Lửa bén vào chiếc bóng bay cô gái đang cầm trên tay và nhanh chóng lan ra những chùm bóng bay trên trần nhà (Ảnh cắt từ clip).
Bài đăng của cô gái tên Phạm Giang ở Hà Nội đã nhận được hàng ngàn lượt tương tác, chia sẻ, như một lời cảnh báo đến mọi người. Cụ thể bạn nữ trong câu chuyện tổ chức sinh nhật và vui vẻ chụp ảnh với quả bóng bay và chiếc bánh trên tay. Thảm hoạ xảy ra khi trái bóng bắt lửa và phát nổ, ngọn lửa cháy lan sang cả dàn bóng trên trần nhà. Mọi thứ chỉ xảy ra trong tích tắc ngắn ngủi nhưng cũng đủ khiến bạn nữ bị bỏng nặng.
Trong bài viết, Phạm Giang chia sẻ: “Đến nay 6 ngày trôi qua rồi em mới bình tĩnh hơn để up đoạn video này lên để mọi người phòng tránh ạ. Đó là điều không ai mong muốn nhưng dù sao sự việc xảy ra rồi mong rằng khi mọi người xem được sẽ chia sẻ lại với người thân để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra nhất. Trong quả bóng nén khí rất lớn nên khi gặp lửa phát nổ rất to, lửa cao lên hẳn trần nhà cháy luôn cả dàn bóng hơi thường. Nhưng nếu đó là dàn bóng khí hidro nữa thì chắc hoả hoạn to cháy cả nhà hàng mất”.
Cô gái bị tổn thương nặng ở vùng mặt, cổ và cánh tay.
Giang cho biết mình bị bỏng bặng vùng mặt, cổ, cánh tay. Ngoài điều trị tốn kém thì cú shock tinh thần là rất lớn, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt của cô gái. Đây cũng là một bài học cho nhiều người khi sử dụng bóng bay trang trí tại các bữa tiệc. Ngày nay, nhiều người bán sử dụng khí hydro (là loại khí dễ cháy nổ khi tiếp xúc với nguồn nhiệt hoặc tia lửa) để bơm bóng bay. Do hydro có giá thành rẻ hơn so với khí helium nên một số người bán đã sử dụng hydro để bơm bóng bay mà không lường hết những nguy cơ tiềm ẩn.
Trước đó, ngày 18/2, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận một trường hợp bị bỏng nặng do bình khí hydro phát nổ khi đang bơm bóng bay dịp Tết Nguyên đán. Nam bệnh nhân 63 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê, tổn thương nhiều vị trí trên cơ thể và phải cắt cụt một chi vì vết thương quá nặng.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi cầm bóng tránh di chuyển đến nơi có sự thay đổi nhiệt độ môi trường đột ngột như tránh mang bóng từ ngoài trời vào trong phòng kín, không để bóng trong ô tô hoặc gần vật phát nhiệt như bếp, nến, đèn. Không dùng lửa để cắt dây buộc bóng ra khỏi chùm. Lưu ý, ngay cả khi các trái bóng cọ xát với nhau cũng có thể phát nổ.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là những gia đình có trẻ nhỏ, các phụ huynh không cho trẻ chơi bóng bay bơm khí hydro ở trong nhà, nơi dễ tiếp xúc với các nguồn lửa để tránh cháy nổ, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Khi sử dụng cần hỏi kỹ là bóng được bơm bằng khí hydro hay khí helium. Bóng bay bơm khí helium sẽ an toàn hơn, vì đây là loại khí trơ, không cháy nổ. Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc do món đồ chơi này gây ra, cần lưu ý những điều sau:
- Không nên mang bóng bay hydro vào trong nhà bởi nếu tiếp xúc với bóng đèn, gặp không khí nóng nó có thể phát nổ.
- Không nên mua bóng bay với số lượng lớn để ở trong nhà kể cả những dip sinh nhật, sự kiện.
- Luôn để mắt đến trẻ khi chơi bóng bay.
- Nếu không may gặp phải trường hợp bỏng do nổ bóng bay bơm khí hydro cần nhanh chóng sơ cứu cho nạn nhân theo hướng dẫn cụ thể sau:
- Nhặt hết vụn bóng trên người, cởi bỏ quần áo nếu khu vực che phủ bị tổn thương. Nhanh chóng ngâm khu vực bị bỏng vào nước lạnh, có thể dùng vòi nước xối rửa ngay tại vị trí vết bỏng
- Cuốn vết thương bằng gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Bên cạnh đó, sau các sự kiện, nên tháo quả bóng trang trí ra thật cẩn thận, tránh để gió thổi va chạm vào khiến bóng nổ gặp phải nhiệt sẽ gây bỏng. Đa số các trường hợp bệnh nhân bị bỏng do bóng bay phát nổ đều ở vùng mặt, hai cánh tay hoặc cổ thậm chí cháy xém tóc, gây ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân và việc điều trị, thẩm mỹ tái tạo cũng khó khăn và tốn kém hơn.