Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Cháy rừng kinh hoàng ở Mỹ: Oằn mình với cơn ác mộng hết nước, cảnh báo tình huống đặc biệt nguy hiểm

  • Mộc Miên
(DS&PL) -

Khoảng 8.500 lính cứu hỏa đang tham gia vào nỗ lực dập lửa cháy rừng tại Mỹ. Tuy nhiên, công tác cứu hỏa gặp nhiều trở ngại do nguồn nước hạn chế, thời tiết cực đoan

Cháy rừng ở Los Angeles (Mỹ) bùng phát từ hôm 7/1, khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, làm hư hại hàng nghìn ngôi nhà, buộc khoảng 150.000 người phải sơ tán. Thống đốc Gavin Newsom đánh giá đây là đợt cháy rừng nghiêm trọng nhất trong lịch sử Mỹ.

Khi Los Angeles phải đối mặt với nhiều vụ cháy rừng lan nhanh cùng một lúc, địa phương này phải đối mặt với một tình huống ác mộng: vòi cứu hỏa hết nước.

Đám cháy ban đầu bùng lên trên những ngọn đồi tại khu Pacific Palisades được mọi người xem như "con quái vật" khổng lồ, bao trùm diện tích bằng 150 sân bóng đá trong vòng nửa giờ và tiếp tục lan ra khu vực rộng hơn cả Manhattan 24 giờ sau đó.

Lực lượng cứu hỏa phải mất hàng giờ để ngăn chặn các đám cháy, nhưng không lâu sau nửa đêm, vòi cứu hỏa bắt đầu rơi vào tình trạng cạn kiệt nước.

"Hoàn toàn khô cạn, không thể lấy được chút nước nào nữa”, Đại úy Easton, một thành viên của đội tuần tra lưu động gồm những lính cứu hỏa đang cố gắng bảo vệ khu phố Palisades Highlands cho biết.

Cháy rừng tại Mỹ vẫn chưa được dập tắt. Ảnh: Getty

Đến chiều 8/1 (theo giờ địa phương), nhiều giờ sau khi các vòi cứu hỏa khô cạn vẫn không có nước. Những ngôi nhà ở Highlands bị thiêu rụi, trở thành một phần trong hơn 5.000 công trình bị phá hủy bởi đám cháy Palisades cho đến nay.

"Sao có thể chữa cháy khi không có nước?" Ryan Babroff, một lính cứu hỏa tình nguyện, nói với Washington Post.

Đến ngày 9/1, lính cứu hỏa đã ngừng khai thác các vòi nước. "Hiện tại, chúng tôi không sử dụng vòi chữa cháy", Kristin M. Crowley, giám đốc Sở cứu hỏa Los Angeles, cho biết.

Đến ngày 10/1, Thống đốc California Gavin Newsom đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vấn đề vòi nước. "Chúng tôi cần câu trả lời để đảm bảo điều này không xảy ra lần nữa và chúng tôi có mọi nguồn lực sẵn có để đối phó những đám cháy thảm khốc này", ông nhấn mạnh.

Quan chức địa phương giải thích rằng bể chứa nước dành cho những khu vực có độ cao lớn như Highlands và hệ thống bơm cung cấp nước không thể theo kịp nhu cầu khi đám cháy lan nhanh từ khu dân cư này sang khu khác. Một phần là do những người thiết kế hệ thống này không tính đến tốc độ kinh hoàng nhiều đám cháy lan rộng khắp khu vực Los Angeles trong tuần này.

Các hệ thống nước đô thị như hệ thống ở Los Angeles được thiết kế để xử lý nhu cầu lớn, bao gồm cả nhu cầu từ các đám cháy lớn có thể đòi hỏi nhiều xe cứu hỏa cùng một lúc khai thác hệ thống. Nhưng việc đưa nước đến các vùng thượng lưu của các cộng đồng trên sườn đồi như Pacific Palisades vẫn có thể là một thách thức.

Nước được thu thập trong một hồ chứa bơm vào ba bể chứa ở độ cao lớn, mỗi bể có sức chứa khoảng một triệu gallon. Sau đó, nước chảy theo trọng lực vào các ngôi nhà và vòi cứu hỏa. Tuy nhiên, hệ thống bơm và lưu trữ được thiết kế cho một đám cháy thiêu rụi vài chục ngôi nhà, chứ không phải đám cháy thiêu rụi hàng trăm ngôi nhà như thảm họa hiện tại.

Ô tô bị thiêu rụi ở Altadena, Los Angeles, California, Mỹ, ngày 10/1/2025. Ảnh: Xinhua

Trong khi đó, nhà kinh doanh bất động sản và là cựu ứng cử viên thị trưởng Los Angeles Rick Caruso cho rằng tình trạng này là do sai phạm trong quản lý của chính quyền thành phố.

Một số nhân vật cánh hữu lợi dụng tình hình để chỉ trích các chính sách và sự lãnh đạo đảng Dân chủ ở California.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cho rằng nguyên nhân là do "sự yếu kém" của Thống đốc và quyết định không mở "đường dẫn nước chính" ở Bắc California. 

Trong diễn biến mới nhất, Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cảnh báo "tình huống đặc biệt nguy hiểm" có thể xảy ra đối với tình trạng cháy rừng ở Los Angeles do những cơn gió khô ở Santa Ana với cường độ 72-112km/h được dự báo xuất hiện và kéo dài từ ngày 13/1 đến 15/1.

Những cơn gió có cường độ như vậy có thể dễ dàng gây ra hiện tượng cháy cực độ trong các đám cháy đang diễn ra hoặc biến bất kỳ tia lửa mới nào thành một "hỏa ngục".

Gió bắt đầu mạnh lên từ hôm 13/1, nhưng những cơn gió mạnh nhất và đáng lo ngại nhất có thể xảy ra vào hôm nay 14/1.

Tin nổi bật