Theo thông tin từ báo Dân trí, một chiếc lông vũ của loài chim Huia, đã tuyệt chủng từ đầu thế kỷ XX, vừa được bán đấu giá với mức kỷ lục. Đây là loài chim đặc hữu của New Zealand, và chiếc lông vũ này vẫn được bảo quản trong tình trạng tốt.
Bắt đầu, nhà đấu giá dự kiến sẽ thu về từ 2.000 đến 3.000 USD (khoảng 52 triệu đồng đến 78 triệu đồng), tuy nhiên, phiên đấu giá đã kết thúc với con số 46.521 đô la New Zealand, tương đương 28.365 USD (khoảng 737 triệu đồng). Chiếc lông vũ của chim Huia vừa được bán đấu giá nặng 9g, nghĩa là mức giá của chiếc lông vũ này thậm chí còn đắt gấp nhiều lần vàng.
Chiếc lông vũ của chim Huia vừa được bán đấu giá nặng 9g. Ảnh: Webb's.
Chiếc lông vũ này đã phá kỷ lục thế giới, trở thành chiếc lông vũ có giá đắt nhất từ trước đến nay. Trước đó, vào năm 2010, một chiếc lông vũ của loài chim quý hiếm khác đã được bán đấu giá với mức giá cuối cùng là 8.400 USD (khoảng 218 triệu đồng).
Huia là một trong số loài chim keo lớn nhất ở New Zealand, được biết đến với giọng hót hay, bộ lông bóng loáng chủ yếu màu đen và lông đuôi dài pha màu trắng. Chim Huia được cho là xuất hiện lần cuối cùng vào năm 1907.
Đối với người bản địa Maori, lông chim Huia là dấu hiệu của địa vị cao quý và thường được gài vào mũ đội đầu trong các nghi lễ trang trọng. Theo Bảo tàng New Zealand, chỉ những người có cấp bậc cao nhất mới được phép đeo lông chim Huia trên tóc hoặc làm hoa tai. Ngoài ra, những chiếc lông vũ này thường được dùng để đổi lấy những hàng hóa có giá trị khác hoặc làm quà tặng để thể hiện tình bạn và sự tôn trọng.
Người New Zealand ở châu Âu coi chim Huia là biểu tượng của uy tín. Theo Bảo tàng New Zealand, người ta sử dụng lông của con vật này để làm phụ kiện thời trang hoặc làm vật trang trí trong những ngôi nhà giàu có, theo CNN. Sự nổi tiếng nguy hiểm của huia càng tăng lên khi Công tước và Nữ công tước xứ York chụp ảnh với mũ lông vũ trong chuyến thăm đến New Zealand năm 1901.
Lông chim Huia là dấu hiệu của địa vị cao quý và thường được gài vào mũ đội đầu trong các nghi lễ trang trọng. Ảnh: Getty.
Có nhiều nguyên nhân khiến chim Huia bị tuyệt chủng. Nguyên nhân đầu tiên vì tình trạng săn bắt quá mức. Khi người châu Âu đến New Zealand vào thế kỷ XIX, lông chim Huia rất được ưa chuộng do vẻ đẹp đặc biệt của chúng, đồng thời lông loài chim này cũng được coi là biểu tượng cho sự quyền lực, dẫn đến tình trạng săn bắt quá mức để thu thập lông chim.
Nguyên do thứ hai là vì sự xuất hiện của các loài động vật săn mồi ngoại lai, trong đó có các loài săn mồi di cư theo người châu Âu đến New Zealand.
Ngoài ra, việc người dân châu Âu di cư đến New Zealand đã chặt phá rừng để khai thác gỗ, mở rộng đất canh tác… cũng đã khiến loài chim Huia mất đi môi trường sống, góp phần dẫn đến sự tuyệt chủng của loài chim này vào đầu thế kỷ XX.
Bà Leah Morris, người đứng đầu bộ phận nghệ thuật trang trí tại Nhà đấu giá Webb (New Zealand) cho rằng: "Huia là một loài chim mang tính biểu tượng và theo một cách nào đó, rất nhiều người thực sự có mối liên kết với loài chim này".
Báo Thanh niên cho biết, theo bà Morris, trong những năm 1900, "mọi người gần như phát cuồng và đều muốn sở hữu một chiếc lông chim Huia". Đây cũng là lý do khiến nỗ lực của các nhà khoa học vào đầu những năm 1900 nhằm bảo tồn số ít chim Huia còn sót lại cũng thất bại, và loài chim này sau đó tuyệt chủng.
Chim Huia được cho là xuất hiện lần cuối cùng vào năm 1907. Ảnh: Bảo tàng New Zealand.
Theo bà Morris, mẫu vật lần này là một trong những chiếc lông Huia tốt nhất mà bảo tàng tung ra thị trường. "Nó không có nhiều lông dính chùm, duy trì nhiều màu sắc, óng ánh và không có dấu hiệu bị côn trùng phá hại", bà nói.
Danh tính của người bán lẫn người mua chiếc lông vũ này không được tiết lộ, nhưng bà Morris cho biết cả hai đều là người New Zealand. Chiếc lông vũ của chim Huia được xem là "báu vật quốc gia", do vậy chính phủ New Zealand không muốn chiếc lông vũ này bị bán ra nước ngoài.
Hãng đấu giá cho biết, những người muốn mua chiếc lông chim phải xin giấy phép từ Bộ Văn hóa và Di sản New Zealand trước khi tham gia cuộc bán đấu giá đầu tuần này. Chiếc lông vũ chỉ được bán cho những nhà sưu tập đã đăng ký và không được phép đưa khỏi đất nước nếu không có sự cho phép của bộ.