Lương tối thiểu vùng được tăng 6%
Đây là nội dung được Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất sau hai phiên thương lượng trong năm 2023.
Với mức điều chỉnh như trên, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng thêm 200.000 đồng đến 280.000 đồng tùy vùng, chi tiết như sau:
- Mức lương tối thiểu theo từng vùng như sau: Lương vùng 1 nâng lên 4.960.000 đồng; vùng 2 là 4.410.000 đồng; vùng 3 là 3.860.000 đồng và vùng 4 đạt 3.450.000 đồng.
Người lao động mong chờ chính sách tiền lương mới. Ảnh minh họa.
- Đối với mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%: Vùng 1 tăng lên 23.800 đồng; vùng 2 là 21.200 đồng; vùng 3 là 18.600 đồng; vùng 4 là 16.600 đồng.
Mức tăng này được đánh giá dựa trên bối cảnh thị trường lao động cùng GDP năm 2023 dù chưa khởi sắc như kỳ vọng nhưng bình quân mỗi tháng hơn 18.300 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường, cao hơn số rút lui. Đơn hàng của doanh nghiệp quý sau cao hơn quý trước.
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia nhận định, mức tăng 6% là hài hòa, chia sẻ khó khăn của cả lao động và chủ doanh nghiệp. Thời điểm tăng lương tối thiểu vùng cũng được đánh giá là đảm bảo thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị phương án, nguồn lực để thực hiện.
Cán bộ công chức, viên chức đón tin mừng từ ngày 1/7
Theo Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 của Quốc hội, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm tính từ năm 2025 khoảng 7%/năm.
Theo báo VietNamnet, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.
Với việc mở rộng quan hệ tiền lương trên, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với mức lương khởi điểm 3,5 triệu đồng của công chức, viên chức có trình độ trung cấp, hệ số lương 1,86 hiện nay.
Đồng thời, mức lương trung bình của công chức, viên chức cũng có mức khởi điểm với hệ số 2,68 (cao hơn so với hệ số 2,34 hiện nay). Với hệ số 2,34 thì công chức, viên chức có trình độ đại học có mức lương khởi điểm hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp (bằng lương bộ trưởng) cũng được nới rộng từ hệ số 10 lên hệ số 12. Do đó, mức lương mới cao nhất của công chức, viên chức dự kiến sẽ cao hơn so với con số 18 triệu đồng hiện nay.
Như vậy, từ ngày 1/7 tiền lương trung bình của công chức, viên chức tăng đáng kể. Mức tăng lương cụ thể cho từng đối tượng sẽ phụ thuộc vào vị trí việc làm, hiệu quả công việc,… Đối với cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị đặc thù được lương mới sẽ không thấp hơn so với khi chưa thực hiện cải cách tiền lương, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 27 bảo đảm công bằng giữa các đối tượng hưởng lương trước và sau khi cải cách tiền lương.
Lương hưu, trợ cấp xã hội được điều chỉnh xứng đáng
Cùng với việc cải cách chính sách tiền lương cho người lao động, kéo theo đó, lương hưu và trợ cấp xã hội cũng được điều chỉnh theo chiều hương tăng, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người dân trường hợp xảy ra bù trượt giá sau cải cách tiền lương. Đồng thời, giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương, và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7.
Từ 1/7, người hưởng lương hưu cũng đón tin vui. Ảnh minh họa.
BHXH Việt Nam đề xuất điều chỉnh tăng thêm 8% cho người hưởng hưu trí cả khu vực công và tư; kinh phí dự kiến là hơn 8.800 tỷ đồng. Trong khi, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ít nhất lương hưu phải tăng 15%.
Hiện chưa có con số chính xác về mức tăng lương hưu từ ngày 1/7, dự kiến Nghị định điều chỉnh lương hưu sẽ trình Chính phủ vào tháng 5/2024.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, tính đến tháng 12/2023 đã có khoảng 2,7 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng, chiếm 20,7% tổng số người cao tuổi.
Diện bao phủ BHXH không ngừng mở rộng qua từng năm, đến hết năm 2023 là 18,2 triệu người, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện khoảng 1,7 triệu người.
Tỉ lệ bao phủ BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi trong giai đoạn 2013-2022 cũng gia tăng nhanh, từ 23,4% năm 2013, lên gần 38,1% năm 2022 so với lực lượng lao động trong độ tuổi.
Cùng với việc gia tăng số người tham gia BHXH thì số người hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cũng gia tăng. Nếu năm 2016 có gần 2,9 triệu người hưởng thì đến năm 2022 có khoảng 3,3 triệu người hưởng, tương ứng tỉ lệ tăng 13,62%, bình quân giai đoạn 2016-2022 tăng 2,16% mỗi năm.
Trong đó, số người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng từ nguồn Quỹ BHXH tăng nhanh hơn, bình quân giai đoạn tăng 5,32% mỗi năm, theo báo Người lao động.
Tin tức trên báo VOV, báo cáo Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, sáng nay 23/10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2023 thu ngân sách nhà nước 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn nhiều loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất khoảng 75 nghìn tỷ đồng. "Đồng thời thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560 nghìn tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 – 2026" – Thủ tướng cho biết. Số tiền này sẽ dùng để tăng lương cho 3 năm 2024 - 2026 theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024. |
Bảo An (T/h)