Phũm Soài: Bản sắc riêng giữa lòng Châu Phong
Nép mình bên dòng sông Hậu hiền hòa, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang, là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Chăm theo tín ngưỡng Hồi giáo.
Trong đó, ấp Phũm Soài nổi bật như một điểm son đặc thù, nơi 100% cư dân là đồng bào dân tộc Chăm, sống quây quần quanh những Thánh đường và Tiểu Thánh đường, hòa quyện giữa đời sống tín ngưỡng và khát vọng vươn lên trong kỷ nguyên mới.
Tại đây, Chi Hội Luật gia xã Châu Phong đã trở thành một cầu nối quan trọng, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ và tập quán văn hóa để mang pháp luật đến từng mái ấm, góp phần xây dựng một cộng đồng đoàn kết, văn minh và phát triển.
Với 648 hộ dân, tương đương 2.675 nhân khẩu, Phũm Soài không chỉ là một cộng đồng gắn bó về địa lý mà còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Chăm. Hai Thánh đường lớn cùng chín Tiểu Thánh đường không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân.
Tuy nhiên, sự khác biệt về ngôn ngữ – tiếng Chăm xen lẫn tiếng Việt – cùng các tập quán tín ngưỡng lâu đời đã tạo nên những thách thức không nhỏ trong việc tiếp cận và truyền tải các chính sách, pháp luật đến từng người dân.
Thánh đường Hồi giáo Jamiul Azhar Mosque, ngôi thánh đường nổi tiếng ở xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang
Về kinh tế, Phũm Soài đang chuyển mình mạnh mẽ. Chỉ còn 15% hộ dân gắn bó với nông nghiệp, trong khi 85% đã chuyển sang các ngành nghề phi nông nghiệp như buôn bán, dịch vụ, hay làm việc tại các khu công nghiệp.
Đời sống vật chất cũng khởi sắc rõ rệt: từ những ngôi nhà tre tạm ngày nào, nay tất cả đều được thay bằng nhà kiên cố. Số hộ nghèo chỉ còn 5, hộ cận nghèo 37, phần lớn đạt mức sống trung bình và khá.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra yêu cầu mới: làm sao để pháp luật không chỉ là những điều khoản khô khan mà thực sự trở thành công cụ bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự tiến bộ của cộng đồng?
Chi Hội Luật gia xã Châu Phong: Vượt thách thức, gắn kết cộng đồng
Đưa pháp luật đến với một cộng đồng dân tộc thiểu số như Phũm Soài không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Ngôn ngữ là rào cản đầu tiên – nhiều người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, sử dụng tiếng Chăm là chính, trong khi các văn bản pháp luật đều bằng tiếng Việt.
Tập quán văn hóa, tín ngưỡng Hồi giáo cũng đòi hỏi sự linh hoạt trong cách tiếp cận, tránh những nội dung có thể bị hiểu nhầm hoặc không phù hợp. Trước những thách thức ấy, Chi Hội Luật gia xã Châu Phong đã chọn cách làm sáng tạo, khéo léo để hoàn thành nhiệm vụ.
Những buổi tuyên truyền pháp luật đến với đồng bào dân tộc Chăm của Hội Luật gia tỉnh An Giang
Trong năm 2024, Chi Hội Luật gia xã tổ chức hơn 12 cuộc phổ biến pháp luật, với hơn 8 buổi được lồng ghép vào các sinh hoạt tôn giáo tại Thánh đường – nơi người dân thường xuyên tụ họp.
Thay vì áp dụng cách tuyên truyền cứng nhắc, Chi Hội phối hợp chặt chẽ với Ban Quản trị Thánh đường, các vị chức sắc tôn giáo và chính quyền địa phương để truyền tải thông điệp pháp luật một cách gần gũi.
Những nội dung như Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Đất đai hay Luật Phòng, chống ma túy được giải thích bằng ngôn ngữ dễ hiểu, kết hợp với các ví dụ thực tiễn từ đời sống người dân Phũm Soài.
Các vấn đề nhạy cảm như tảo hôn, bạo lực gia đình cũng được đề cập khéo léo, tránh áp đặt mà thay vào đó là đối thoại để thay đổi nhận thức.
Sự đồng hành của các vị chức sắc tôn giáo – những người có uy tín trong cộng đồng – đã giúp Chi Hội Luật gia xã vượt qua rào cản ngôn ngữ và văn hóa, nơi Thánh đường thành "điểm tựa" tuyên truyền hiệu quả.
Chi Hội Luật gia xã Châu Phong đã đạt nhiều kết quả tích cực trong giữ gìn an ninh trật tự tại Phũm Soài, giảm vi phạm pháp luật và thúc đẩy phong trào toàn dân phòng chống tội phạm. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn gặp khó khăn do hạn chế về đội ngũ sử dụng song ngữ Chăm - Việt và nguồn lực chưa đủ bao phủ toàn diện.
Nhằm nâng cao hiệu quả phổ biến pháp luật, Chi Hội hướng đến đào tạo lực lượng từ chính cộng đồng và lựa chọn nội dung phù hợp với thực tiễn, giúp pháp luật trở thành ý thức tự giác trong mỗi người dân. Câu chuyện của Chi Hội là minh chứng cho tinh thần đoàn kết, góp phần phát triển bền vững tại An Giang.