Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chi 3 tỷ USD làm siêu dự án, Chúa đảo Tuần Châu có “quá sức" ?

(DS&PL) -

Để thực hiện hàng loạt siêu dự án tại TP HCM, ông Đào Hồng Tuyển cho biết đã chuẩn bị 20.000 tỷ đồng tiền mặt.

Để thực hiện hàng loạt siêu dự án tại TP HCM, ông Đào Hồng Tuyển cho biết đã chuẩn bị 20.000 tỷ đồng tiền mặt. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ẩn số đằng sau tham vọng này của Chúa đảo Tuần Châu.

Đầu năm 2017, Tập đoàn Tuần Châu đề xuất với UBND TP HCM đầu tư hàng loạt dự án như dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sài Gòn Marina City tại bãi biển Cần Giờ, xây dựng tuyến phà biển và tàu cao tốc kết nối Vũng Tàu với Cần Giờ, tàu cao tốc và du thuyền kết nối TP. HCM hay dự án Đại lộ ven sông Sài Gòn từ ngã 3 Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến cầu Bến Súc (Củ Chi).

Để thực hiện các dự án này cần khoảng 65.000 tỷ đồng. Chủ đầu tư cũng cam kết thời gian hoàn thiện các dự án: 18 tháng cơ bản hoàn tất việc san lấp tạo mặt bằng và mở cửa giai đoạn I đối với dự án Sài Gòn Marina; 18 tháng cơ bản xong phần thô đường ven sông từ Củ Chi về cầu Phạm Văn Đồng; san lấp và đầu tư các đường xương cá cho khu đô thị thông minh nối đại lộ ven sông Sài Gòn - dự án Sài Gòn New City.

Mô hình dự án Tuần Châu Hà Nội.

Theo ông Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu, để lên kế hoạch cho các siêu dự án này, ông đã được tư vấn bởi 5 công ty tư vấn hàng đầu nước ngoài, 25 chuyên gia quy hoạch và hàng chục kỹ sư. Cũng theo ông Tuyển, nguồn lực tài chính hiện đã có sẵn từ nhiều đối tác trong nước ký cam kết tài trợ vốn và thép xây dựng.

Tuy nhiên, lời phát biểu của ông Tuyển mới chỉ mang tính chất một chiều bởi dư luận vẫn còn nhớ đến dự án Tuần Châu Hà Nội được khởi công từ 10 năm trước. Cụ thể, năm 2008, dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây được khởi công với mục tiêu sẽ hoạt động vào cuối năm 2010 để cùng cả nước nhiệt liệt chào mừng sự kiện Thăng Long Hà Nội 1000 năm tuổi. Thế nhưng sau lễ khởi công hoành tráng dự án Tuần Châu Ecopark bỗng nhiên “ngủ quên” suốt 8 năm trời.

Đầu năm 2016, dự án chính thức bắt đầu được khởi công lại. Theo thông tin từ UBND Huyện Quốc oai, vào sáng ngày 24/2/2016 trong buổi làm việc giữa UBND huyện Quốc Oai và Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội, ông Nguyễn Công Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội cho biết hiện tại Công ty đã và đang tập trung nhân lực, vật lực, phương tiện cơ giới thi công liên tục 3 ca, nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cơ sở khu đô thị, các hạng mục vui chơi giải trí nhằm dự kiến khai trương đồng bộ trong tháng 6/2016.

Tuy nhiên đến tháng 6/2016, dù được được ưu tiên triển khai trước nhưng khu vực vui chơi giải trí của dự án vẫn chưa thể được đưa vào sử dụng. Một lần nữa đại diện Tuần Châu Hà Nội lại tiếp tục khẳng định với Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải sẽ đưa khu vui chơi thuộc dự án vào hoạt động trong tháng 8/2016.

Thực tế dự án sau gần 10 năm khởi công. Nhiều hạng mục còn dang dở.

Đến tháng 5/2017, dự án này mở cửa cho khách vào vui chơi ở khu vực bãi biển nhân tạo rồi đóng cửa vài ngày sau đó, nhiều hạng mục khác của dự án này vẫn còn dở dang, hoang hóa. Hiện, vẫn chưa rõ các hạng mục này có được tiếp tục triển khai hay không và đến bao giờ hoàn thiện.

Về vấn đề tài chính, được biết, trước tháng 3/2016, Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ là 700 tỷ đồng trong đó ông Đào Hồng Tuyển góp 672 tỷ đồng (96% vốn) và ông Đào Anh Tuấn góp 28 tỷ đồng (4% vốn). Sau đó, Công ty này đã tăng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng (ông Đào Hồng Tuyển góp 2.400 tỷ đồng, ông Đào Anh Tuấn góp 100 tỷ đồng).

Động thái tăng vốn điều này có thể được coi là bước chuẩn bị để Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất xin thực hiện các siêu dự án tại TP.HCM. Theo quy định, để được thực hiện dự án, chủ đầu tư cần có ít nhất 20% vốn tự có. So với con số 65.000 tỷ, Tập đoàn Tuần Châu phải bỏ ra ít nhất 13.000 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần vốn điều lệ hiện tại của doanh nghiệp này. Con số này khiến vốn điều lệ của tập đoàn này chỉ như “muối bỏ bể”. Đây cũng là một lý do quan trọng khiến cơ quan chức năng cân nhắc trước khi xem xét dự án này.

Đặc biệt, trong văn bản trả cho ý kiến về dự án "đổi đất lấy hạ tầng" (BT) dự án đại lộ ven sông Sài Gòn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) càng khiến dư luận đặt ra nghi vấn về tính khả thi cũng như năng lực của Tập đoàn Tuần Châu có đủ để thực hiện siêu dự án trị giá 3 tỷ USD. 

Theo đó, Bộ KH-ĐT cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần yêu cầu Tập đoàn Tuần châu bổ sung các nội dung còn thiếu, như chứng minh năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự cho phù hợp quy định. Một trọng những vấn đề đáng chú ý là Bộ KH-ĐT bày tỏ quan ngại về tính khả thi của dự án này. Theo Bộ KH-ĐT, dự án BT đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng. Đổi lại, Tuần Châu đề xuất TP.HCM đối ứng cho doanh nghiệp (DN) quỹ đất khoảng 12.400 ha, tương đương 5% tổng diện tích đất của thành phố.

Quỹ đất thanh toán cho dự án dự kiến lấy từ các khu vực ven sông thuộc các quận Bình Thạnh, 12 và các huyện Hóc Môn, Cần Giờ và Củ Chi. Do vậy, cần được xem xét tính khả thi việc bố trí quỹ đất trong bối cảnh nguồn lực đất đai rất hạn chế.

Ngoài ra, dự án có quy mô lớn và phức tạp, cần đánh giá kỹ tác động về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường của dự án đối với người dân tại khu vực dự án nói riêng và TP.HCM nói chung. Vì thế, Bộ này đề nghị UBND TP.HCM lấy ý kiến góp ý của các cơ quan chức năng đối với các vấn đề nêu trên của dự án.

 Ngoài ra, do dự án có tổng mức đầu tư rất lớn, nhà đầu tư cần chứng minh khả năng thu xếp vốn, nguồn vốn dự kiến huy động vào dự án, tiến độ huy động vốn cũng như sự sẵn sàng của các bên cho vay đối với dự án nhằm đảm bảo tính khả thi trong thực hiện dự án, đảm bảo tỷ lệ vốn chủ sở hữu và vốn vay theo đúng quy định của pháp luật.

Minh Thư (T/h)

Tin nổi bật