Tổ chức theo dõi nhân quyền đã lên án liên minh quân sự Nga-Syria vì đã tấn công vào thường dân tại khu vực giao tranh tỉnh Idlib.
Mới đây, Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) đã cáo buộc liên minh quân sự Nga-Syria gây ra tội ác chiến tranh và tội ác về quyền con người khi tấn công nhằm vào thường dân ở khu vực giao tranh với phiến quân khủng bố tại tỉnh Idlib. Qua đó, HRW kêu gọi các tổ chức thế giới áp lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức quân sự của 2 lực lượng này.
Trong báo cáo dài 167 trang được công bố hôm 15/10, tổ chức nhân quyền có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) đã lên án các cuộc tấn công của liên minh Nga-Syria tại Idlib trong khoảng thời gian từ tháng 4/2019 đến tháng 3/2020, gọi đó là những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.
Báo cáo dựa trên các tài liệu và phân tích 46 cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự như trường học và bệnh viện trong khu vực do phiến quân khủng bố nắm giữ trong cuộc tấn công kéo dài 11 tháng. Theo đó, HRW nhận định, 46 cuộc tấn công "chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng chiến dịch quân sự ở tỉnh Idlib và các khu vực lân cận" của liên minh này.
Các thành phố bị tàn phá nghiêm trọng tại khu vực xung đột Idlib. Ảnh: AP |
Ông Belkis Wille, nhà nghiên cứu xung đột và khủng hoảng cấp cao tại HRW, chia sẻ mục đích của báo cáo nhằm đề ra các cuộc thảo luận "để xem xét chiến lược quân sự đằng sau các cuộc tấn công". Kết luận mà HRW đưa ra là "chiến lược trên vi phạm nhân quyền khi nhằm vào mạng sống thường dân".
Ông Wille phát biểu: "Thường dân tại khu vực giao tranh đã buộc phải rời bỏ quê hương bởi các cuộc tấn công ác liệt. Điều này giúp Syria có thể dễ dàng chiếm lại các thành phố mà không phải tốn công chiến đấu".
Trong khi đó, đại diện Syria và Nga đã phủ nhận những cáo buộc trên, khẳng định các cuộc tấn công trên là một phần chiến dịch đẩy lùi khủng bố tại quốc gia này.
Yêu cầu trừng phạt
Hơn 1,4 triệu trong khoảng 3 triệu thường dân tại Idlib đã phải bỏ lại nhà cửa, di dời đi nơi khác do sự khốc liệt của các cuộc tấn công. Phần lớn trong số đó đã phải di chuyển tới phía Bắc tỉnh Idlib, tại đây họ sống trong các căn lều nhỏ qua ngày.
HRW đã theo dõi và ghi nhận nhiều vi phạm của liên minh Nga-Syria trong cuộc chiến này. Bà Sara Kayyali, nhà nghiên cứu về Syria tại HRW, cho biết báo cáo được đưa trong thời điểm các bên đang ngừng bắn ở Idlib và là minh chứng cho những gì dân thường phải chịu trong suốt cuộc xung đột.
Hàng triệu người dân đã phải rời bỏ quê nhà đi lãnh nạn ở nơi khác. Ảnh: Daily Sabah |
Ngoài ra, HRW đã công bố tên ít nhất 10 quan chức dân sự và quân sự của cả Moscow lẫn Damascus có liên quan. Theo đó, cơ quan nhân quyền đã kêu gọi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua một nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên áp đặt biện pháp trừng phạt có chủ đích đối với các chỉ huy quân đội có liên quan đến tội ác chiến tranh và tội ác vi phạm nhân quyền.
Nhà nghiên cứu Kayyali cho rằng cộng đồng quốc tế cần có hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng đổ máu của thường dân tại Idlib.
Báo cáo của HRW cũng lên án việc sử dụng bom chùm và vũ khí gây cháy tại khu vực đông dân cử ở Idlib khiến ít nhấn 1.600 dân thường thiệt mạng, nhiều cơ sở hạ tầng khác cũng đã bị phá hủy. Bên cạnh đó, tổ chức còn chỉ ra Syria và Nga đã cản trở việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân thường nhằm nỗ lực giành lại lãnh thổ.
Trong đó, ông Husam Abdulmajeed, một nhân chứng của tội ác chiến tranh tại Idlib đã kể lại vụ đánh bom tòa nhà Al-Mihka ở thành phố Maarat al-Numan năm 2017. Ông cho biết, tòa nhà Al-Mihka khi ấy có nhiều thường dân bên trong, vụ tấn công đã cướp đi sinh mạng ít nhất 145 người vô tội.
Vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom, ông Adulmajeed từng quản lý của Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria. Ông đã hỗ trợ giải cứu người dân khỏi đống đổ nát. Ông chia sẻ: "Dân thường hầu như không có cách nào để tránh các cuộc tấn công chết người như vậy ngoài việc chạy trốn đến các nơi trú ẩn. Các vụ đánh bom khiến nhiều người bị thương tật vĩnh viễn, và để lại nhiều chấn động tâm lý cho những người còn sống, đặc biệt là trẻ em".
Thiếu trách nhiệm giải trình
Trong một báo cáo tháng 3/2020, Ủy ban Điều tra Quốc tế Độc lập về Syria (COI) đã trực tiếp ám chỉ Nga phải chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bất hợp pháp vào cơ sở hạ tầng dân sự ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá, khẳng định đó là tội ác chiến tranh. Sau đó, COI tiếp tục lên án Syria và đồng minh trong một báo cáo khác được gửi cho Hội đồng Nhân quyền vào tháng 7/2020.
Nhưng cho đến nay, không ai phải chịu trách nhiệm về những hành động tàn bạo đã xảy ra ở Syria, nơi đã chứng kiến một nửa dân số phải di dời khỏi quê nhà và hàng triệu người phải rời bỏ đất nước.
Giải thích về vấn đề này, HRW cho biết bối cảnh bế tắc tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã khiến tình hình ở Syria không được đưa ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Theo đó, bà Beth van Schaak, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Stanford, đề xuất một tòa án tội phạm quốc tế đặc biệt nên được thành lập để xét xử trường hợp tại Syria, theo mô hình của Tòa án Nam Tư (ICTY).
Bà cho rằng các nước nên sử dụng quyền thẩm phán chung đề yêu cầu các cá nhân liên quan tới tội ác chiến tranh tại phải đứng ra giải trình. Bà chỉ ra, Đức từng sử dụng luật thẩm quyền chung của mình để khởi kiện các thủ phạm gây tội ác ở Syria.
Minh Hạnh (Theo Al Jazeera)