Ban Tổ chức Trung ương vừa có công văn gửi ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương về việc rút kinh nghiệm qua đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở. Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh quan điểm kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những người không xứng đáng nhưng cũng không bỏ sót những cán bộ thật sự có đức, có tài, có uy tín. Xung quanh vấn đề lựa chọn cán bộ, PV đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ. |
Lựa chọn cán bộ phải đủ tâm, đủ tầm
PV: Để lựa chọn được đúng cán bộ, không có cách nào khác là phải bằng con mắt tinh tường, tỉnh táo như yêu cầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết mới đây về công tác nhân sự. Ông đánh giá như thế nào về công tác cán bộ thời gian qua?
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ: Trong những kỳ đại hội vừa qua, thành công lớn của chúng ta là đã chọn được rất nhiều cán bộ, đảng viên xứng đáng, đủ tâm và đủ tầm để sắp xếp vào những vị trí lãnh đạo của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở các cấp cấp. Việc lựa chọn cán bộ có đức có tài được thể hiện ở việc tăng trưởng kinh tế, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội…
Tuy nhiên, kết quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng gần đây cho chúng ta thấy, khâu tuyển chọn cán bộ để bố trí vào các vị trí lãnh đạo cấp ủy cũng như lãnh đạo các cơ quan trong bộ máy nhà nước vẫn còn hạn chế, bất cập. Thực tế, có những cán bộ vi phạm từ trước đó rất lâu nhưng không được phát hiện kịp thời và đã có trường hợp vẫn “trèo cao, chui sâu”, lên được ghế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp tỉnh, thủ trưởng cơ quan…
Quay trở lại câu chuyện xử lý cán bộ tham nhũng, 2 năm trở lại đây, chúng ta xử lý không ít cán bộ cấp cao nhưng chủ yếu là những sai phạm trong quá trình công tác trước đó (khóa trước-PV) mà vẫn tại vị. Điều đó cho thấy, chúng ta chưa làm tốt công tác tuyển chọn cán bộ.
PV: Trước mỗi kỳ đại hội, điều mà cử tri, nhân dân quan tâm là làm sao ngăn chặn tình trạng “chạy quy hoạch, chạy luân chuyển” trong công tác chuẩn bị nhân sự. Theo ông, vì sao vẫn còn tình trạng lọt cán bộ không xứng đáng?
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ: Theo tôi, để lọt vào cấp ủy những cán bộ không xứng đáng là do việc quản lý hoạt động của cán bộ, công chức chưa tốt. Bộ phận làm công tác quản lý cán bộ, công chức trong cơ quan tổ chức Đảng, chính quyền tham mưu, đề xuất, tuyển chọn để “lọt lưới” cán bộ không đủ tiêu chuẩn. Cho đến thời điểm này, chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào hối lộ để mưu cầu chức vụ nhưng vấn đề dư luận đặt ra có hay không có chuyện đưa nhận hối lộ trong công tác bổ nhiệm cán bộ?
Bên cạnh đó, việc xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm, còn tình trạng nể nang, né tránh dẫn đến việc cán bộ sai phạm vẫn được tiếp tục cơ cấu, bổ nhiệm.
Chúng ta vẫn nói Mặt trận Tổ quốc, nhân dân được quyền giám sát cán bộ nhưng mức độ giám sát của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân trong thời gian qua chưa được đánh giá cao. Cán bộ có bao nhiêu nhà, giàu lên bất thường hay không thì “tai mắt của nhân dân” nắm được hết. Tuy nhiên, cơ chế để cho Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc, đặc biệt là nhân dân nơi cư trú giám sát chưa phát huy được, còn để lọt cán bộ không đủ tâm, đủ tầm.
Thực tế, có trường hợp cán bộ, công chức bổ nhiệm "nợ tiêu chuẩn". Ảnh minh họa |
Ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của người đề cử, tiến cử
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cần ràng buộc chặt trách nhiệm người đề cử ở đại hội Đảng các cấp mới không có tình trạng tranh thủ phiếu bầu, để lọt những người không đủ tiêu chuẩn được giới thiệu. Ông nghĩ sao về điều này?
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ: Nói về công tác nhân sự đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh đây là công việc có ý nghĩa quan trọng nhưng lại cực kỳ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm. Bởi đó là con người, công tác về con người. Mà con người thì cũng có đủ thứ chứng tật, cả tốt cả xấu. Do vậy, công tác nhân sự phải tiến hành theo phương châm làm từng bước chặt chẽ, từng việc cụ thể, từng nhóm chức danh từ thấp đến cao, bảo đảm thận trọng, kỹ lưỡng, làm đến đâu chắc đến đó. Trong công tác nhân sự đại hội phải đặc biệt coi trọng chất lượng, tiêu chuẩn, điều kiện là chính, đồng thời đánh giá chính xác cán bộ cả về phẩm chất, đạo đức, năng lực, uy tín và kết quả công tác thông qua các sản phẩm cụ thể.
Theo quan điểm của tôi, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của người giới thiệu, người đề cử tại đại hội như thêm một cơ chế kiểm soát nhằm hạn chế tình trạng “thỏa thuận đề cử”, chạy chức, chạy quyền. Lựa chọn cán bộ đủ tâm, đủ tầm chính là thực hiện quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước bằng những hành động cụ thể. Việc đánh giá cán bộ suy cho cùng đó là yếu tố con người- Những người có chức vụ quan trọng đứng đầu các cơ quan tổ chức trong việc tuyển chọn nhân sự cho khóa tới. Chính cấp ủy phải sát sao trong việc lựa chọn cán bộ, nếu còn tình trạng nể nang sẽ lọt cán bộ không xứng đáng.
Hiện nay, chúng ta chưa có quy định rõ ràng về người tiến cử và cấp tiến cử. Đó cũng chính là khoảng trống trong cơ chế điều chỉnh. Cần có cơ chế xử lý trách nhiệm người tiến cử nhằm nâng cao trách nhiệm của người đề cử, người giới thiệu trong việc giới thiệu nhân sự giúp công tác cán bộ được chặt chẽ, hoàn thiện hơn.
PV: Từ thực tiễn các nhiệm kỳ đại hội trước đây, theo ông việc chọn sai cán bộ là do khâu nào, thưa ông?
ĐBQH Nguyễn Mai Bộ: Theo tôi, khâu đánh giá cán bộ đang khâu yếu nhất hiện nay. Đánh giá cán bộ là đánh giá về mặt pháp lý, đánh giá có trách nhiệm về cán bộ. Hiện nay, đang tồn tại hai dạng đánh giá cán bộ đó là đánh giá để giao nhiệm vụ và đánh giá để bổ nhiệm.
Việc đánh giá để giao nhiệm vụ, giao công việc thì đánh giá thực chất nhưng đánh giá để cất nhắc, bổ nhiệm dường như đang bị quan hệ cá nhân, quan hệ “không trong sáng” chi phối dẫn đến cán bộ được bổ nhiệm năng lực hạn chế nhưng hồ sơ “tròn vo”. Theo tôi, việc đánh giá sai cán bộ, trách nhiệm của chính người đứng đầu.
PV: Xin cảm ơn ông!
Có cán bộ vừa được bổ nhiệm vào cương vị mới 15 ngày đã bị khởi tố là điều bất thường trong công tác cán bộ. Điều đó cho thấy, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ và khâu đánh giá cán bộ chưa chặt chẽ, không kiểm soát được hoạt động thực thi công vụ của cán bộ. Nếu cấp ủy nắm được hoạt động thực thi của cán bộ và đánh giá đúng sẽ không có chuyện ngồi nhầm chỗ, đề bạt sai”, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ khẳng định. |
Hương Lan
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 116