Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiêu “rao vịt trời” của những kẻ bán tiền giả trên mạng

(DS&PL) -

Thời điểm cận Tết cũng là lúc các đối tượng tung tin nhan nhản bán tiền giả trên các thông tin rao vặt, trang mạng xã hội.

Thời điểm cận Tết cũng là lúc các đối tượng tung tin nhan nhản bán tiền giả trên các thông tin rao vặt, trang mạng xã hội. Qua nhiều ngày tìm hiểu, thâm nhập điều tra, PV phát hiện, hầu hết đây là các điểm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Các địa chỉ cung ứng tiền giả rất khó tiếp cận.

Đổi tiền giả lấy tiền thật lẫn... “tiền ảo”

Ngoài các chiêu thức lừa đảo “truyền thống”, các đối tượng chuyên lừa đảo bán tiền giả đã đưa ra nhiều chiêu thức mới. Để người mua tin, các đối tượng vẽ ra chiêu “quán cà phê cách 100m”. Nghĩa là, khi khách đồng ý mua, sẽ có người đến giao tiền. Hai bên sẽ chốt hẹn tại điểm nào đó, người giao tiền sẽ để tiền giả tại một quán cà phê cách đó khoảng 100m. Khi nhận tiền thật xong, người này sẽ quay trở lại quán cà phê lấy tiền giao cho người mua. Thực tế, điều tra của PV cho thấy đây chỉ là trò “mèo vờn chuột” do các đối tượng này nghĩ ra.

PV đã liên hệ người tên Thắng, rao bán tiền giả ở khu vực quận Thủ Đức, TP.HCM, được người này chốt giá 1 triệu đồng tiền thật mua 12 triệu đồng tiền giả. Sau khi thống nhất, Thắng hẹn gặp tại một quán cà phê lề đường Lý Chính Thắng (quận 3, TP.HCM). Tới đây, PV gặp hai đối tượng bịt khẩu trang kín mít. Các đối tượng này cũng ngồi sẵn trên xe gắn máy để nói chuyện mà không tháo khẩu trang.

Mới dứt được vài câu, hai đối tượng này yêu cầu PV đưa 1 triệu đồng, sau đó sẽ mang tiền giả đến, vì “đang gửi ở quán cà phê cách đó chừng 100m”. Khi PV hỏi gửi quán cà phê nào thì hai đối tượng này không cho biết rõ địa chỉ. PV đề nghị muốn tận mắt thấy tiền giả song các đối tượng này nhất quyết nhận tiền thật mới lấy tiền giả ra. Cuối cùng, biết không thể “ăn” vụ này, hai đối tượng văng lời tục rồ ga bỏ đi.

Để làm tin, các trang đưa hình ảnh tiền giả, người đến giao dịch hoặc các gói hàng chuẩn bị đi giao.

Một chiêu thức khác được các đối tượng nghĩ ra là dùng thẻ Gate của FPT (do FPT phát hành, dùng để chơi các game online của FPT như: Thiên Long Bát Bộ, Đặc Nhiệm, Priston tale... giúp người dùng mua vật phẩm và sử dụng dịch vụ. Thẻ Gate chưa sử dụng hoàn toàn có thể quy đổi thành tiền - PV). Cũng như cách thức giao dịch khác, các đối tượng này chọn cách giao hàng trực tiếp.

Để thử với cách giao dịch này, PV phải đăng nhập vào website https://tiengiangoxxx... com được cho là có tiền giả và chờ người gọi điện giao hàng. Sau đó, người xưng tên Hà nói đã có hàng và hẹn gặp giao dịch.

Tuy nhiên, trước khi hẹn thời gian, địa điểm giao hàng, Hà yêu cầu PV phải mua thẻ Gate với mệnh giá tương đương (1 triệu đồng) với khoản tiền dự định mua tiền giả. “Shop chỉ nhận thẻ đa năng Gate, không nhận tiền mặt, để tránh trường hợp lấy tiền giả mua tiền giả bên shop. Anh có thẻ Gate, nhân viên tới giao hàng mới nhận thẻ”, người xưng tên Hà nói.

Khi PV nói đã có thẻ, đọc số seri, thì Hà giục: “Anh nhắn tiếp cho em 3 chữ số cuối trên mã thẻ cào để kiểm tra nhé, 3 số seri không thể biết chính xác được”. Đến đây, chiêu thức dẫn dụ người dùng mua thẻ và mã cào gửi qua để các đối tượng này “bẫy tiền” bắt đầu lộ ra. Thực tế không hề có tiền giả như những lời hứa hão huyền, có cánh của các đối tượng này.

Theo tìm hiểu của PV, hiện có một điểm được cho là có tiền giả và sẽ giao hàng trực tiếp, không đặt cọc, không gửi qua bưu điện. “Khi gửi hàng, nhân viên sẽ hướng dẫn kiểm tra tiền, cho anh đếm lại trước khi giao tiền”, người tên Bảo nói. PV đã liên hệ với đầu mối này và đang chờ “khớp lệnh” để giao dịch mua bán tiền giả.

Nạn nhân không dám trình báo

Dạo một vòng trên các trang mạng xã hội, gõ cụm từ “tiền giả” thì có hàng loạt trang hiện ra. Các trang này đều khẳng định bán “tiền giả uy tín” (!), không cọc, giao dịch trực tiếp... Để làm tin, các trang này đưa hình ảnh tiền giả, người đến giao dịch hoặc các gói hàng chuẩn bị đi giao. Thậm chí, một số còn đưa các tin nhắn, phản hồi của người mua nhằm tạo lòng tin đối với những người khác.

Các trang này cũng đưa ra giá bán rất hấp dẫn để lừa đảo. Ví như điểm của Tùng (quận Tân Bình, TP.HCM) rao 1 ăn 12 (tức 1 triệu tiền thật mua được 12 triệu tiền giả), đảm bảo giống tới 98%. Hay tương tự, điểm của Hoàng (quận Gò Vấp) có mức 1 ăn 15... Thậm chí có những nơi rao 1 ăn 20, 1 ăn 22...

Để thâm nhập vào các thương vụ mua bán tiền giả, PV đã liên lạc nhiều điểm rao bán và được hướng dẫn lòng vòng. Người tên Trung (quận Gò Vấp) rao bán tiền giả, không cọc nói ngay: “Anh muốn mua bao nhiêu, bây giờ anh cứ gửi địa chỉ, nhớ ghi rõ để tránh bị thất lạc. Đồng thời, anh cũng phải gửi ít cọc để làm tin, khi nhận hàng giao hàng. Tiền cọc là 300.000 đồng nhé”.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, những đối tượng như Thắng, Hà, Tùng, Bảo... kể trên đều chỉ chuyên lừa đảo chứ không bán tiền giả.

Những đối tượng kể trên đều chỉ chuyên lừa đảo chứ không bán tiền giả.

“Tuy nhiên, phải nói thực tế có việc mua bán tiền giả trên mạng” - anh N.T.K., một người biết về dịch vụ này cho biết. Theo anh K.: “Nhưng điểm nào đổi được tiền thì chỉ có mức 1 triệu tiền thật mua được 3, 4 triệu tiền giả. Điểm nào cao lắm tới 7 triệu tiền giả là kịch trần. Còn lại các điểm đổi trên giá này đều là rao khống. Họ đưa ra mức cao để dụ người ham tiền giả hoặc có ý định mua tiền giả sa vào bẫy lừa mà họ giăng ra, bằng cách yêu cầu gửi tiền cọc, mã thẻ cào điện thoại”.

Anh K. cho biết thêm: “Họ lấy hình ảnh, thông tin từ các trang khác đưa về trang của mình. Sau đó, tìm mua vài sim rác làm số liên hệ. Đến khi có một lượng khách hàng nhất định cắn câu thì ngay lập tức sim rác bị bỏ. Sau đó, họ lại tìm mua các sim khác và tiếp tục chiêu thức tương tự. Đồng thời, họ cũng lập nhiều trang facebook để giăng lưới khắp nơi, đánh theo kiểu lọt sàng xuống nia”.

Anh K. nhận định: Nhiều người cứ nghĩ rằng, gửi 100.000 - 300.000 đồng/lần cho các đối tượng này là không nhiều, nhưng vài chục người mắc bẫy/tháng là có số tiền lớn trong tài khoản cho các đối tượng lừa đảo. Bên cạnh đó, những kẻ rao bán tiền giả nắm tâm lý người mua “sợ” báo công an nên vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

Một cán bộ Công an TP.HCM cho biết: “Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ một số đối tượng liên quan đến việc mua bán tiền giả. Tuy nhiên, các giao dịch trên mạng như hiện nay hầu hết là lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tiền cọc của người mua). Do vậy, người dân cần phải hết sức cảnh giác với các lời chào mời mua bán tiền giả, ngoài mất tiền thật thì còn có thể xứ lý hình sự, không phân biệt giá trị lớn hay nhỏ”.

Cũng theo vị này: “Theo quy định, hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị xử lý hình sự, với hình phạt cao nhất là tù chung thân. Riêng đối với hành vi lưu hành tiền giả là rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ. Đồng thời còn gây ra hoang mang trong dư luận”.

Phạm pháp dù  ở giai đoạn nào

Luật sư Nguyễn Thành Nam, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Cá nhân, tổ chức mua bán tiền giả là phạm tội, cho dù ở bất kỳ giai đoạn nào (thành công hay không, mới chuẩn bị hành vi mua bán hay đã mua bán xong). Về hình thức xử phạt, nếu số tiền vi phạm dưới 3 triệu đồng sẽ bị phạt từ 3 - 7 năm tù. Còn từ 3 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì sẽ bị phạt từ 5 - 12 năm tù. Nếu trên 50 triệu đồng thì sẽ bị phạt từ 10 - 20 năm tù hoặc tù chung thân

Dương Thanh Tùng

Tin nổi bật