Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chàng trai gen Z đam mê “thu nhỏ” làng quê Việt Nam

  • Phương Uyên - Thùy Dung
(DS&PL) -

Bằng đôi bàn tay khéo léo và tình yêu sâu sắc với kiến trúc cổ, Trương Văn Bộ đã thổi hồn vào từng chi tiết nhỏ nhất, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động.

Say đắm kiến trúc cổ Việt Nam ngay từ nhỏ

Sinh ra và lớn lên tại Thường Tín, Hà Nội, Trương Văn Bộ (1998) đã sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm trong việc tái hiện những công trình kiến trúc cổ một cách thu nhỏ. Năm lên 7 tuổi, thế giới của Bộ đã mở ra một chân trời mới khi cậu bắt đầu khám phá và say mê với việc mô phỏng những ngôi đình, chùa cổ một cách tinh xảo.

“Qua những lần được nhà trường đưa đi thăm quan những ngôi nhà cổ, những ngôi chùa, mình bắt đầu thấy say mê và thích thú kiến trúc nhà cổ Việt Nam và muốn tái hại lại bằng những mô hình nhỏ hơn trong khu vực vườn nhà để ngắm hàng ngày”, Bộ chia sẻ.

Ngọn lửa đam mê đã bắt đầu cháy sáng trong trái tim cậu bé 7 tuổi tên Trương Văn Bộ. Cậu quyết tâm tái hiện lại vẻ đẹp của Chùa Một Cột bằng chính đôi bàn tay khéo léo của mình. Ban đầu, khi thấy Bộ say mê làm tiểu cảnh, bố mẹ cậu có chút không hài lòng và không ủng hộ lắm vì lo lắng rằng việc này sẽ khiến Bộ sao nhãng học hành.

Trương Văn Bộ say đắm kiến trúc cổ Việt Nam ngay từ nhỏ

Sợ bố mẹ bắt gặp, Bộ lén dậy từ lúc 4-5h sáng để làm tiểu cảnh, trời gần sáng thì lại giấu tiểu cảnh vào một góc. Cứ như thế Bộ theo đuổi đam mê này đến tận bây giờ và cậu bé ngày ấy cuối cùng cũng nhận được sự mở lòng và ủng hộ từ gia đình.

Không còn chỉ là một sở thích đơn thuần, những tiểu cảnh Bộ tạo ra giờ đây mang trong mình một sứ mệnh lớn hơn là bảo tồn và lưu giữ những hình ảnh quý giá về các công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam thời xưa.

Bộ chia sẻ, quá trình hoàn thiện một tiểu cảnh thường được chia làm 3 giai đoạn gồm lên ý tưởng bản vẻ thiết kế, dựng hình thô và hoàn thiện dán ngói, lát gạch để. Mô hình tiểu cảnh mà Bộ tâm đắc nhất là mô hình nhà cổ 5 gian, tái hiện lại toàn bộ khung cảnh của một ngôi nhà cổ Bắc Bộ. Từ khi thai nghén ý tưởng đến khi hoàn thiện mất khoảng hơn một năm.

“Các mô hình tiểu cảnh hiện đã có rất nhiều người làm nhưng điều độc đáo trong mô hình của mình là sử dụng những vật liệu thật, từ những viên gạch, viên ngói đều được làm thủ công như ngoài đời thật với kích thước nhỏ hơn, tức là mô hình nhà cổ sẽ giống với thực tế khoảng 90%. Ngay từ ban đầu mình đã định hướng là sử dụng những vật liệu thật thay vì những vật liệu công nghiệp. Điều này một phần giúp mang lại tính chân thật cho các mô hình tiểu cảnh, một phần là để tránh tác động tiêu cực đến môi trường”, nam nghệ nhân Gen Z nói thêm.

Bộ cho biết rằng, khi làm tiểu cảnh, có những chi tiết nhỏ xíu, cầu kỳ đến mức khó tin, khiến anh trăn trở cả đêm không ngủ được. Tuy nhiên, do theo học ngành cơ khí ở bậc đại học nên Bộ cũng đã luyện được sự tỉ mỉ, kiên trì, không hấp tấp nóng vội trong công việc.

Những mô hình tiểu cảnh tái hiện lại hoàn hảo những ngôi nhà Việt xưa

Theo Bộ, kích thước tiêu chuẩn của các tiểu cảnh thường vào khoảng 80x60cm, nhưng cũng có thể thay đổi tùy theo yêu cầu của khách hàng.  Hiện tại, đối tượng khách hàng chủ yếu tìm đến những mô hình kiến trúc Việt Nam thu nhỏ này thuộc tầng lớp trung niên, với mức giá dao động từ 10 đến 40 triệu đồng cho mỗi sản phẩm.

Bộ kể lại rằng trong suốt quá trình làm tiểu cảnh, có rất nhiều kỉ niệm, vui có buồn có, xúc động cũng có nhưng ấn tượng nhất là một vị khách đến từ Thanh Hóa đã liên hệ và cất công lên hẳn nhà anh lúc 11h đêm để cùng nhau trao đổi ý tưởng tái hiện lại ngôi nhà cổ trong tuổi thơ.

“Ngôi nhà hiện tại không còn nữa và mình phải dựa hoàn toàn theo ký ức của khách hàng để dựng lại bản vẽ 3D, dựng hình thô, tìm vật liệu phù hợp và hoàn thiện mô hình tiểu cảnh với khâu dán ngói, lát gạch. Trông nó hơi lộn xộn với người khác, nhưng khi anh ấy nhận sản phẩm, mình thấy anh rất xúc động và tâm đắc”, Bộ nhớ lại quá trình tạo nên ngôi nhà đặc biệt này.

Mong muốn bảo tồn văn hóa Việt

“Mình đã từng nghĩ sẽ biến đam mê làm tiểu cảnh thành nghề để kiếm thêm thu nhập. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, mình nhận ra điều quan trọng nhất là bản thân muốn làm thật nhiều, thật lâu dài để kiến trúc cổ Việt Nam được nhiều người biết đến và gìn giữ cho thế hệ mai sau”, Bộ nói.

Bộ thừa thận chẳng thể nhớ nổi đã tạo ra bao nhiêu mô hình tiểu cảnh từ khi mới bắt đầu đến giờ nhưng tác phẩm hoàn thành đều là một đứa con tinh thần, kết tinh từ tâm huyết của chàng trai gen Z này. Bộ mong rằng những mô hình tiểu cảnh do mình tạo ra sẽ là cầu nối giữa thế hệ trước và thế hệ sau, để mọi người nhìn vào đấy sẽ tiếp tục trân trọng, giữ gìn và bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hiện tại, các công trình của Bộ tập trung vào việc mô phỏng hai loại kiến trúc chính là đình chùa miếu mạo và nhà cổ, mang đậm nét dân gian Việt Nam. Những tiểu cảnh đình, chùa được anh lấy cảm hứng từ kiến trúc đặc trưng của thời Lý, thời Nguyễn, với những chi tiết mái và đuôi phượng độc đáo. Về nhà ở dân gian, Bộ thường tái hiện những ngôi nhà cổ Bắc Bộ có tuổi đời khoảng 100 năm, với cấu trúc 5 gian, khu bếp và chăn nuôi riêng biệt, cùng chiếc cổng quen thuộc dẫn vào nhà.

Chàng trai gen Z Trương Văn Bộ mong muốn bảo tồn văn hóa Việt qua những mô hình tiểu cảnh

Trong tương lại Bộ muốn xây dựng một cộng đồng những người yêu thích, làm, chơi tiểu cảnh rộng lớn hơn để thế hệ sau hiểu rõ hơn về cuộc sống trước đây của cha ông và thế hệ đi trước có thể lưu giữ cũng như nhìn lại những ký ức về nét đẹp văn hóa Việt Nam.

"Những ngôi nhà Việt cổ đang dần nhường chỗ cho các tòa chung cư, biệt thự, nhà ống hiện đại. Mình muốn bằng cách nào đó gìn giữ lại vẻ đẹp truyền thống của dân tộc. Trong tương lai, tôi cũng dự định phục dựng một số công trình kiến trúc cổ trong làng đang đứng trước nguy cơ bị thời gian bào mòn.

Bản thân mình cũng sẽ đào sâu nghiên cứu về những ngôi nhà Việt cổ theo từng khoảng thời gian suốt chiều dài lịch sử của Việt Nam như những ngôi nhà bắc bộ trong những năm 50, 60,70,80 về trước. Bên cạnh đó, mình muốn làm thêm về những kiến trúc của các vùng miền khác nhau lan tỏa tình yêu quê hương đất nước Việt Nam qua các mô hình tiểu cảnh thu nhỏ này”, Bộ cho biết.

Để nâng cao chất lượng các mô hình tiểu cảnh, Bộ cũng theo học thêm chuyên ngành về thiết kế kiến trúc, mỹ thuật. Đối với các bạn trẻ có cùng đam mê, chàng trai gen Z hi vọng các bạn tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, làm những công việc mình yêu thích từ đó góp phân giúp giữ gìn, bảo tồn những di sản văn hóa của quê hương Việt Nam.

Tin nổi bật