Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết khi xung đột nổ ra ở Ukraine vào năm 2022, liên minh đã đề ra những mục tiêu chi tiêu quân sự tham vọng hơn để đảm bảo vấn đề an ninh.
Tuy nhiên, theo báo cáo thường niên của tổng thư ký NATO, được công bố hôm 21/3 (giờ địa phương), chỉ có 7 trong số 30 quốc gia thành viên hiện tại của khối đạt mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2022, ít hơn 1 quốc gia so với năm 2021 - trước thời điểm xung đột.
Cụ thể, báo cáo chỉ ra các quốc gia đã đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng này bao gồm Hy Lạp, Mỹ, Litva, Ba Lan, Anh, Estonia và Latvia. Tổng chi tiêu quốc phòng của các đồng minh NATO đã tăng 2,2% so với năm trước.
Tổng thư ký NATO kêu gọi các thành viên tăng cường chi tiêu quốc phòng. Ảnh: Reuters
Ông Stoltenberg cho biết có 2 thành viên khác gần đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng của khối nhưng vì tăng trưởng kinh tế của họ cao hơn dự đoán nên chi tiêu của họ vẫn bị đánh giá thấp hơn so với mốc 2% GDP.
Các thành viên NATO đã tăng đều đặn chi tiêu quốc phòng nói chung kể từ khi lực lượng Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy vậy, ông Stoltenberg lưu ý kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga hồi năm ngoái, NATO nhận thấy cần tăng chi tiêu mạnh hơn cho quốc phòng.
Trao đổi với báo giới từ trụ sở NATO ở Brussles (Bỉ), tổng thư ký cho biết: "Chúng ta chắc chắn cần phải làm nhiều hơn và nhanh hơn. Về vấn đề tăng chi tiêu quốc phòng, tốc độ hiện nay là chưa đủ nhanh. Chúng tôi rất hoan nghênh những gì mà các đồng minh đã làm nhưng họ cần tăng tốc, cần làm nhiều hơn cho thế giới".
Trước đó, tại một hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales (Vương quốc Anh) vào năm 2014, các nhà lãnh đạo NATO đã đồng ý với mục tiêu tiến tới chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng trong vòng một thập kỷ.
Sắp tới, NATO dự kiến sẽ đạt được thoả thuận về một mục tiêu mới tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva, vào tháng 7 tới. Ông Stoltenberg cho biết mức chi quốc phòng 2% GDP hiện tại nên được coi là mức tối thiểu, để thúc đẩy các nước thành viên tăng chi tiêu nhanh hơn.
Ông Stoltenberg nói: "Tôi ủng hộ một cam kết tham vọng hơn so với cam kết mà chúng tôi đã đưa ra vào năm 2014. Nếu vào năm 2014, chúng ta đã có như cầu tăng chi tiêu quốc phòng thì giờ đây nhu cầu này thậm chí còn cao hơn".
Các số liệu trong báo cáo của ông Stoltenberg cho thấy Croatia và Pháp là hai nước đã tiến gần nhất đến mục tiêu 2% của khối, với mỗi nước chi khoảng 1,9% GDP cho quốc phòng. Xếp sau là Bỉ, Tây Ban Nha và Luxembourg - mỗi quốc gia có chi tiêu quốc phòng dưới 1,2% GDP.
Minh Hạnh (Theo Reuters)