Thái độ nhơn nhơn, tỉnh queo, không hối lỗi ăn năn của đứa cháu nội tại phiên xét xử sơ thẩm khiến nhiều người bất bình.
Tại phiên xét xử sơ thẩm diễn ra vào ngày 27/10, TAND huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Phạm Trí Duy Khánh (Sinh năm 1997, trú ở xã Tam Hưng, Thanh Oai) mức án 9 tháng tù treo về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Theo nội dung cáo trạng, chiều tối 6/6/2016, Khánh cùng vợ mới cưới sang thăm ông nội, đồng thời hỏi bà nội (tên L.) về việc tại sao lại đối xử thiếu lịch sự với khách đến dự đám cưới của. Tại đây, Khánh to tiếng rồi sau đó hành hung bà.
Bị cháu đánh, bà nội Khánh bỏ chạy, vấp ngã vào chiếc xe đạp. Chưa kịp đứng lên, nạn nhân lại tiếp tục bị cháu dùng ghế nhựa, chày giã cua đánh tới tấp.
Hành động "khó hiểu" của Phạm Trí Duy Khánh tại phiên tòa. Ảnh: An ninh thủ đô |
Chứng kiến sự việc, ông nội Khánh lao ra can ngăn, song đứa cháu không dừng tay. Mãi cho tới khi người bà ôm đầu bê bết máu chạy ra phía cổng kêu cứu, Khánh mới đi rửa tay, sau đó vào chào ông nội rồi ra về.
Còn bà nội Khánh, sau khi thoát được đứa chá, bà được một người dân địa phương đi xe máy ngang qua giải cứu và chở vào trạm y tế gần đó. Theo kết luận giám định, bà L. bị thương tích ở nhiều vị trí trên cơ thể với tổng tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 3%.
Tại phiên xét xử, Khánh phủ nhận toàn hành vi hành hung bà L. như cáo buộc mà cho rằng, vết thương trên người bà L. là do bị ngã xe khi đi chơi ở nhà hàng xóm. Trong khi đó, bà của Khánh mô tả chi tiết trước tòa từng hành động của người cháu khi đánh đấm và cầm ghế, chày phang...
Điều khiến không ít người có mặt tại phiên tòa cảm thấy đau xót là bị cáo trả lời tòa với vẻ mặt tỉnh queo. Trong khi đó, ngồi ở phía sau, thi thoảng bà lão 70 tuổi lại đưa tay quệt ngang dòng nước mắt.Hai lần chủ tọa và hội thẩm nhân dân yêu cầu, Khánh mới quay xuống xin lỗi bà một cách chóng vánh.
Nhận định hành vi của Khánh trái với lễ nghĩa trong gia đình, ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục trong khi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích của bà, VKS đề nghị tòa tuyên phạt Khánh 9-12 tháng tù.
Sau giờ nghị án, Tòa ra phán quyết cho rằng VKS kết luận Khánh dùng hung khí gây thương tích cho bà nội là chưa đủ căn cứ, mức án tù đề nghị cũng có phần nghiêm khắc. Xét Khánh phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có quan hệ ruột thịt với nạn nhân... nên tòa không áp dụng mức án tù giam.
Và cuối cùng, theo kết luận của Tòa, mức án 9 tháng tù treo và giao bị cáo cho chính quyền địa phương quản lý, giám sát, giáo dục cũng đủ tác dụng giúp bị cáo sớm trở thành công dân tốt.
Sau kết quả phiên xét xử sơ thẩm của vụ án, xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự bất bình trước thái độ nhơn nhơn của kẻ nghịch tôn.
Độc giả T.K. phẫn nộ: “Đọc tin xong mà ứa nước mắt. Đạo đức xã hội xuống cấp và suy đồi đến như thế nào sao? Lễ nghĩa gia đình được “thượng tôn” ở đâu? Mọi thứ đã suy đồi tới mức báo động. Nếu tòa xử không nghiêm minh thì những “điển hình” như thế này sẽ còn được nhân lên, và khi đó, lề thói tôn ti trong gia đình sẽ bị bằng hoại đến nhường nào!”
Độc giả N.H bình luận: “Đúng là cháu nội trời đánh. Hành động nhơn nhơn coi thường pháp luật, bất chấp đạo đức và luân lý của đứa cháu là không thể chấp nhận. Đừng mong đứa cháu đó sẽ sửa sai, nên người, vì trong thời điểm cần sửa sai, hối lỗi chân thành nhất đối với người bà già cả của mình, người này cũng đâu có làm được. Vậy thì mong gì chuyện người này “nên người” chỉ sau 9 tháng tù treo?”
Đồng quan điểm, một ý kiến khác đưa ra: “Trong vụ việc này, tòa xử chưa thấu đáo. Hành động tỉnh queo của đứa cháu tại phiên tòa là không thể chấp nhận nổi, trái với luân thường, đạo lý làm người. Phạm lỗi nhưng không hối lỗi. Chính vì vậy, bản án của tòa chưa thể gọi là đủ sức răn đe. Và tòa xử “nhẹ hều” như vậy, bị cáo càng hả hê, thách thức dư luận. Vậy nghiêm minh của pháp luật nằm ở đâu?”.
Ý kiến khác nêu: “Bà nội vốn là người sinh thành ra cha mình, thế nhưng bị cáo đánh đập với một thái độ thật vô lương. Dùng tất cả hung khí vớ được để thực hiện hành vi của mình: ghế nhựa, chày giã cua… và đánh đến mức người bà phải bỏ chạy liên tiếp. Như vậy, đạo đức xã hội để đâu? Nề nếp gia đình, tôn ti trật tự được đề cao ở chỗ nào? Nếu không xử lý nghiêm khắc thì không thỏa đáng đối với người bị hành hung. Theo đó, liệu đạo đức xã hội có được đề cao, coi trọng? ”
Gay gắt hơn, độc giả khác bình luận: Hành động, thái độ của bị cáo thông qua diễn biến hành vi đối với người bà tại thời điểm xảy ra vụ việc và tại nơi xét xử cũng để để kết luận đây là một “nghịch tôn”.
“Là một thanh niên trai trẻ, hành hung người bà đã ở cái tuổi gần đất xa trời, không còn sức phản kháng, tự vệ thì đã là một hành vi vô đạo đức. Hơn nữa, thái độ nhơn nhơn, không thành khẩn của bị cáo tại tòa lại càng khiến cho dư luận bức xúc, bất bình. Ngay cả lời cảm ơn của bị cáo đối với người bà cũng không thể hiện sự hối lỗi, chân thành. Vì vậy, cần phải xem xét lại bản án, vì thực sự, phán quyết của tòa chưa khiến dư luận cảm thấy thỏa đáng” – Độc giả nhận định.
Vũ Đậu