Nga giáng đòn bằng 900 quả bom lượn
Kyiv Independent, qua bài phát biểu mới nhất, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, quân đội Nga đã sử dụng khoảng 900 quả bom dẫn đường để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ nước nàu chỉ trong vòng 1 tuần qua.
Bom dẫn đường trên không là loại đạn dược dẫn đường chính xác có tầm bắn ngắn hơn tên lửa, nhưng giá thành sản xuất rẻ hơn nhiều. Vũ khí này thường được phóng từ máy bay trong lãnh thổ Nga, ngoài phạm vi phòng không của Ukraine.
Nga giáng đòn bằng 900 quả bom lượn xuống Ukraine trong tuần qua. Ảnh: Reuters
Ông Zelensky đồng thời thông tin thêm rằng, ngoài 900 quả bom dẫn đường, lực lượng Nga cũng đã phóng hơn 40 tên lửa và 400 máy bay không người lái tấn công các loại vào lãnh thổ nước này trong tuần qua.
"Không quốc gia nào phải trải qua những thử thách như vậy một mình. Các đối tác của chúng tôi có cơ hội cung cấp số lượng và chất lượng cần thiết của các hệ thống phòng không, đưa ra quyết định về phạm vi hoạt động đầy đủ của chúng tôi và đảm bảo cung cấp hỗ trợ quốc phòng kịp thời cho binh lính của chúng tôi. Chúng ta không nên lãng phí thời gian - chúng ta phải đưa ra tín hiệu quyết tâm cần thiết", ông Zelensky cho biết.
Trước đó, lực lượng không quân Ukraine báo cáo rằng quân đội Nga đang ngày càng sử dụng nhiều máy bay không người lái không xác định, thường xuyên nằm dưới sự kiểm soát của các đơn vị tác chiến điện tử Ukraine và rơi xuống đất mà không gây ra bất kỳ thiệt hại nào.
Ukraine nhận tin dữ từ Đức
Tờ Bild đưa tin, trong cuộc gặp gần đây với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Berlin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra hai yêu cầu chính bao cho phép dùng vũ khí tầm xa để tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga, trong đó có yêu cầu phải có tên lửa Taurus, và đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO của Ukraine.
Tuy nhiên, ông Scholz từ chối chuyển hệ thống tên lửa tầm xa Taurus của Đức sang Ukraine, vì lo ngại leo thang căng thẳng giữa NATO và Nga. "Chúng tôi sẽ không từ bỏ sự ủng hộ với Ukraine. Ông cam kết Đức và các đối tác sẽ chuyển thêm thiết bị quốc phòng trong năm 2024 và cung cấp gói viện trợ trị giá 4 tỷ euro của Berlin cho Ukraine vào năm 2025", Thủ tướng Đức khẳng định.
Tổng thống Ukraine Zelensky tại họp báo ở Berlin hôm 11/10. Ảnh: Getty Images
Các nguồn tin của Bild cũng cho rằng, quyết định hoãn cuộc họp đã lên kế hoạch về Ukraine tại Căn cứ Không quân Ramstein do siêu bão Milton của Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ là "một cái cớ". Ông Biden được cho là không muốn thảo luận công khai về xung đột Ukraine trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Mỹ.
Các quan chức Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Đức cung cấp tên lửa Taurus tầm xa, có thể bắn trúng mục tiêu cách xa tới 500km. Bất chấp cuộc tranh luận gay gắt ở Berlin về vấn đề này, ông Scholz cho đến nay vẫn từ chối thực hiện, viện dẫn những lo ngại về leo thang căng thẳng và lập luận rằng điều này có thể sẽ khiến nước này trở thành bên tham gia trực tiếp vào các cuộc xung đột.
Trong khi đó, Tổng thống Vladimir Putin đã tuyên bố rằng nếu phương Tây quyết định cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất để tấn công sâu vào Nga, điều đó có nghĩa là NATO đang "tiến hành chiến tranh" chống lại nước này.
Ông Putin cũng đã ra lệnh cập nhật chiến lược hạt nhân quốc gia để cảnh báo rằng "hành động chống lại Nga của bất kỳ quốc gia phi hạt nhân nào, nhưng có sự tham gia hoặc hỗ trợ của một quốc gia hạt nhân" sẽ được coi là "cuộc tấn công chung" và là hành động vượt qua ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. .
Theo Kyiv Independent và RT