đồng mạng. Cụ thể, trước ngày cưới con trai, mẹ chú rể đã xin nghỉ làm từ sớm để dọn dẹp nhà cửa, chẳng ngờ tai nạn ngoài ý muốn xảy ra.
Người phụ nữ lớn tuổi không may trượt chân ngã trong lúc trèo lên mái nhà để quét dọn lá và qua đời. Sự ra đi đột ngột của mẹ khiến chú rể vô cùng đau khổ, anh cũng phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn khi ngày cưới đã đến gần.
Theo phong tục địa phương, sau khi tổ chức tang lễ, phải 3 năm sau gia đình mới được tổ chức hỷ sự. Nếu chọn tạm dừng đám cưới thì phải rất lâu mới được tổ chức lại. Sau khi cân nhắc, gia đình chú rể quyết định tổ chức đám cưới và đám tang cùng một ngày.
Ban đầu, cô dâu không khỏi choáng váng trước quyết định của nhà trai nhưng cô vốn là người hiểu chuyện nên đã chấp nhận cùng anh làm tròn đạo hiếu. Trong ngày cưới, cô dâu chú rể không mặc trang phục cưới mà chỉ đeo tấm khăn đỏ, trong nhà không trang hoàng quá nhiều, cũng không tổ chức tiệc cưới rình rang. Sau khi chú rể đón dâu về nhà, cặp đôi liền quay sang quan tài của mẹ chồng để vái lạy.
Truyền thông cho biết, tại nơi chú rể sinh sống, việc tổ chức đám cưới và đám tang cùng ngày không phải chuyện hiếm. Họ nói rằng là cách để tưởng nhớ tới người đã khuất, hoàn toàn không phải chuyện cấm kỵ.
Đinh Kim (T/h)