Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Lòng quyết tâm còn cao hơn núi”

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Tướng Navarre cho rằng QĐNDVN không thể tiếp tế đủ cho 4 đại đoàn và sẽ phải rút lui sau 1 tuần lễ vì thiếu lương thực, đạn dược.

(ĐSPL) - Tướng Navarre cho rằng QĐNDVN không thể tiếp tế đủ cho 4 đại đoàn và sẽ phải rút lui sau 1 tuần lễ vì thiếu lương thực, đạn dược.
Thế nhưng, ông ta đã đánh giá thấp “lòng quyết tâm còn cao hơn núi” và bị bất ngờ trước sự sáng tạo vô bờ “cái khó ló cái khôn” của quân dân Việt Nam.

Kéo pháo vào trận địa.

Khó khăn chồng chất khó khăn
Tuy có quân số đông đảo gấp bội đối phương,  nhưng QĐNDVN chưa có kinh nghiệm đánh công kiên lớn trên cấp tiểu đoàn. Theo lý thuyết,  bên tấn công phải mạnh hơn bên phòng thủ ít nhất là 3 lần cả về quân số lẫn hỏa lực thì mới cân bằng lực lượng. Về quân số, QĐNDVN chỉ vừa đạt tỉ lệ này, nhưng về hỏa lực và trang bị thì lại kém hơn hẳn so với quân Pháp.
Trong từng trận đánh cụ thể, việc tiếp cận đồn Pháp cũng không dễ dàng. Khi Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20/11/1953, một trong những công việc đầu tiên của họ là san phẳng mọi chướng ngại vật trong thung lũng, để tạo điều kiện tối đa cho tầm nhìn và tầm tác xạ của các loại hoả lực. Hơn nữa, các loại hỏa lực như xe tăng, lựu pháo, súng cối, súng phóng lựu, DKZ…luôn luôn cơ động. Để có thể tiếp cận hàng rào, bộ đội Việt Nam phải chạy khoảng 200 m giữa địa hình trống trải dày đặc dây kẽm gai và bãi mìn, phơi mình trước hỏa lực Pháp mà không hề có xe thiết giáp và chướng ngại vật che chắn. Phía Pháp tự tin rằng, nếu QĐNDVN  học theo “Chiến thuật biển người” mà Trung Quốc từng áp dụng ở Triều Tiên, thì quân tấn công dù đông đảo tới đâu cũng sẽ bị bom, pháo và đại liên Pháp tiêu diệt nhanh chóng.
Thêm nữa, tuy quân Pháp ở đáy một chiếc mũ lộn ngược còn QĐNDVN ở trên vành mũ, nhưng đó là ở tầm quy mô chiến dịch. Từ đồn Pháp ra đến rìa thung lũng trung bình là 2 đến 3 km, vậy nên ở quy mô từng trận đánh thì quân Pháp lại ở trên cao, còn QĐNDVN phải ở dưới thấp tấn công lên. Quân Pháp cũng có dự trữ đạn pháo dồi dào hơn hẳn cùng với máy bay ném bom yểm trợ, nên áp đảo về hỏa lực: gấp 6 lần về đạn pháo và áp đảo tuyệt đối về không quân và xe tăng.
 

Khó khăn lớn nhất của QĐNDVN là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng QĐNDVN không thể đưa pháo lớn (cỡ 105mm trở lên) vào Điện Biên Phủ.

Khó khăn lớn nhất của QĐNDVN là khâu tiếp tế hậu cần. Phía Pháp cho rằng QĐNDVN không thể đưa pháo lớn (cỡ 105mm trở lên) vào Điện Biên Phủ và khó khăn hậu cần của QĐNDVN là không thể khắc phục nổi nhất là khi mùa mưa đến. Tướng Navarre lý luận rằng Điện Biên Phủ cách xa hậu cứ Việt Minh 300–400 km và đầy rẫy rừng rậm, núi cao. QĐNDVN không thể tiếp tế đủ lương thực, đạn dược cho 4 đại đoàn. Giỏi lắm chỉ một tuần lễ là QĐNDVN sẽ phải rút lui vì thiếu lương thực, đạn dược. Trái lại quân Pháp sẽ được tiếp tế bằng máy bay. Navarre cho rằng sân bay ở ngoài tầm trọng pháo 105 ly của QĐNDVN và nếu QĐNDVN mang pháo tới gần thì tức khắc sẽ bị máy bay và trọng pháo Pháp hủy diệt. Charles Piroth, chỉ huy pháo binh, tự đắc: “Không có khẩu đại bác nào của Việt Minh bắn được 3 phát mà không bị pháo binh của chúng ta tiêu diệt!".
Vì các lý do trên, các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã đánh giá sai khả năng của đối phương và đều tự tin cho rằng Điện Biên Phủ là "pháo đài bất khả chiến bại", là "cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh".
Máy bay Pháp thua xe đạp thồ Việt Nam
Theo tính toán ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu QĐNDVN, phải huy động cho chiến dịch 4.200 tấn gạo (chưa kể gạo cho dân công), 100 tấn rau, 100 tấn thịt, 80 tấn muối, 12 tấn đường. Tất cả đều phải vận chuyển qua chặng đường dài 500 km phần lớn là đèo dốc hiểm trở, máy bay Pháp thường xuyên đánh phá. Theo kinh nghiệm vận tải đã được tổng kết từ Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), để có 1 kg gạo đến đích phải có 24 kg ăn dọc đường. Nếu cũng vận chuyển hoàn toàn bằng dân công gánh bộ, phải huy động từ hậu phương hơn 60 vạn tấn và phải huy động gần 2 triệu dân công để gánh. Cả 2 con số này đều cao gấp nhiều lần so với kế hoạch dự kiến ban đầu.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị đã đề ra những giải pháp thật sáng tạo. Một mặt động viên nhân dân Tây Bắc ra sức tiết kiệm để đóng góp tại chỗ, mặt khác đẩy mạnh làm đường, sửa đường, huy động tối đa các phương tiện vận chuyển thô sơ như ngựa thồ, xe đạp thồ, thuyền mảng... nhằm giảm đến mức tối đa lượng lương thực thực phẩm tiêu thụ dọc đường.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã huy động tối đa về sức người và sức của: hàng vạn dân công và bộ đội làm đường dã chiến trong khoảng thời gian cực ngắn, dưới các điều kiện rất khó khăn trên miền núi, lại luôn bị máy bay Pháp oanh tạc. Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… được huy động tới hàng chục vạn người và được tổ chức biên chế như quân đội.

Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cầu cho chiến dịch là đội xe đạp thồ trên 2 vạn người, với mỗi xe chở được 200–300 kg.

Một trong những lực lượng quan trọng phục vụ hậu cầu cho chiến dịch là đội xe đạp thồ trên 2 vạn người, với mỗi xe chở được 200–300 kg, kỷ lục lên đến 352 kg. Xe đạp thồ có sức chở cao gấp 10 lần dân công gánh bộ, đồng thời giảm được mức tiêu hao gạo ăn dọc đường cho người chuyên chở. Ngoài ra xe thồ còn có thể hoạt động trên những tuyến đường mà xe ô tô không thể đi được. Chính phương tiện vận chuyển thô sơ này đã gây ra bất ngờ lớn cho các chỉ huy Pháp, làm đảo lộn những tính toán trước đây khi cho rằng Việt Minh không thể bảo đảm hậu cần cho một chiến dịch lớn, dài ngày trong các điều kiện phức tạp như vậy.  
Trong một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã làm một việc đồ sộ. Con đường Tuần Giáo-Điện Biên Phủ dài 82 km trước đây chỉ rộng 1m, đã được mở rộng và sửa sang cho xe kéo pháo vào cách Điện Biên Phủ 15 km. Từ đây, các khẩu pháo được kéo bằng sức người vào trận địa trên quãng đường dài 15 km. Để bảo đảm bí mật, đường được ngụy trang toàn bộ, máy bay trinh sát Pháp khó có thể phát hiện.
Tổng cộng trong thời gian tiến hành chiến dịch, Việt Minh đã huy động được hơn 26 vạn dân công,  20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, đóng góp cho chiến dịch 25.000 tấn lương thực. Trừ số tiêu hao dọc đường, số tới được mặt trận để cung cấp cho quân đội là 14.950 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô.
Máy bay Pháp thua xe thồ Việt Nam trong việc tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên.
Ngoài ra, Pháp cũng đã đánh giá sai khả năng pháo binh của QĐNDVN khi cho rằng đối phương không thể mang pháo lớn (lựu pháo 105 mm và pháo cao xạ 37 mm) vào Điện Biên Phủ mà chỉ có thể mang loại sơn pháo 75 mm trợ chiến mà thôi. QĐNDVN đã  tháo rời các khẩu pháo rồi dùng sức người để kéo, sau khi đến đích thì ráp lại. Bằng cách đó họ đã đưa được lựu pháo 105 mm lên bố trí trong các hầm pháo nằm sâu trong  các sườn núi, xây dựng thành các trận địa pháo rất nguy hiểm và lợi hại, từ trên cao có khả năng khống chế  lòng chảo Điện Biên Phủ mà lại rất an toàn trước pháo binh và máy bay đối phương.
Với thế trận hỏa lực này, các khẩu pháo của QĐNDVN chỉ cách mục tiêu 5–7 km, chỉ bằng một nửa tầm bắn tối đa, ít tốn đạn và có sức công phá cao hơn. Áp dụng nguyên tắc "phân tán hỏa khí, tập trung hỏa lực", pháo binh của QĐNDVN từ nhiều hướng bắn vào một trung tâm, trong khi  pháo binh Pháp lại bố trí ở trung tâm, phơi mình trên trận địa.
Xem tiếp: “Chiến thắng Điện Biên Phủ: Chuyển đổi phương án tác chiến”

Tin nổi bật