Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng để tháo gỡ khó khăn cho các các “ông lớn” tại “siêu Ủy ban”

(DS&PL) -

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo “phải hành động quyết liệt, tháo gỡ từng bước nhưng phải khẩn trương và triệt để các vướng mắc trong hoạt động của siêu Ủy ban.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo “phải hành động quyết liệt, tháo gỡ từng bước nhưng phải khẩn trương và triệt để các vướng mắc trong hoạt động của “siêu Ủy ban” và hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty”.

Chính phủ vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) được thành lập và hoạt động theo chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện thể chế về quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII; chỉ đạo của Bộ Chính trị; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) và các quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, hơn một năm chuyển từ các bộ chủ quản về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV còn được gọi là "siêu ủy ban"), các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn vướng hàng loạt bất cập, thậm chí có nguy cơ dừng hoạt động. Một số DNNN xin chuyển về bộ chủ quản như trước kia.

Tuy nhiên, câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau khi chuyển về siêu uỷ ban quản lý vốn lại khiến doanh nghiệp này đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu vì không được giao vốn dự toán ngân sách năm 2020 cho việc bảo trì, đảm bảo an toàn chạy tàu do vướng Điều 49 Luật ngân sách nhà nước. Vì không còn là đơn vị trực thuộc bộ Giao thông Vận tải nên doanh nghiệp này không được bộ giao vốn.

Do đó, từ ngày 1/1/2020, 20 doanh nghiệp công ích thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được ký kết hợp đồng, khiến cho trên 10.000 người không có tiền lương, nhiều hoạt động đảm bảo an toàn chạy tàu bị ảnh hưởng.

Chính phủ sẽ có nghị quyết riêng để tháo gỡ khó khăn cho các các “ông lớn” tại “siêu Ủy ban”. Ảnh minh họa

Câu chuyện của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không phải là trường hợp khó khăn, bế tắc duy nhất của các doanh nghiệp sau khi chuyển về siêu Ủy ban quản lý vốn. Hiện nhiều tập đoàn, tổng công ty với số vốn và tài sản lên đến hàng triệu tỷ đồng đang phải loay hoay với hàng loạt dự án quan trọng của quốc gia từ đường sắt, cao tốc, thủy điện, cầu cảng… trong thế đói vốn, ách tắc vì chuyển về siêu Ủy ban.

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sau khi chuyển giao từ bộ Giao thông Vận tải sang siêu Ủy ban quản lý vốn nhà nước, từ tháng 9/2018 đến nay đơn vị này vẫn chưa xác định được bên nào là cơ quan chủ trì xử lý các vấn đề của VEC.

Việc này dẫn tới các vấn đề hệ trọng như giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay, kế hoạch lựa chọn nhà thầu với các gói thầu mới... mà VEC đệ trình đều đang đình trệ. Tại dự án Cao tốc Bến Lức - Long Thành (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB) từ tháng 1/2019 đến nay chưa được giao vốn đầu tư công (cho phần vốn đối ứng), ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công, giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu.

Cùng với đó, vướng mắc về việc giao vốn ODA do quá trình tái cơ cấu 5 dự án cao tốc khác của VEC khiến dự án này tắc vốn đủ mọi bề.

Để kịp thời xử lý các vướng mắc, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ KH&ĐT đã phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty thuộc Uỷ ban.

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng bộ KH&ĐT cho biết trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết này, bộ KH&ĐT đã phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn diện những vướng mắc trong quá trình hoạt động của Uỷ ban để có cơ sở nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý.

Trên thực tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang xem xét, chỉ đạo tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các hoạt động nêu trên của Uỷ ban cũng như của các doanh nghiệp do Uỷ ban làm đại diện chủ sở hữu. Bên cạnh đó, một số vướng mắc khác cũng đang được xem xét, xử lý trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong khuôn khổ các đề án, báo cáo riêng.

Do vậy, dự thảo Nghị quyết không đưa ra các giải pháp xử lý toàn diện những vướng mắc nêu trên mà tập trung vào xử lý vướng mắc trong việc xác định thẩm quyền quyết định đầu tư, trình tự, thủ tục, phân định trách nhiệm giữa Uỷ ban và các bộ, ngành đối với dự án đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư, hoàn thiện cơ chế chuyển giao quyền sở hữu đối với doanh nghiệp và giao kế hoạch đầu tư công.

Về yêu cầu tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan tập trung nguồn lực, khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao.

Theo đó, UBQLVNN, các bộ, cơ quan liên quan có trách nhiệm và chủ động phối hợp với bộ KH&ĐT, trực tiếp làm việc để xử lý từng vấn đề thuộc trách nhiệm; rà soát lại toàn bộ các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty. Kiến nghị Chính phủ xử lý dứt điểm các vướng mắc theo đúng thẩm quyền chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

UBQLVNN phải chủ động phối hợp với bộ KH&ĐT, chịu trách nhiệm về các kiến nghị Chính phủ trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty. Rà soát, kiến nghị cụ thể đối với các vấn đề vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung các luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư của các bộ, không nêu chung chung như “vướng mắc do quy định của pháp luật”...

Vũ Đậu

Tin nổi bật