Đóng

Chọn tổ hợp lớp 10: Chiến lược nào cho học sinh để không "thua từ vòng gửi xe" trong xét tuyển đại học

  • Thủy Tiên (T/h)
(DS&PL) -

Tưởng chừng đơn giản, việc chọn 4 môn học khi bước vào lớp 10 lại là một quyết định có "hiệu ứng domino", ảnh hưởng dây chuyền đến bài thi tốt nghiệp và đặc biệt là giới hạn hoặc mở rộng các tổ hợp xét tuyển đại học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định các môn học bắt buộc và môn học tự chọn theo định hướng.

Thời điểm nhập học vào lớp 10 THPT, học sinh phải chốt 4/9 môn lựa chọn, ngoài 8 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương).

Chín môn lựa chọn gồm: Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định các môn học bắt buộc và môn học tự chọn theo định hướng. Ảnh minh họa 

Khi lựa chọn không hoàn toàn là "tự do"

Về lý thuyết, học sinh có 126 cách chọn, song trên thực tế, quyền tự chọn của học sinh không rộng mở như vậy. Mỗi trường THPT, tùy thuộc vào nguồn lực giáo viên và cơ sở vật chất, sẽ xây dựng sẵn các nhóm tổ hợp môn. Học sinh chỉ có thể lựa chọn trong "thực đơn" giới hạn này, thay vì tự do kết hợp các môn mình yêu thích.

Đặc biệt, bước vào năm học 2024-2025, "luật chơi" lại một lần nữa thay đổi trước những biến động của quy chế tuyển sinh đại học. Việc nhiều trường đại học lớn tuyên bố bỏ xét tuyển khối C00 (Văn, Sử, Địa) truyền thống đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, buộc các trường THPT phải điều chỉnh chiến lược xây dựng tổ hợp để đảm bảo tương lai cho học sinh.

Trước thực tế trên, nhiều trường đã đưa ra những quy tắc xây dựng tổ hợp quyết liệt hơn. Dân trí dẫn lời lãnh đạo một trường THPT tại Hà Nội chia sẻ, từ năm học tới, các tổ hợp xã hội của trường sẽ luôn phải có ít nhất 1 trong 4 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc Tin học.

"Việc nhiều trường đại học lớn bỏ xét tuyển khối C00 cho thấy không nên để các em học quá lệch xã hội nếu không muốn đánh mất cơ hội. Khi xã hội là thế mạnh, các em càng cần học những môn tự nhiên để nâng cao năng lực phân tích, logic", vị hiệu trưởng khẳng định.

Ông cũng chỉ ra rằng việc học lệch xã hội sẽ gây thiệt thòi lớn trong tương lai, khi thị trường lao động ngày càng có xu hướng liên ngành. "Nếu định theo đuổi ngành nghề xã hội, các em không nên chỉ học Văn, Sử, Địa mà nên học thêm Sinh học, Tin học để có thêm kỹ năng và tri thức về con người, công nghệ", ông tư vấn.

Tưởng chừng đơn giản, việc chọn 4 môn học khi bước vào lớp 10 lại là một quyết định quan trọng. Ảnh minh họa 

Chiến lược chọn tổ hợp thông minh

VnExpress dẫn lời thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh cho hay, điều đầu tiên, học sinh và phụ huynh cần lưu ý là phân biệt ba khái niệm tổ hợp:

- Tổ hợp học: Gồm 4 trên 9 môn lựa chọn nói trên. Học sinh sẽ học tổ hợp này suốt bậc THPT. Việc đổi tổ hợp chỉ được phép vào cuối mỗi năm học, gần như đồng nghĩa với chuyển lớp.

- Tổ hợp thi tốt nghiệp THPT: Từ 4 môn lựa chọn đã học, thí sinh chọn hai môn để thi tốt nghiệp THPT, gọi là tổ hợp môn tự chọn, bên cạnh hai môn bắt buộc là Toán và Văn.

- Tổ hợp xét tuyển đại học: Tổ hợp này gồm ba môn, được các đại học dùng để xét đầu vào, như A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Tiếng Anh). Tổ hợp xét tuyển đại học có thể được tạo thành từ 3 trên 4 môn thi tốt nghiệp, hoặc điểm học bạ THPT của các môn.

Như vậy, việc chọn môn khi vào năm lớp 10 sẽ ảnh hưởng tới tổ hợp thi tốt nghiệp và xét đại học. 

Cùng nêu quan điểm, thầy Nguyễn Đức Tùng, giáo viên dạy toán tại Hà Nội, đưa ra bí quyết để chọn tổ hợp môn chính xác từ lớp 10.

Một là xác định những môn học mà học sinh đạt điểm cao nhất và có sự yêu thích nhất ở bậc THCS. Hai là xác định các nhóm ngành nghề yêu thích và phù hợp với mục tiêu, lợi thế của gia đình. Ba là tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường đại học có đào tạo nhóm ngành nghề mục tiêu xem họ xét tuyển các tổ hợp khối nào.

“Ví dụ, nếu gia đình có truyền thống trong ngành y dược và định hướng cho con học y dược, hãy chọn tổ hợp lý, hoá, sinh, tin. Nếu học sinh dự định theo đuổi nhóm ngành luật, kinh tế, hãy chọn tổ hợp có môn vật lý, giáo dục kinh tế và pháp luật. Nếu học sinh có ước mơ phát triển trong lĩnh vực kiến trúc, mỹ thuật, hãy chọn tổ hợp có tin học, vật lý”, thầy Tùng phân tích trên báo Dân trí.

Theo thầy Tùng, điều quan trọng không kém việc chọn tổ hợp là học sinh cần học chắc, học đều các môn bắt buộc, đặc biệt là Toán, Văn. Bởi đó là hai môn gốc xuất hiện trong nhiều tổ hợp xét tuyển đại học nhất.

Tin nổi bật