Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chiêm ngưỡng áo vỏ cây, báu vật của người Hà Lăng tồn tại suốt 100 năm qua

(DS&PL) -

(ĐSPL) - Trong nhà Trưởng thôn A Mâm, vị cán bộ đáng kính của người Hà Lăng làng Đăk Ôn còn lưu giữ 9 chiếc áo Kong Kơ Pong tồn tại gần một thế kỷ.

(ĐSPL) - Trong nhà Trưởng thôn A Mâm, vị cán bộ đáng kính của người Hà Lăng làng Đăk Ôn còn lưu giữ 9 chiếc áo Kong Kơ Pong tồn tại gần một thế kỷ. Người Hà Lăng xem 9 chiếc áo quý hơn cả sinh mạng. Chỉ vào những dịp lễ, tết trọng đại, áo Kong Kơ Pong mới được đem ra sử dụng. Người có vinh dự khoác lên mình áo Kong Kơ Pong là thanh niên ưu tú, giỏi giang nhất của đồng bào Hà Lăng.

Báu vật giữa đại ngàn

Áo Kong Kơ Pong từ ngàn xưa được xem là báu vật cổ truyền, biểu tượng linh thiêng của cộng đồng người dân tộc thiểu số Hà Lăng ở làng Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Khách thập phương khi đến đây thường được dân làng kể cho nghe những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về chiếc áo được dệt nên từ vỏ các loại cây đặc biệt quý hiếm tận rừng sâu.

Chiếc áo Kong Kơ Pong gắn liền với những thăng trầm phát triển của người Hà Lăng thuở hồng hoang. Những vị cao niên còn lại ở làng Đăk Ôn cho biết, kỹ thuật dệt Kong Kơ Pong thoạt nhìn đơn giản nhưng lại vô cùng tinh xảo, trải qua nhiều giai đoạn thủ công tỉ mỉ. Thế hệ con cháu bây giờ chẳng còn ai kế thừa được tinh hoa thời cha ông. Người Hà Lăng chỉ còn lại 9 chiếc áo Kong Kơ Pong tồn tại xuyên suốt 100 năm qua.

Trưởng thôn A Mâm bận trang phục Kong Kơ Pong nghiêm trang trước nhà rông truyền thống.

Về làng Đăk Ôn, nghe kể về Kong Kơ Pong, chúng tôi bằng trí tò mò nghề nghiệp quyết tìm đến nơi lưu giữ báu vật để tận mắt chiêm ngưỡng báu vật huyền thoại. Dò hỏi mãi, PV mới được rỉ tai, 9 chiếc áo Kong Kơ Pong hiện được đồng bào giao cho Trưởng thôn A Mâm, nhân vật uy tín nhất làng bảo vệ. Dù chúng tôi được một cán bộ xã dẫn đến tận nhà nhưng Trưởng thôn A Mâm vẫn tỏ ra nghi ngại. Khách chưa bước tới sân, ở trong nhà Trưởng thôn A Mâm vừa thấy đã lên tiếng đuổi khéo: “Cô chú đến hỏi mua Kong Kơ Pong hả? Cô chú về đi, làng mình không bán đâu. Bao nhiêu tiền làng mình cũng không bán cả”.

Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, anh bạn đi cùng giải thích: “Gần đây, không hiểu vì lý do gì có rất nhiều người tìm đến ra giá mua Kong Kơ Pong. Họ trả giá cao lắm. Có người tận TP.HCM, Đồng Nai... còn chạy xe máy lên mua. Thấy nhiều kẻ săn lùng báu vật của đồng bào nên bà con nơi đây cẩn trọng lắm. Trưởng thôn A Mâm phải đem áo cất giữ ở tủ gỗ chắc chắn, bí mật đặt ngay trong nhà”.

Sau hồi giới thiệu, Trưởng thôn A Mâm biết chúng tôi là PV muốn đến tìm hiểu, khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần ẩn chứa bên trong chiếc áo quý mới niềm nở mời vào. Theo lời Trưởng thôn A Mâm, cách đây vài ngày có một đoàn người từ TP.HCM đến gạ hỏi mua áo với giá rất cao nhưng ông nhất quyết không bán. Ông A Mâm quả quyết: “Đây là vật cổ truyền của dân tộc mình, giá nào mình cũng không bán đâu, bán là có tội với Giàng, phải chịu tội với dân làng đấy”. Trưởng thôn A Mâm, nuối tiếc cho biết, cách đây hơn 10 năm, áo Kong Kơ Pong còn khá nhiều, nhà nào có người lớn tuổi đều lưu giữ một, hai cái. Do áo ít khi được sử dụng, dân làng lại chưa biết bảo tồn giá trị truyền thống nên đem bỏ đi. Sau này, Nhà nước có những cuộc vận động, bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số nên mọi người mới đi sưu tầm lại. Áo Kong Kơ Pong làm bằng vỏ cây nên dễ hư hỏng, chỉ cần lơ là bảo quản là mất cả một báu vật.

Mấy năm trở lại đây, Trưởng thôn A Mâm cùng các cán bộ văn hóa cấp xã, huyện phát động phong trào bảo tồn, bảo tàng loại áo quý. Người làng Đăk Ôn biết đây là đồ cổ truyền đang bị mai một nên tự nguyện đem y phục vỏ cây đến cho trưởng thôn giữ gìn và bảo quản. Điều đáng tiếc là hiện tại chỉ còn 9 chiếc áo Kong Kơ Pong nguyên vẹn, giữ được nét nguyên sơ như lúc ra đời. Những chiếc áo Kong Kơ Pong được trưởng thôn A Mâm cất giữ vào nơi trang trọng, với chế độ bảo mật đặc biệt nghiêm ngặt.

Trưởng thôn A Mâm dẫn chúng tôi về phía chiếc tủ gỗ có ổ khóa chắc chắn đặt ngay chính diện nhà nói: “Kong Kơ Pong nằm cả trong này, ngoài mình ra chẳng ai có chìa khóa mở nó cả. Tủ này nặng lắm cũng chẳng bê đi được đâu”. Trưởng thôn A Mâm mở tủ, trước mắt chúng tôi là kho báu vật lưu giữ văn hóa gần 100 năm của người Hà Lăng. Những chiếc áo vỏ cây màu vàng ươm xếp gọn gàng, ngăn nắp. Ông A Mâm cúi gập người xuống, dùng hai tay nâng niu từng chiếc áo với vẻ mặt trang nghiêm, thành kính. Trưởng thôn A Mâm nhẹ nhàng đặt từng chiếc áo lên mặt bàn gỗ sạch sẽ, bóng loáng. Thật khó tin, những chiếc áo với gần 100 năm tuổi thọ vẫn còn giữ nguyên màu vỏ cây như mới bóc ra, mùi thơm ngai ngái của cây rừng còn xộc lên tận mũi người đứng cạnh.

Trưởng thôn A Mâm từ tốn giải thích, đồ này chắc, bền và ấm nhưng lại rất dễ cháy, hơn nữa nếu để ngấm nước lâu sẽ bị mục. Nhận trách nhiệm tự hào và khó khăn là gìn giữ báu vật của tổ tiên nên Trưởng thôn A Mâm tuân thủ mọi quy tắc bảo quản. Ông xem 9 chiếc áo Kong Kơ Pong đó còn quý hơn cả tính mạng bản thân.

Gìn giữ đến ngàn đời

Ngày trước và cả bây giờ, người Hà Lăng chỉ mặc áo Kong Kơ Pong vào những dịp đặc biệt nhất trong năm. Áo được giao cho các nam thanh, nữ tú tráng kiện, giỏi giang mặc biểu diễn văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng. Sau khi biểu diễn, người được mặc phải trả lại ngay cho các già làng. Đồng bào Hà Lăng tin ai có vinh dự mặc lên người áo Kong Kơ Pong sẽ được Giàng phù trợ, sức khỏe dẻo dai. Người đó cũng phải có trách nhiệm với làng. Hiện tại, Kong Kơ Pong chỉ còn được 9 bộ nên việc sử dụng, lựa chọn người mặc đặc biệt khắt khe hơn. Trưởng thôn A Mâm cho biết, gần đây áo chỉ mới được sử dụng ở lễ cồng chiêng chào mừng ngày thành lập tỉnh. Sau đó, ông A Mâm và dân làng giặt áo sạch sẽ, phơi hơn 3 nắng cho khô giòn rồi mới đem vào tủ cất.

Trưởng thôn A Mâm chia sẻ với PV về ý nghĩa của trang phục Kong Kơ Pong đối với người Hà Lăng.

Dù là truyền nhân được tin tưởng trông coi báu vật tổ tiên nhưng Trưởng thôn A Mâm thừa nhận kiến thức về áo Kong Kơ Pong không thể bằng các già làng lớn tuổi khác. Trưởng thôn dẫn chúng tôi đến nhà già làng A Đàng, người được cho là kho sử sống của đồng bào Hà Lăng để tiếp tục giới thiệu về nét lịch sử cha ông. Theo vị già làng Đăk Ôn, ngày xưa để làm được một chiếc áo bằng vỏ cây, các thiếu nữ trong làng phải vào tận những cánh rừng già nguyên sinh để tìm cây L’oongKaPoong (một loại cây giống cây mít rừng) thật lớn. Tìm được cây rồi họ đem về, đập giập lớp vỏ bên ngoài, lột lấy lớp vỏ phía trong rồi đem phơi khô. Tiếp tục lấy những lớp vỏ khô cho vào nước sôi, nấu lên, đập lại một lần nữa mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.

Thế nhưng cây L’oongKaPoong chỉ dùng làm vải còn chỉ khâu lại là loại cây rừng quý hiếm khác. Người Hà Lăng gọi đây là cây PaSănLaPần. Thứ cây dây leo này mọc rất ít, rải rác trong những cánh rừng già, ven bờ suối, vách đá hiểm trở. Để tìm cây PaSănLaPần, chị em phụ nữ phải mang theo cơm nắm, ngủ lại rừng sâu qua đêm. (Theo người Hà Lăng việc may vá thêu thùa chỉ dành cho nữ giới nên họ tự làm lấy mọi công đoạn). Lấy cây về phải cặm cụi chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp. Nướng càng lâu sợi chỉ càng bền. Già A Đàng kể, phải dùng đến 5 cây L’oongKaPoong và 1 cây PaSănLaPần mới làm được một bộ đồ có chiều dài từ 1,2-1,5m. Áo được may theo kiểu dáng cổ tròn, không có tay, toàn bộ chiếc áo chỉ có hai đường khâu kín đáo ở hai bên nách, mặt trong rất láng vì được mài nhẵn còn mặt ngoài sần sùi hơn.

Già A Đàng ái ngại cho biết: “Ngày xưa mẹ mình hay làm áo vỏ cây nên mình hiểu rất rõ các công đoạn. Thế nhưng sau đó mình thử lại không được, khó lắm. Ở làng mình bây giờ không có ai biết làm đâu, nếu 9 cái áo này mà mất là coi như hết thôi”. Như già A Đàng giải thích, mọi công đoạn làm áo hết sức tinh xảo, đòi hỏi kỹ thuật cao. Không những thế, cây L’oongKaPoong và PaSănLaPần hiện nay vô cùng hiếm. Vì những lý do đó, nỗi lo về sự thất truyền áo Kong Kơ Pong cứ ám ảnh người Hà Lăng. Nguyên liệu khan hiếm Trưởng thôn A Mâm tâm sự: “Để có được những chiếc áo Kong Kơ Pong, những cao niên trong làng phải vào rừng tậy tay chọn bằng được nguyên liệu bắt buộc phải là những cây mít rừng hàng trăm tuổi như vậy áo được dệt thành mới có khả năng chịu nhiệt với thời gian. Tuy nhiên, ngày nay nguồn gỗ rừng cạn kiệt, thế hệ con cháu không mặn mà với truyền thống của ông bà tổ tiên, sợ 9 chiếc áo bị hư hỏng nên phải đến những ngày lễ lớn như Tết Nguyên đán, lễ hội đâm trâu, các thành viên trong đội cồng chiêng của làng mới được vinh dự khoác những chiếc áo quý giá của dân tộc”.

HỒ NAM

Tin nổi bật